image banner
anh tin bai

 anh tin bai

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

anh tin bai

anh tin bai

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement
anh tin bai
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
CHƯƠNG II: BƯỚC PHÁT TRIỂN MỚI CỦA Y TẾ NAM ĐỊNH TRONG THỜI KỲ HOÀ BÌNH Ở MIỀN BẮC (1954- 1964)
Lượt xem: 2592

Ngày 02- 07- 1954, một số cán bộ y tế Liên khu 3 và một số cán bộ y tế tỉnh (trong đó có Vũ Văn Vĩnh, Trần Khắc Nghiêm…) vào tiếp quản Bệnh viện Nam Định do quân Pháp để lại. Nhìn chung việc tiếp quản diễn ra nhanh gọn, thuận lợi. Hầu hết nhân viên trong bệnh viện ra trình diện và thực thi nhiệm vụ theo yêu cầu của cán bộ tiếp quản. Khi thực hiện Hiệp định Giơ- ne- vơ, với âm mưu chiếm đóng miền Nam lâu dài để tập hợp, xây dựng lực lượng chiếm đóng trở lại miền Bắc, đế quốc Pháp và Mỹ cùng bọn tay sai phản động đã dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào ta di cư vào Nam. Khi rút chạy, chúng cướp đi một số máy móc ở các xí nghiệp và muốn lấy đi những trang thiết bị y tế, nhưng ta kiên quyết đấu tranh nên các cơ sở, dụng cụ của bệnh viện được bảo toàn.

1. Những năm là hai đơn vị hành chính tách biệt.

Ngay sau ngày giải phóng, tỉnh Nam Định được chia thành 2 đơn vị hành chính: Thành phố Nam Định là đơn vị trực thuộc Trung ương (bao gồm cả huyện Mỹ Lộc) và tỉnh Nam Định có 8 huyện, trụ sở các cơ quan tỉnh đóng tại Hành Thiện, Xuân Trường. Cơ quan y tế tỉnh ở xã Xuân Nghĩa.

Về tổ chức, Ty y tế tỉnh lúc này chưa có phòng, ban chuyên môn, chỉ có một số cán bộ phụ trách các phần việc: Hành chính- văn thư, Kế toán- tài vụ và Tổ chức cán bộ (khoảng 10 người). Trưởng ty là y sỹ Vũ Văn Vĩnh, phó trưởng ty là y sỹ Hồ Sĩ Ba, kiêm quản đốc Bệnh viện tỉnh. Đơn vị trực thuộc gồm hai đội làm công tác phong trào phòng chống dịch bệnh với khoảng 10 y sỹ và y tá sơ cấp.

Bệnh viện tỉnh gọi là Bệnh viện Lạc Quần. Bệnh viện được xây dựng tại thôn Lạc Quần, xã Xuân Nghĩa, huyện Xuân Trường, quy mô 50 giường bệnh, với các khoa: Khám bệnh, Nội, Lây nhiễm, Ngoại sản. Tổng số cán bộ khoảng 20 người trong đó có 4 y sỹ: Phạm Thị Tuyết (Nội nhi), Nguyễn Kiềm (Ngoại), Trần Thị Xuân (Sản), Nguyễn Văn Lược (Khám bệnh chung).

 Về nghiệp vụ có:

   + Kỹ thuật: Ngoại- cắt bỏ ruột thừa; sản- kéo forceps- mổ đẻ (trường hợp đẻ khó).

   + Cận lâm sàng: Một y tá xét nghiệm, được trang bị 1 bộ kính hiển vi; kỹ thuật thử máu đếm HBC và nước tiểu- định tính- tìm Albumin.

        Về cơ sở vật chất: Nhìn chung thiếu thốn, đơn giản, chưa có xe cứu thương, vận chuyển bệnh nhân phải cáng võng đi bộ ( lên Bệnh viện thành phố Nam Định 25 km). Nhà tranh, vách đất là chính; nguồn nước dùng ở sông Ninh Cơ (không có nước máy)…

         Về tổ chức Đảng, đoàn thể: Ty y tế có chi bộ trực thuộc tỉnh Uỷ (gồm Đảng viên ở cơ quan Ty và bệnh viện), đồng chí Nguyễn Văn Tảo làm bí thư; có công đoàn cơ sở trực thuộc Liên hiệp Công đoàn tỉnh.

Tuyến huyện đã có phòng y tế nhưng chỉ có 1 đến 2 y tá làm việc trong văn phòng Uỷ ban Hành chính huyện, với nhiệm vụ tham mưu công tác vệ sinh phòng bệnh, phòng chống dịch và các bệnh xã hội. Năm 1956, thành lập bệnh xá Đồng Muối (Văn Lý), có 30 giường bệnh làm nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho dân vùng làm muối. Tiếp theo là các bệnh xá huyện: Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nam Trực, Vụ Bản, Ý Yên đều được thành lập, quy mô 30 - 50 giường bệnh.

   Thời kỳ này, xã chưa có trạm y tế. Mỗi xã chỉ  có 1 y tế xã được đào tạo từ 3 đến 6 tháng.

   Trong hoàn cảnh miền Bắc mới được giải phóng, kinh tế địa phương vô cùng khó khăn; Ngành y tế tỉnh thiếu thốn về mọi mặt: Cán bộ chuyên môn nghiệp vụ thiếu, phương tiện dụng  cụ, thuốc men thiếu, đòi hỏi phải vừa khẩn trương củng cố, vừa tích cực xây dựng thì một sự kiện lịch sử  quan trọng đến với Ngành Y tế cả nước đó là: Được đón nhận thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị cán bộ y tế ngày 27/2/1955. Toàn văn bức thư như sau : 

Bác thân ái chúc các cô (nghe nói có nữ bác sỹ ở Nam về?), các chú vui vẻ, mạnh khoẻ, hăng hái trao đổi kinh nghiệm, bàn định kế hoạch cho thiết thực và làm việc cho tiến bộ.

Bác góp vài ý kiến sau đây để giúp các cô, các chú thảo luận:

Trước hết là phải thật thà đoàn kết: Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta.

Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích.

Đoàn kết giữa các cán bộ cũ và các cán bộ mới, đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ các bộ trưởng, thứ trưởng, bác sỹ, dược sỹ cho đến các anh chị em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác sau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân.

Thương yêu người bệnh: Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh và giữ sức khoẻ đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn.

“Lương y phải như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng.

Xây dựng một nền y học của ta: Trong những năm trước ta bị nô lệ thì y học cũng như các ngành khác bị kìm hãm. Nay chúng ta đã độc lập, tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp Chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta. Y học cũng phải dựa trên nguyên tắc khoa học, dân tộc và đại chúng.

Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý hoá về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc “Đông” và thuốc “Tây”.

Mong các cô, các chú cố gắng thi đua làm tròn nhiệm vụ.”

                                                            Chào thân ái và quyết thắng

                                                                                  Tháng 2-1955

                                                                       HỒ CHÍ MINH

Thư của Bác vừa động viên, khen ngợi, vừa ân cần dặn dò chỉ bảo cán bộ công nhân viên toàn ngành trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

Thực hiện thư Bác, Bộ Y tế đã đề ra 5 phương châm:

1. Tăng cường phòng chống dịch bệnh , bệnh truyền nhiễm, tăng cường vệ sinh bảo vệ môi trường, mở rộng miễn dịch- không để dịch lớn xảy ra, nếu xảy ra phải dập tắt nhanh chóng. Tích cực thanh toán dịch bệnh.

