Tăng cường các biện pháp phòng, chống nhiễm liên cầu lợn trên người
Bệnh
liên cầu lợn là bệnh do Streptococcus suis gây nên, bệnh lây truyền từ động vật
sang người và có thể gây tử vong. Người bị bệnh thường có triệu chứng lâm sàng
nặng, phải điều trị trong thời gian dài, chi phí điều trị lớn và thường để lại
biến chứng không phục hồi sau khi khỏi bệnh.
Vào
tháng chạp, dịp Tết Nguyên đán, những tháng đầu năm nhu cầu cầu sử dụng các loại
thịt, đặc biệt thịt lợn tăng cao, để chủ động phòng, chống lây nhiễm bệnh
liên cầu lợn sang người, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị tăng cường các biện pháp
phòng, chống nhiễm liên cầu lợn trên người:
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Chi cục
Thú y tỉnh nắm bắt kịp thời tình hình dịch bệnh trên đàn lợn để chủ động áp dụng
các biện pháp phòng, chống dịch trên người; hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật
cho Trung tâm Y tế (TTYT) các huyện, thành phố trong giám sát, xử lý dịch bệnh
liên cầu lợn; tổ chức giám sát, điều tra dịch tễ đối với những ca bệnh nghi do
nhiễm liên cầu lợn tại các bệnh viện để kịp thời xử lý ổ dịch tại cộng đồng; chuẩn
bị sẵn sàng vật tư, hóa chất, phương tiện bảo đảm triển khai các biện pháp giám
sát và xử lý ổ dịch; tăng cường công tác tuyên truyền các biện pháp phòng, chống
bệnh liên cầu lợn.
Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm: Tăng cường tuyên
truyền cho người dân về các biện pháp phòng bệnh, nội dung tập trung khuyến cáo
thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, không ăn tiết canh và các loại
thịt, sản phẩm tái, sống được chế biến từ lợn; phối hợp các đơn vị tăng cường
tuyên truyền, kiểm tra, giám sát công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo vệ
sinh cá nhân, thực hiện bảo hộ lao động cần thiết khi tiếp xúc, chăm sóc, giết
mổ, chế biến thịt lợn; thực hiện thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.
Phòng Y tế, TTYT các huyện, thành phố: Phối hợp chặt
chẽ với cơ quan thú y nắm bắt kịp thời tình hình dịch trên đàn lợn, áp dụng các
biện pháp phòng, chống dịch, ngăn chặn không để dịch lây lan sang người; giám
sát phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn
và cộng đồng, tổ chức xử lý triệt để ổ dịch; phối hợp cơ quan truyền thông tăng
cường truyền thông các biện pháp phòng lây nhiễm liên cầu lợn sang người như không
ăn sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín hoặc từ lợn ốm, chết, đặc biệt không ăn
tiết canh lợn và có biện pháp bảo hộ lao động cần thiết khi tiếp xúc, chăm sóc,
giết mổ, chế biến thịt lợn; thực hiện thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.
Các cơ sở khám, chữa bệnh: Tăng cường khám sàng lọc để
phát hiện sớm ca bệnh, đặc biệt chú ý những trường hợp người bệnh có triệu chứng
nghi nhiễm liên cầu lợn, khai thác tiền sử dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm điều
trị bệnh nhân kịp thời để tránh tử vong và thông báo cho Trung tâm kiểm soát bệnh
tật tỉnh hoặc TTYT các huyện, thành phố để điều tra, xử lý ổ dịch tại cộng đồng
theo quy định; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc, tổ chức tốt việc
thu dung, cách ly, điều trị cho bệnh nhân nhằm hạn chế thấp nhất tử vong.
Các đơn vị chủ động thực hiện tốt việc phối hợp trong
công tác phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người theo quy định của
Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27/5/2013 của Bộ Y tế
và Bộ NN&PTNT; báo cáo bệnh truyền nhiễm theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT
ngày 28/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế
Trình Vũ