2. Mở rộng công tác trị bệnh có hiệu quả. Quản lý sức khoẻ cho toàn dân, phòng bệnh xã hội.

3. Bảo vệ sức khoẻ bà mẹ, trẻ em với nhiệm vụ cơ bản là: Sinh đẻ có kế hoạch, nuôi dưỡng tốt, hạ thấp tỷ lệ phát triển dân số, xây dựng các nhà trẻ và vườn trẻ.

4. Không để thiếu thuốc chữa bệnh thông thường. Cung cấp đủ thuốc tốt, rẻ tiền và chữa bệnh có hiệu quả cho nhân dân.

5. Xây dựng mạng lưới y tế đầy đủ cho địa phương, kiện toàn tổ chức y tế tuyến huyện và tuyến xã.

Năm phương châm đó đã trở thành năm mục tiêu lớn để toàn ngành phấn đấu thực hiện. Đồng thời Chính phủ và Bộ Y tế đã giao nhiệm vụ cho các Ty y tế trong cả nước phải chỉ đạo công tác bảo vệ sức khoẻ của nhân dân. Công tác đó bao gồm:

+ Việc phòng bệnh và chữa bệnh.

+ Sản xuất và phân phối thuốc.

+ Đào tạo cán bộ y tế và nghiên cứu khoa học.

Triển khai thực hiện các nhiệm vụ, ngành y tế của tỉnh đã bước đầu chú trọng công tác vệ sinh phòng dịch, tuyên truyền vận động nhân dân ăn chín, uống nước đã đun sôi.

Năm 1956 trên địa bàn tỉnh phát hiện dịch sốt rét ở 3 huyện ven biển: Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thuỷ. Số người mắc bệnh khá nhiều, tập trung ở các xã ven biển. Sốt rét thể loại ký sinh trùng chủng Phlasmodium vivax, thể bệnh khó điều trị. Với quyết tâm vượt khó khăn của toàn ngành và sự chỉ đạo, hỗ trợ thuốc men của Sở Y tế Liên khu 3, nên sau 1 năm dịch sốt rét mới cơ bản ổn định , ngành còn phải tiếp tục giải quyết hậu quả một thời gian dài .

                           *Thành phố Nam Định:

Tháng 9- 1954, theo chỉ đạo của Liên khu uỷ khu 3, Bệnh viện của Liên khu 3 đóng ở Thanh Hoá chuyển ra tham gia tiếp quản và làm nhiệm vụ tại nhà thương Nam Định. Đồng thời khi đó cũng chính thức thành lập và đặt tên là Bệnh viện thành phố Nam Định, gồm các khoa phòng:

- Khoa khám bệnh, phát thuốc.

- Khoa nội nhân dân.

- Khoa nội cán bộ.

- Khoa ngoại và nhà mổ.

- Khoa sản.

        - Khoa mắt.

- Khoa chữa răng.  

- Khoa lao.

- Nhà giữ và chữa người bị bệnh tâm thần.

- Nhà xác.

- Khu văn phòng.

Lãnh đạo ngành y tế thành phố gồm: Bác sỹ Nguyễn Trọng Tuệ, trưởng Ty y tế kiêm bệnh viện trưởng; ông Phạm Phan Hiền phó trưởng Ty kiêm bệnh viện phó. Từ cuối năm 1954, một số cán bộ chủ chốt lần lượt rút đi hoạt động ở nơi khác, riêng ông Trần Khắc Nghiêm ở lại phụ trách về ngoại khoa.

Đến năm 1956, Bệnh viện thành phố Nam Định được tăng thêm giường bệnh (lên 350 giường) và tăng cán bộ nhân viên. Ông Trần Tiến được cử về làm chính trị viên bệnh viện và sau đó làm Bí thư Chi bộ kiêm bệnh viện phó; Ông Trần Khắc Nghiêm được cử làm bệnh viện phó. Tổ chức của Bệnh viện cũng phát triển thêm một số khoa: Tai- Mũi- Họng, Truyền nhiễm, X quang, Xét nghiệm và Dược. Thời gian này, khoa lao được tách khỏi Bệnh viện thành phố để tham gia thành lập Viện Điều dưỡng- lao (do ông Thích, y sỹ Đông Dương nguyên là trưởng trạm Điều dưỡng lao Liên khu 3 phụ trách .

Những năm đầu sau khi Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, Bộ Y tế có chủ trương đề bạt các y sỹ Đông Dương được công nhận là bác sỹ; các y sỹ trung cấp do Việt Nam đào tạo (Trường Y sỹ) tại các khoá I- II- III, công nhận là y sỹ cao cấp và các năm sau được bồi dưỡng công nhận là bác sỹ. Sau đó một số bác sỹ, dược sỹ được cử về công tác tại Nam Định như: các bác sỹ Trần Phi Liệt, Nguyễn Thiệp, Nguyễn Tòng…; các dược sỹ cao cấp: Bùi Hữu Vĩnh, Nguyễn Thị Hậu…

Từ năm 1955- 1957, một số y sỹ trung cấp khoá IV, V, VI do Trường Đại học Y- Dược quản lý đào tạo ra trường được cử về công tác tại ngành y tế Nam Định (như các y sỹ: Trần Văn Chuyên, Nguyễn Thượng Kính, Hoàng Đức Kiệt, Trần Lê Giáp, An Đông Hải, Nguyễn Kiềm, Phạm Thị Tuyết…). Tiếp theo đó, một số y tá được bổ túc nghiệp vụ thành y sỹ trung cấp (như: Đinh Thị Bảo, Phạm Thị Lâm, Nguyễn Thị Bạch Hải, Trần Văn Nhữ…).

2. Tổ chức y tế Nam Định sau khi hợp nhất hai đơn vị hành chính.

Năm 1957, cấp khu giải thể.

Ngày 03- 09- 1957, thành phố Nam Định và tỉnh Nam Định hợp nhất thành một đơn vị hành chính. Các đơn vị trong ngành y tế cũng được hợp nhất.

Lãnh đạo Ty y tế là bác sỹ Nguyễn Trọng Tuệ (nguyên giám đốc bệnh viện khu) làm trưởng Ty kiêm Bệnh viện trưởng bệnh viện tỉnh, phó trưởng Ty là ông Phạm Phan Hiền. Đến năm 1959, bác sỹ Nguyễn Trọng Tuệ chuyển đi Hải Phòng, ông Đỗ Văn, y sỹ Đông Dương ( được đề bạt công nhận là bác sĩ ) làm trưởng ty kiêm Bệnh viện trưởng bệnh viện tỉnh.

     Tổ chức trong ngành bao gồm: Văn phòng Ty có các phòng, ban: Hành chính- Tổ chức, Kế hoạch nghiệp vụ, Kế toán tài vụ.

 Các đơn vị trực thuộc: Bệnh viện Lạc Quần vẫn giữ nguyên, trở thành Bệnh viện khu vực phía Nam tỉnh, Quản đốc bệnh viện là y sỹ Phạm Thị Tuyết, Phó quản đốc là ông Nguyễn Văn Hành (bộ đội chuyển ngành), chỉ điều động một số cán bộ lên làm việc tại Bệnh viện thành phố và Bệnh viện thành phố trở thành Bệnh viện tỉnh, với quy mô 300 giường bệnh, do bác sỹ Trần Khắc Nghiêm làm giám đốc, phó giám đốc là ông Nguyễn Văn Dĩnh.

+ Xí nghiệp Dược được tiếp quản từ một chủ người Hoa (tham gia Hợp doanh), sản xuất thuốc bằng thủ công, dược thảo là chủ yếu. Quốc doanh dược phẩm chuyên thu mua, phân phối thuốc trực tiếp cho các bệnh viện và bán thuốc cho nhân dân thông qua hệ thống cửa hàng dược các địa phương.

 + Phòng y tế các huyện vẫn như cũ.

 + Năm 1958, Ty y tế tổ chức trường sơ cấp y tá, đào tạo y tá, nữ hộ sinh 6 tháng cho tuyến xã. Trường lớp chưa có cơ sở, phải dựa vào nhà chùa Phù Long khu phố 8 của thành phố làm nơi ở và học cho học sinh.

 + Các đội vệ sinh phòng dịch chống sốt rét làm nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân giữ gìn vệ sinh, phòng bệnh, phòng chống mắt hột…

 + Đội bảo vệ bà mẹ, trẻ em, sinh đẻ có hướng dẫn. Đồng thời làm cả nhiệm vụ đào tạo cô nuôi dạy trẻ và vận động xây dựng nhà trẻ mẫu làm điểm.

 + Đội phòng chống lao và một khu điều trị bệnh nhân lao nội trú 50 giường trên cơ sở tiếp quản Trạm Điều dưỡng lao của Liên Khu 3 để lại. Thực hiện điều trị bệnh nhân lao theo phác đồ của Bộ Y tế; đồng thời xây dựng các Sana Lao (Trạm lao) tại một số huyện, tổ chức điều trị nội trú và cách ly bệnh nhân lao thể 4B.

+ Đội phòng, chống bệnh phong làm nhiệm vụ tuyên truyền để nhân dân có nhận thức đúng về bệnh phong (không sợ, không thành kiến với người bệnh); khám và phát hiện bệnh để gửi bệnh nhân đi Bệnh viện phong Thái Bình.

 Về tổ chức Đảng: Cấp uỷ Đảng cơ sở gồm đảng viên văn phòng Ty và các đơn vị trực thuộc, do ông Phạm Phan Hiền làm bí thư. Cấp uỷ trực thuộc tỉnh uỷ. Đảng viên của bệnh viện sinh hoạt trong một chi bộ, do đồng chí Nguyễn Văn Dĩnh làm Bí thư và chi bộ bệnh viện tỉnh trực thuộc tỉnh uỷ: đảng viên các phòng y tế, bệnh viện huyện trực thuộc địa phương cấp uỷ địa phương.

Tổ chức Công đoàn ngành (chính thức được thành lập năm 1959) trực thuộc Công đoàn Tỉnh do ông Trần Tiến- nguyên cán bộ chính trị Bệnh viện Liên Khu 3 làm thư ký.

Cùng với nhiệm vụ chuyên môn, trong thời gian này Ty y tế đã lãnh đạo toàn ngành thực hiện công cuộc cải tạo Xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Sau khi thực hiện giảm tô (năm 1953), từ năm 1954 - 1956 Đảng lãnh đạo tiến hành cải cách ruộng đất. Tuy có phần sai lầm, nhưng về căn bản, cuộc cải cách ruộng đất đã mang lại ruộng đất cho nông dân nghèo, trong đó có số đông gia đình cán bộ y tế. Có một số cán bộ y tế bị xử lý sai, khi được sửa sai đã trở về với nhiệm vụ. Kết quả công cuộc cải tạo kinh tế ở nông thôn thực tế tạo được những thuận lợi lớn về vật chất cũng như tinh thần cho việc xây dựng ngành, phát triển mạng lưới y tế ở vùng nông thôn; rõ nhất là động viên được số đông cán bộ y tế phấn khởi, hăng hái trong công việc.

3. Ngành y tế thực hiện nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa.

Ngày 25- 10- 1959, Trung ương Đảng ra chỉ thị về đấu tranh cải tạo những người làm nghề y dược tư doanh.

Ngày 21- 11- 1959, Bộ y tế ra thông tư số 29 hướng dẫn những điểm cụ thể nội dung thực hiện. Dưới sự lãnh đạo của tỉnh uỷ, sự chỉ đạo trực tiếp của Ban cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh tỉnh, ngành y tế tỉnh đã tiến hành cải tạo những người hành nghề đông, tây y và dược. Nam Định là tỉnh có số người hành nghề khá đông so với nhiều tỉnh thành khác, với tổng số 2.314 người hành nghề gồm: 02 y sỹ, 07 y tá, 22 thợ trồng răng, 04 hộ sinh Đông Dương, 10 hộ sinh sơ cấp, 393 mụ vườn, 1754 đông y đông dược; hàng năm chữa bệnh, bán thuốc cho hàng chục vạn người dân.

Phương châm tiến hành cải tạo là: Một mặt có thể sử dụng được một số người có chuyên môn để bảo vệ sức khoẻ nhân dân; mặt khác phải quản lý chặt chẽ và kiên quyết loại trừ những người không có nghề, lấy mục đích lợi nhuận làm chính, để lừa bịp làm hại sức khoẻ nhân dân.

Cuộc cải tạo Xã hội chủ nghĩa được tiến hành từng bước, mở đầu là tổ chức học tập chính trị tập trung (từ 7- 11 ngày). Nội dung là nhận thức rõ về hai con đường: Xã hội chủ nghĩa và Tư bản chủ nghĩa; Năm phương châm chỉ đạo của nền y tế Xã hội chủ nghĩa; đạo đức cách mạng của người cán bộ y tế mới và Thông tư số 8/2009 của Bộ Y tế về quy chế hành nghề y- dược. Qua đợt học tập này, những người hành nghề y- dược tư đã thấy được thiếu sót, có nhiều chuyển biến tốt, bước đầu có nhận thức đúng về nhiệm vụ cao quý của người thầy thuốc trong chế độ Xã hội chủ nghĩa. Nhất là những người làm nghề Đông y, từ trước bị đế quốc coi rẻ, miệt thị, nay hiểu rõ đường lối của Đảng nên thực sự phấn khởi chấp hành.

Bước thứ hai là tiến hành đăng ký với tinh thần cụ thể, thận trọng. Để đảm bảo chính sách, đăng ký đúng đối tượng, tránh những trường hợp đăng ký người quá kém về nghiệp vụ hoặc không thực sự có khả năng. Tỉnh chỉ đạo cho xét duyệt 2 vòng: Cơ sở xã- khu phố xét vòng 1, huyện- thành phố xét vòng 2 rồi Ty mới cấp giấy đăng ký. Nghề cao đơn hoàn tán thì phải duyệt công thức trước khi cấp giấy cho hành nghề. Riêng những “mụ vườn” nói chung không cấp đăng ký cho cá nhân; chỉ những người thật sự có tín nhiệm với nhân dân thì được đưa vào các trạm y tế làm hộ lý, không để cho làm nghề riêng lẻ nữa. Các lương y thì được đưa vào các chi hội Đông y, được các cơ quan y tế giúp đỡ xây dựng các phòng chẩn trị Đông y để chữa bệnh, phòng bệnh, sản xuất thuốc phục vụ nhân dân. Đồng thời ngành còn vận động các lương y có khả năng tham gia khám chữa bệnh tại trạm y tế xã.

Công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với người hành nghề y- dược trên địa bàn tỉnh đã đảm bảo đúng phương châm “giáo dục là chính”, trọng dụng kỹ thuật với những người giác ngộ xã hội chủ nghĩa, biết kết hợp giữa công và tư. Sự quản lý những người hành nghề của Ty y tế được chặt chẽ, đúng quy chế của Bộ; đã tập trung được những người ở thành phố, thị trấn vào các hợp tác xã, đưa dần những người ở nông thôn vào Trạm y tế xã và các hợp tác xã làm nghề dịch vụ. Tại thành phố Nam Định, tổ chức được một xí nghiệp công tư hợp doanh lớn (Công tư hợp doanh Ích Hoa Sinh) chuyên sản xuất thuốc.

Do thấm nhuần các phương châm chỉ đạo của Trung ương Đảng, vận dụng sáng tạo các chính sách, biết lấy giáo dục chính trị làm khâu chính đồng thời thận trọng trong lãnh đạo và tổ chức thực hiện cải tạo y dược tư nhân, nên chỉ trong 9 tháng đầu năm 1960 đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu đề ra. Đây là cuộc cách mạng quan hệ sản xuất quan trọng được ngành y tế tổ chức thực hiện thắng lợi, không có sai lầm. Qua đó, làm cho cán bộ công nhân viên chức trong ngành nhận thức rõ hơn về “hai con đường”, được nâng cao quan điểm lập trường tư tưởng. Công cuộc cải tạo Xã hội chủ nghĩa đó cũng mang lại cơ sở vật chất, tạo thuận lợi cho ngành tiến hành xây dựng các trạm y tế dân lập, quỹ y tế ở các xã. Chính trong 3 năm thực hiện kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế- văn hoá (1958- 1960) đã tạo tiền đề thuận lợi cho ngành y tế bước vào thực hiện kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1960- 1965) thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đẩy mạnh mọi mặt công tác.

II. MẠNG LƯỚI Y TẾ MỞ RỘNG, CÔNG TÁC VỆ SINH

               PHÒNG DỊCH ĐƯỢC TĂNG CƯỜNG .

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (09- 1960), Bộ Y tế đã đề ra năm phương châm, nguyên tắc chỉ đạo của ngành y tế Xã hội chủ nghĩa là:

- Y tế phục vụ sản xuất, đời sống, quốc phòng, phục vụ dân tộc ít người.

- Y tế Xã hội chủ nghĩa lấy phòng bệnh là chính.

- Thống nhất chữa bệnh và phòng bệnh, chữa bệnh toàn diện, lấy kết quả chữa bệnh để đẩy mạnh phòng bệnh.

- Kết hợp Đông- Tây y trong công tác phòng, chữa bệnh toàn diện, lấy kết quả chữa bệnh để đẩy mạnh phòng bệnh.

- Công tác y tế phải đi đúng đường lối của Đảng.

Trên cơ sở năm phương châm đó, sự nghiệp y tế của tỉnh có sự phát triển đúng hướng. Phòng Y tế huyện có từ 2- 3 cán bộ làm công tác vệ sinh phòng bệnh, phòng chống dịch và các bệnh xã hội. Các xã có trạm y tế, cán bộ chủ yếu là y tá, nữ hộ sinh đào tạo 6 tháng (rất ít xã có y sỹ) chưa có nhà trạm riêng nên phải sử dụng đình, chùa, nhà địa chủ hoặc mượn nhà dân. Ở tuyến xã còn có y tế đội sản xuất, y tế thôn xóm được đào tạo 3 tháng; chủ yếu làm nhiệm vụ vệ sinh phòng bệnh, phát hiện bệnh dịch ở địa bàn dân cư, do trạm y tế quản lý. Nhìn chung do điều kiện kinh tế địa phương còn thiếu thốn, chậm phát triển nên thù lao cho cán bộ y tế xã gặp nhiều khó khăn, nhiều cán bộ hàng năm không được hợp tác xã chi trả công điểm. Do đó y tế tuyến cơ sở không ổn định về cán bộ; xây dựng rồi lại “vỡ”, “vỡ” rồi lại xây dựng trong một giai đoạn khá dài.

Y tế tuyến tỉnh được phát triển cả về số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ và trang thiết bị.

Năm 1960 Bệnh viện Lạc Quần được bổ sung 2 bác sỹ (bác sỹ Viên chuyên khoa nội, bác sỹ Nguyễn Tòng chuyên khoa ngoại). Bệnh viện đã pha chế được một số loại thuốc uống và huyết thanh phục vụ cho điều trị; đã có xe cứu thương. Năm 1962, Bệnh viện giải thể, một số cán bộ được điều động về Ty và bệnh viện thành phố, số còn lại và cơ sở bệnh viện bàn giao lại cho huyện, là tiền thân Bệnh viện Xuân Trường.

Bệnh viện tỉnh được bổ sung một số thiết bị y tế hiện đại như máy X quang cả sóng, kính hiển vi 2 mắt, lồng ấp, lò sấy hấp tập trung, máy thở, các dụng cụ  chuyên khoa: ngoại, sản, tai- mũi- họng, mắt, răng- hàm- mặt…

Về cán bộ, đã nhận mới và điều động về tỉnh một số y, bác sỹ như: Lê Mộng Sứng, Nguyễn Mỹ, Phạm Thị Tuyết, Đoàn Văn Hậu, An Đông Hải; các lương y: Trần Văn Tạo, Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Lộc, Bùi Phùng Nguyên… Nhiều cán bộ trình độ trung cấp được cử đi học bổ túc đại học; Hộ lý đi học thành y tá, y tá đi học thành y sỹ. Do có tinh thần phấn đấu và đạt được thành tích cao trong công tác, nhiều cán bộ, công nhân y tế được kết nạp vào Đảng như các đồng chí: Võ Đảnh, Trần Khắc Nghiêm, Hoàng Đức Kiệt, Trần Hiếu Kiềm, Trịnh Thanh Vân, Đào Trọng Tính, Phạm Thị Lâm, Bùi Văn Nghệ, Trần Văn Thử.. . .

Ngày 09- 06- 1960, Ban bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị 211 về tăng cường công tác y tế.

        Ngày 10- 06- 1960, Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị về tiêu diệt bệnh sốt rét.            Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, phong trào vệ sinh phòng bệnh trong nhân dân được đẩy mạnh. Mấy năm liên tiếp, với các phong trào “vệ sinh yêu nước”, “sạch làng tốt ruộng” được mở rộng ở hầu khắp các địa phương. Những tập tục lạc hậu mất vệ sinh được xoá bỏ dần, thay bằng nếp sống vệ sinh, khoa học. Các địa phương đều chú trọng đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch và các bệnh xã hội. Các đội y tế lưu động phòng chống dịch, chống sốt rét, chống mắt hột đã về vùng nông thôn, phối hợp với các địa phương cơ sở chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Các xã vùng ven biển tiến hành phun hoá chất DDT diệt muỗi chống bệnh sốt rét.

Ngày 21- 05- 1963, một sự kiện lịch sử đặc biệt đến với sự nghiệp y tế Nam Định là: Nhân dịp về dự Đại hội Đảng bộ tỉnh, vào lúc 3 giờ 15 phút chiều, Bác Hồ đã đến thăm Bệnh viện tỉnh Nam Định (*) (Nay là  Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Đồng chí Lê Thành, Bí thư tỉnh uỷ đã giới thiệu với Bác cùng đoàn cán bộ Trung ương xem phòng triển lãm “Tốt- xấu” của Bệnh viện- (Trình bày các hình ảnh sáng kiến, cải tiến những việc làm hay, những việc làm xấu…). Đồng chí Bí thư Đảng uỷ Bệnh viện Nguyễn Văn Dĩnh báo cáo tóm tắt tình hình tại Bệnh viện. Nghe xong báo cáo Bác đã hỏi: 

- Bệnh nhân đến Bệnh viện này có những thuận lợi, khó khăn gì?

- Tinh thần thái độ phục vụ bệnh nhân của cán bộ nhân viên tốt, xấu ra sao?

Sau khi nghe báo cáo chi tiết của lãnh đạo Bệnh viện, Bác cùng các đồng chí trong đoàn tới thăm nhà nấu ăn của khoa dinh dưỡng và khoa trẻ em. Tại đây Bác  thân mật thăm hỏi sức khoẻ mọi người và căn dặn:

- Nấu ăn phải cơm dẻo, canh ngọt. Thuốc tốt đắt tiền nhưng ăn uống không tốt thì chữa bệnh cũng không tốt. Các cô, các chú phải thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Phải thương yêu nhau, đoàn kết, giúp nhau cùng tiến bộ.

Tiếp đó Bác hỏi đồng chí Bí thư  Đảng uỷ Bệnh viện :

- Thế bây giờ các chú cho Bác đi thăm khoa chữa bệnh nào?

- Mời Bác đến thăm khoa Nhi ạ! . Đồng chí Bí thư  Đảng uỷ đáp.

Bác hỏi lại : Khoa Nhi là khoa gì ? . Đồng chí Dĩnh trả lời : 

(*) Cùng đi với Bác Hồ đến thăm Bệnh viện tỉnh có các đồng chí: Lê Đức Thọ, Lê Văn Lương, Lê Quốc Thân.

- Thưa Bác, khoa Nhi là khoa chữa bệnh cho các cháu dưới 14 tuổi ạ.

Bác cười, bảo: “À, đó là khoa trẻ em”.

Tại đây, sau khi thăm hỏi các bệnh nhân, bố mẹ các cháu và các nhân viên y

tế, Bác ân cần góp ý  với  cán bộ chuyên môn và công nhân viên Bệnh viện:

- Phải thực hiện “Lương y như từ mẫu”. Phải thương yêu các cháu như cha mẹ các cháu. Các cháu là tương lai của dân tộc, là mầm non của Đất nước. “Lương y” mà không “Từ mẫu” là không đủ. Các cô, các chú đã cố gắng, cần cố gắng hơn nữa.

Những lời dạy bảo của Bác Hồ tại Bệnh viện tỉnh thật sự sâu sắc, thân tình. Đó chính là lời huấn thị của Bác về quan điểm phục vụ của ngành y tế (*). Tuân theo lời Bác, Đảng uỷ Bệnh viện đã mở Hội nghị công nhân viên chức thảo luận, xây dựng kế hoạch, biện pháp thực hiện hàng loạt nội dung công tác mới:

+ Mỗi người đeo phù hiệu trước ngực áo, ghi rõ: tên Bệnh viện, họ tên, chức danh và dưới có dòng chữ “Thương yêu bệnh nhân như người ruột thịt”.

+ In nhiều sổ góp ý, lập nhiều hòm thư để lấy ý kiến đóng góp, nhận xét, phê bình của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

+ Xây dựng nội dung chi tiết và thực hiện nghiêm túc các quy tắc, chế độ chuyên môn, các tiêu chuẩn hồ sơ, bệnh án để nâng cao chất lượng hoạt động. Đồng thời mở rộng và đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học, sinh hoạt văn hoá, thể thaovà làm thêm nhiều vườn hoa cây cảnh, thực hiện tốt khẩu hiệu “ Sạch như bệnh viện, đẹp nhue công viên “. Nhờ vậy mà khí thế thi đua trong Bệnh viện thực sự sôi nổi, hiệu quả chất lượng điều trị được tăng cường. Bệnh viện đồng thời còn giúp Ty đảm nhiệm chức năng cử cán bộ xuống điều trị ở các bệnh viện, bệnh xá huyện. Bệnh viện đã có thêm các chuyên khoa mới như: Hồi sức cấp cứu, vật lý trị liệu, chấn thương, đông y…, xứng đáng là trung tâm điều trị đầu ngành của tỉnh, ngày càng được nhân dân tín nhiệm.

Với quyết tâm và cố gắng lớn của mọi người, chỉ sau một năm, ngày Bác Hồ vế thăm, Bệnh viện đã có nhiều chuyển biến mới, được Bộ Y tế công nhận là đơn vị dẫn đầu hệ chữa bệnh toàn miền Bắc, được Nhà nước tặng Huân chương Lao động.

Cũng trong thời gian này, mạng lưới y tế toàn tỉnh được mở rộng, các trạm chuyên khoa được thành lập: Trạm Vệ sinh phòng dịch, Trạm Sốt rét- Ký sinh trùng, Trạm Mắt, Trạm phòng chống Lao (có 50 giường bệnh), Trạm Sinh đẻ có kế hoạch, Trạm Da liễu. Các hoạt động Giám định y khoa, giám định pháp y được củng cố và mở rộng. Thành phố và các huyện đã tích cực thực hiện xây dựng các trạm y tế dân lập. Đến cuối năm 1964, toàn tỉnh đã có 258 trạm y tế dân lập ở 255 xã (một số xã có 2 trạm) nhờ huy động sự đóng góp công sức, tiền bạc của nhân dân. Tiêu biểu như phong trào xây dựng trạm xá ở các xã: Yên Thắng, Yên Tiến, Yên Trung (Ý Yên), Thanh Côi (Vụ Bản), Khu phố 6 (Thành phố Nam Định) đã chi tới hai, ba chục ngàn đồng. Ty cũng chỉ đạo Quốc doanh Dược phẩm Công tư hợp doanh Dược phẩm Ích Hoa Sinh mở rộng sản xuất thuốc, phát triển mạng lưới bán thuốc từ huyện đến xã theo đúng chủ trương của Bộ Y tế. Do đó, về cơ bản, ngành y tế Nam Định đã xây dựng được hệ thống Y- Dược khá hoàn chỉnh, phục vụ tốt công tác

 (*) Đảng bộ Bệnh viện đã Quyết định lấy ngày 21- 05 hàng năm là ngày truyền thống của Bệnh viện.  

phòng bệnh, chữa bệnh.

Kết quả thực hiện 5 phương châm của Bộ Y tế bao gồm:

* Công tác vệ sinh, phòng bệnh, phòng dịch.

Thi đua thực hiện lời dạy của Bác Hồ, chủ trương của Bộ Y tế, Ty y tế tỉnh đã lấy “phòng bệnh là chính” làm phương châm chỉ đạo của ngành, đẩy mạnh phong trào vệ sinh phòng bệnh, tập trung giải quyết các vấn đề về phân, nước, rác- với khẩu hiệu “Ba sạch, bốn diệt”(*), tăng cường các mặt vệ sinh cảnh quan, vệ sinh lao động, vệ sinh thực phẩm, vệ sinh học đường…, nhằm không ngừng giảm các nguồn lây nhiễm bệnh tật, nâng cao sức khoẻ của nhân dân. Tỉnh tập trung vận động thực hiện các chuyên đề:

- Vận động xây dựng 3 công trình: Hố xí, giếng nước, nhà tắm là một việc lớn trong đường lối xây dựng y tế nông thôn của Đảng. Nhờ sự chỉ đạo triển khai tập trung nên đến tháng 9- 1964 các huyện đã hoàn thành kế hoạch, huyện Xuân Trường, Ý Yên vượt chỉ tiêu xây dựng hố xí, giếng nước. Xã Xuân Thượng (Xuân Trường) là điển hình làm hố xí hai ngăn. Ngoài ra, tỉnh cũng vận động nhân dân làm chuồng chăn nuôi gia súc xa nhà ở hoặc ngăn cách với bếp. Một số địa phương, phần lớn số hộ gia đình, việc xây dựng hố xí, giếng nước đã thành yêu cầu cấp thiết, nên việc vận động có dễ dàng hơn.

Đối với việc vệ sinh công nghiệp, thực phẩm, học đường…; ngành đều có các cam kết với các xí nghiệp, nhà máy, cửa hàng, nhà trường xây dựng nội quy vệ sinh phòng bệnh và định kỳ hàng năm có kiểm tra, đánh giá các cơ sở. Việc làm thường xuyên này đã tạo được ý thức giữ vệ sinh trong học sinh, công nhân và nhân viên các cửa hàng.

Ngành tham mưu cho các cấp chính quyền, đoàn thể thường xuyên phát động phong trào “Ba sạch, bốn diệt”, công tác vệ sinh hoàn cảnh, làm tổng vệ sinh thôn, xóm, đường phố và cuối mỗi tuần (nhiều nơi giao cho đội lao động hoặc đoàn thanh niên đảm nhận). Đồng thời kết hợp với sửa đường giao thông, “làm sạch làng quang phố”, đã làm cho bộ mặt nông thôn, thành phố thay đổi rõ rệt, tạo cảnh quan sạch đẹp hơn. Công việc diệt ruồi muỗi, gián, chuột thực hiện tốt. Nhiều người có sáng kiến làm bẫy diệt côn trùng gây hại đạt hiệu quả tốt.

Phong trào làm vệ sinh thường lồng với hoạt động sản xuất, như việc ủ phân để thâm canh tăng năng suất cây trồng; bảo vệ sức khoẻ và phòng chống chiến tranh vi trùng, hoá học hoặc lồng ghép với các công tác khác như cải tiến quản lý hợp tác xã, bảo vệ trị an, thuỷ lợi… nên đã tạo được các phong trào trong xã hội.

Y tế địa phương đặc biệt chú trọng thực hiện tiêm chủng sinh hoá phòng các bệnh thương hàn, uốn ván, bạch hầu, BCG, chủng đậu… theo đúng yêu cầu của Bộ Y tế đạt hoặc vượt chỉ tiêu kế hoạch, như  uốn vaccin phòng bại liệt, phòng chống bệnh tả (vượt 150%). Trong công tác vệ sinh phòng dịch, tỉnh luôn chú trọng xây dựng các điển hình tiên tiến; qua đó củng cố tổ chức, đẩy mạnh phong trào, nên đã tạo được chuyển biến tốt và có bước tiến mạnh mẽ, vững chắc.

* Công tác phòng chống các bệnh xã hội:

- Phòng chống sốt rét: được coi là một trong những nhiệm vụ trọng yếu,

(*) Ăn sạch, ở sạch, uống sạch. Diệt ruồi, muỗi, gián, chuột

thường xuyên. Tỉnh thành lập Ban tiêu diệt sốt rét ngay từ những năm đầu giải phóng. Dưới các huyện có đội tuyên truyền phòng chống sốt rét, thường xuyên củng cố, phát triển chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ chuyên môn. Công tác phòng chống sốt rét những năm cuối kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1960- 1965) càng được đẩy mạnh hơn, tăng thêm chất lượng. Năm 1964, sau khi điều tra ổ dịch đã tiến hành phun thuốc DDT ở một số xã, cơ quan, đường phố, xí nghiệp. Và để phát hiện bệnh đã lấy lam máu xét nghiệm, điều trị cho người có ký sinh trùng sốt rét. Công tác phòng chống sốt rét còn kết hợp vận động nhân dân thực hiện vệ sinh môi trường, nằm màn, diệt muỗi và bọ gậy.

- Phòng chống lao: Từ năm 1960, Viện Điều dưỡng Lao Quân khu giải thể, tỉnh Nam Định tiếp quản cơ sở viện và thành lập Trạm chống lao quản lý một khu điều trị lao nội trú 50 giường bệnh. Hàng năm Trạm đã tổ chức tiêm BCG phòng chống lao cho trẻ sơ sinh thường vượt kế hoạch, khám phát hiện bệnh nhân lao mới và điều trị nội trú từ 300- 500 người; điều trị ngoại trú cho hàng ngàn người. Qua đó, đưa tỉ lệ người được chữa khỏi bệnh lao đạt trên 90%, giảm tỉ lệ tử vong từ 10% xuống 8%. 

- Phòng chống mắt hột: Mắt hột là một bệnh xã hội khá nặng nề. Ngành đã tổ chức các đội phòng chống mắt hột, mỗi đội có từ 5-7 cán bộ. Mỗi đợt đi xuống cơ sở từ 2-3 tháng làm nhiệm vụ khám và điều trị mắt hột, mổ quặm, chữa viêm kết mạc, toét mắt cho hàng chục vạn người ở các xã, cơ quan, trường học. Công tác phòng chống đau mắt hột đã kết hợp với cơ sở điều trị cung cấp đủ thuốc; kết hợp việc chữa bệnh với phòng bệnh, giữ vệ sinh, nhỏ thuốc liên tục để chống tái phát. Tỷ lệ mắt hột đã giảm từ 80%( năm 1960) xuống còn 65% (năm1964) mắt hột hoạt tính (T1;T2;T3 ). Tuy nhiên, kỹ thuật mổ quặm còn yếu nên còn để lại tình trạng viêm bờ mi, thịt thừa và kết quả chưa cao.

- Phòng chống bệnh phong và hoa liễu.

Kế tục nhiệm vụ từ thời kháng chiến chống Pháp, việc phát hiện, đăng ký và điều trị bệnh phong được duy trì. Toàn tỉnh quản lý 875 bệnh nhân ở hơn 100 xã. Bệnh nhân được gửi lên Bệnh viện phong ở Ba Sao ( Hà Nam) hoặc Vũ Tiên (Thái Bình ), thường xuyên hàng năm chữa cho trên 100 bệnh nhân nội trú; số còn lại ở ngoại trú được cấp thuốc chữa tại nhà. Nhiều người được chữa khỏi trở về với cộng đồng.

Bệnh lậu và giang mai còn phát hiện trong một số ít người, chủ yếu tập trung ở thành phố Nam Định. Đầu năm 1964 phát hiện 11 người bị giang mai, 28 người bị lậu và đã kịp thời cứu chữa. Đồng thời ngành Y tế kết hợp với ngành công an quản lý, điều trị những người mắc các bệnh xã hội, ngăn chặn tệ nạn mại dâm còn rơi rớt từ chế độ cũ để lại.

* Công tác khám chữa bệnh

Hưởng ứng phong trào thi đua với bệnh xá Vân Đình (Hà Đông), các bệnh viện, bệnh xá trong tỉnh một mặt phấn đấu thực hiện 5 phương châm của Bộ Y tế, ra sức xây dựng đơn vị khang trang kiên cố, có ngoại cảnh đẹp, một mặt coi trọng chấn chỉnh các chế độ chức trách, quy tắc chuyên môn đảm bảo nâng cao chất  lượng điều trị. Các chế độ chủ yếu: Cấp cứu, hội chẩn, vệ sinh vô trùng, hồ sơ bệnh án, kê đơn, chế độ chống nhầm lẫn thuốc men ( ba kiểm tra, ba đối chiếu )… đã được thực hiện tốt. Công tác tổ chức cán bộ và mạng lưới toàn ngành được tăng cường.

Từ năm 1960- 1964, ngành y tế tỉnh có 3 bệnh viện, 8 bệnh xá, 6 nhà hộ sinh, 1 viện điều dưỡng với tổng số khoảng 1.000 giường bệnh; có 10 phòng y tế (mỗi phòng có từ 1- 3 y sỹ); 255 trạm y tế xã, 325 ban phòng bệnh cơ sở. Đội ngũ cán bộ, với 78 bác sỹ, 500 y sỹ, 2000 y tá, 1.720 nữ hộ sinh xã, 25 dược sỹ; đạt bình quân 1 vạn dân có 7,3 giường bệnh và 0,5 bác sỹ. Thiết bị, dụng cụ chuyên ngành cũng được tăng cường nên càng tạo điều kiện cho công tác khám, chữa bệnh tốt hơn. Số bệnh nhân điều trị nội trú hàng năm từ 2- 3 vạn người, số lượt khám và cấp thuốc thường từ 12- 15 vạn người, các trung, đại phẫu thuật thường thực hiện gấp đôi kế hoạch.

- Theo phương hướng chỉ đạo của Bộ và Ty y tế, các cơ sở chữa bệnh đã kết hợp phòng bệnh với chữa bệnh, lấy chữa bệnh để đẩy mạnh phòng bệnh; đồng thời tăng cường hoạt động ngoài bệnh viện, bệnh xá, tuyến sau hỗ trợ tuyến trước để phục vụ bệnh nhân. Nhờ đó giải tỏa được nhiều bệnh nhân đọng ở tuyến huyện và số ngày sử dụng giường bệnh từ 30 ngày, giảm còn 28 ngày. Tỷ lệ tử vong trước 24h hạ từ 2,61% xuống 2,22%. Thái độ, tinh thần phục vụ bệnh nhân nhìn chung được nâng lên. Những đơn khiếu nại, những lời chê trách đối với ngành cũng giảm.

Các bệnh viện, bệnh xá đã biết dựa vào dân để củng cố, cải tạo cơ sở vật chất, tạo cảnh quan đẹp và giữ gìn trật tự vệ sinh. Bệnh viện Nghĩa Hưng, Xuân Trường, tuy nhà tranh vách đất, nhưng đã thành đơn vị kiểu mẫu về cảnh quan, vệ sinh trật tự.

- Công tác y tế ở các cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường được ngành phối hợp tổ chức thực hiện thường xuyên chặt chẽ. Ngoài phục vụ 2 nông trường (Rạng Đông và Bạch Long), các xí nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn (nhà máy Tơ, nhà máy Xay, nhà máy Liên hợp Dệt, nhà máy Hoa quả…), các cơ quan thuộc tỉnh và một số cơ quan trường học; ngành còn tổ chức mạng lưới tới các công trường thuỷ lợi, xí nghiệp chuyên ngành khác để đảm bảo công tác vệ sinh, phòng dịch, an toàn lao động. Toàn tỉnh đã có hơn 200 cán bộ (bác sỹ, y sĩ) làm công tác phòng bệnh, chữa bệnh ở các nhà máy, xí nghiệp, công trường… Do đó việc chống nóng, chống rét, chống bụi, chống độc hại hoá chất đều được chú trọng. Vệ sinh an toàn lao động tại khu vực này được đảm bảo. Công nhân lao động được chăm sóc sức khoẻ, nên tỷ lệ ngày ốm bình quân giảm nhiều.

+ Sự kết hợp Đông, Tây y: là một trong những phương châm nguyên tắc lớn của ngành. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, hoạt động Đông y trong tỉnh được triển khai sớm và mỗi năm một tiến bộ cả về nhận thức tư tưởng, tổ chức đến đào tạo cán bộ, sản xuất thuốc, điều trị và nghiên cứu khoa học.

Về tổ chức, Tỉnh Hội Đông y (*) được củng cố thêm một bước. Các bệnh viện lớn đều có khoa Đông y. Một số lương y có khả năng đã được tuyển dụng vào bệnh viện, bệnh xá làm nhiệm vụ điều trị. Nhiều bác sỹ, y sỹ được học thêm về châm cứu

 

(*) Hội Đông y Việt Nam thành lập ngày 10- 12- 1957. Sau đó, tại Nam Định có Ban vận động thành lập Tỉnh Hội. Đến 10- 1958 tại 10 huyện, TP thành lập Chi Hội. Ngày 15- 03- 1961 Đại hội đại biểu Đông y toàn tỉnh lần thứ nhất,  

 Tỉnh Hội Đông y mở lớp hàm thụ 3 năm bồi dưỡng về lý luận cơ bản cho 361 lương y; Trong 10 năm, Hội đã thu thập tới 4.000 bài thuốc tâm phụ và trẻ em…Nhiều bài thuốc được in thành sách, tập san hoặc tài liệu phổ biến rộng rãi. Tỉnh vận động phong trào trồng cây thuốc quý, được 20- 30 loại cây thuốc mẫu có giá trị kinh tế và chữa bệnh cao. Tuy nhiên, trong lĩnh vực Đông y vẫn còn biểu hiện tư tưởng tự ty, bí quyết, gia truyền, nặng kinh doanh, nhẹ phục vụ, coi trọng thuốc bắc, coi nhẹ thuốc nam…

    + Công tác bảo vệ bà mẹ trẻ em và sinh đẻ có kế hoạch: Là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành , nhất là vấn đề sinh đẻ có hướng dẫn. Tại tỉnh đã thành lập Trạm Bảo vệ bà mẹ và trẻ em- Sinh đẻ kế hoạch. Thành phố Nam Định, các huyện Nam Trực, Ý Yên, Xuân Trường, Vụ Bản có phong trào khá. Nhưng việc hướng dẫn vệ sinh khoa học trong nuôi dạy trẻ, giữ trẻ chưa có điển hình tốt. Việc chăm lo cho trẻ ăn chưa đảm bảo định lượng, nên tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng còn cao.

+ Về sản xuất và phân phối thuốc.

    Phương châm thứ tư của ngành là cung cấp đủ dược liệu, thuốc tốt, công hiệu và giá rẻ tới nhân dân. Tỉnh đã tập trung xây dựng Quốc doanh dược phẩm và mạng lưới phân phối thuốc đến các huyện, xã. Tại thành phố, các huyện đều có các cửa hàng dược phẩm của xí nghiệp Quốc doanh và Công tư hợp doanh. Trong điều kiện thiếu dược liệu, máy móc, thiết bị, nhưng Công tư hợp doanh Ích Hoa Sinh vẫn sản xuất được 20- 30 mặt hàng thuốc cung cấp cho địa phương và một số tỉnh bạn. Trong quá trình sản xuất, đơn vị đã có những cải tiến và thống nhất công thức, kỹ thuật bào chế, nên năng suất, chất lượng thuốc đều tăng như thuốc Giun quả núi, thuốc ho Bổ phế chỉ khái lộ... Hàng năm tỉnh đảm bảo vượt kế hoạch về thuốc cả mua vào và bán ra.

+ Về công tác dược chính, các cửa hàng huyện, các bệnh viện, bệnh xá đã thực hiện tốt quy chế bảo quản thuốc. Quy chế thuốc độc được quản lý chặt chẽ. Bệnh viện các huyện Xuân Trường, Ý Yên pha chế huyết thanh đạt chất luợng tốt cung cấp cho Trạm y tế xã sử dụng có hướng dẫn cẩn thận. Do công tác y và dược luôn kết hợp chặt chẽ nên đã nâng cao được chất lượng sử dụng thuốc, không để tai biến khi sử dụng thuốc cũng như không để thuốc tồn kho quá hạn.

+ Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có bước tiến bộ. Trường y sỹ Nam Định  thành lập năm 1960 ( thuộc Bộ Y tế ) đã góp phần vừa đào tạo nghiệp vụ, vừa tổ chức học tập văn hoá hết trình độ trung học cho học sinh. Năm 1963, khoá y sỹ đầu tiên có 130 người tốt nghiệp (đạt 95,5%). Trong bối cảnh miền Bắc mới giải phóng, thiếu nhiều cán bộ nghiệp vụ, trường y sỹ đã góp phần đào tạo được số cán bộ khá lớn cho ngành, nên được Hội đồng Chính phủ tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Trường y tế sơ cấp của tỉnh ( đặt cạnh Bệnh viện Lạc Quần ) đào tạo y tá và nữ hộ sinh sơ cấp và lớp ở Ý Yên đều đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch và chất lượng (đỗ tốt nghiệp 100%). Ngoài ra tỉnh còn mở các lớp quản lý ngành cho 91 y sỹ xã và lớp tuyên truyền, hướng dẫn viên bảo vệ bà mẹ và trẻ em.

+ Công tác nghiên cứu khoa học: Hội Y-Dược học tỉnh phối hợp cùng ngành y tế tích cực hoạt động nghiên cứu khoa học, với những đề tài chuyên môn được đánh giá cao như : Các bệnh tim mạch, tiêu hoá, thần kinh, da liễu, lây… có một số đề tài được áp dụng rộng rãi phục vụ cho nhiều mặt công tác trọng tâm của ngành; nhất là vệ sinh phòng dịch, sinh đẻ có hướng dẫn (đặt vòng, thắt ống dẫn tinh), đông y, bệnh trẻ em và ứng dụng chữa các bệnh thông thường. Năm 1963, tập hợp được 67 đề tài, năm 1964 có 80 đề tài. Một số đề tài có giá trị thực tiễn như áp dụng châm cứu chữa thần kinh tọa, chữa tắc ruột do giun đũa, thông lệ, xuất huyết dạ dày v.v đã đóng góp kinh nghiệm và cơ sở lý luận của nền y học Việt Nam. Cũng qua đó, thiết thực động viên đội ngũ cán bộ của ngành nâng cao trình độ nghiệp vụ và góp phần tích cực giải quyết những khó khăn về phòng bệnh, chữa bệnh ở địa phương.

+ Công tác khám tuyển nghĩa vụ quân sự và chi viện cho miền Nam: Từ năm 1959- 1964, ngành y tế thường xuyên tham gia phối hợp với ban Chỉ huy quân sự tỉnh, huyện tổ chức những đợt khám, tuyển nghĩa vụ quân sự đối với thanh niên các xã, khu phố, cơ quan, xí nghiệp, nông trường. Số thanh niên khám tuyển ở tỉnh mỗi năm thường trên dưới 5 vạn người, tỷ lệ đạt yêu cầu khám tuyển cao, đảm bảo được thời gian và yêu cầu phục vụ quốc phòng, chi viện cho các chiến trường. Đồng thời ngành cũng cử cán bộ y sỹ, bác sỹ tham gia phục vụ chiến đấu. Đến cuối năm 1964 đã có 12 bác sỹ, 21 y sỹ, 15 y tá lên đường đi tham gia các chiến trường B,C,K.

+ Công tác lãnh đạo, giáo dục tư tưởng và động viên thi đua: Đây là yếu tố quyết định mọi sự thành công trong các lĩnh vực công tác của ngành. Công tác lãnh đạo, kiên trì giáo dục tư tưởng và sự động viên thi đua luôn được Đảng uỷ, lãnh đạo ngành chú trọng tổ chức thực hiện. Trong suốt 10 năm (1954- 1964) cán bộ, đảng viên trong toàn ngành đã từng bước được nâng cao nhận thức về đường lối cách mạng XHCN ở miền Bắc, đường lối đấu tranh cách mạng ở miền Nam và vấn đề đoàn kết quốc tế. Qua đó nhận thức rõ đặc điểm tình hình đất nước, tình hình nhiệm vụ của ngành. Đồng thời Đảng bộ Ty cũng chỉ rõ và kiên quyết chống ảnh hưởng tư tưởng của chủ nghĩa xét lại; chống tư tưởng hữu khuynh, tệ quan liêu, mệnh lệnh, xa rời thực tế. Chính nhờ vậy đã tạo được khí thế thi đua cách mạng sôi nổi trong lao động, sản xuất và công tác của toàn ngành. Hầu hết cán bộ, đảng viên phấn khởi tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ, hăng hái, gương mẫu trong công việc và nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ bệnh nhân. Tuy nhiên, ở một số đơn vị vẫn còn biểu hiện thiếu đoàn kết nội bộ; còn một số cán bộ suy bì đãi ngộ, ngại khó khăn gian khổ, kém ý thức tổ chức kỷ luật, còn lẫn lộn giữa lạc hậu và tiến bộ, giữa tích cực với tiêu cực, bảo thủ; còn những hiện tượng tham ô, hủ hoá… Chính vì thế, những năm sau này Đảng bộ Ty thường xuyên quan tâm lãnh đạo, tăng cường đấu tranh nội bộ, cải tạo tư tưởng, thực hiện cuộc cách mạng văn hoá- tư tưởng của Đảng.

Để thúc đẩy bước tiến toàn diện của ngành, lãnh đạo Ty đã liên tục phát động các phong trào thi đua theo các nội dung, chủ đề thiết thực, như: thi đua hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1960 -1965), thi đua vì miền Nam ruột thịt, vì tỉnh kết nghĩa Nam Định- Mỹ Tho. Đặc biệt là phong trào thi đua với bệnh xá Vân Đình, kết hợp với phong trào “3 cải tiến” trong ngành. Các bệnh viện, bệnh xá, trạm chuyên khoa của ngành y tế đều thi đua trở thành đơn vị tiên tiến, thành “Tổ lao động XHCN”. Các cơ sở điều trị có phong trào thi đua nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, vượt chỉ tiêu điều trị, hạ tỷ lệ tử vong và thực hiện tốt các chế độ chủ yếu trong 25 chế độ điều trị của Bộ Y tế. Bệnh viện tỉnh đã mở cuộc thi đua  làm hồ sơ bệnh án, làm vườn hoa cây cảnh, tiến hành kiểm tra chéo trong các khoa, phòng, tổ chức triển lãm nêu các việc xấu, việc tốt hoặc sáng kiến, kinh nghiệm… (3 tháng 1 lần). Khẩu hiệu “cứu bệnh nhân đến cùng, còn nước còn tát” do bệnh viện tỉnh đề xướng đã trở thành ấn tượng sâu đậm trong suy nghĩ của đông đảo cán bộ y tế trong tỉnh suốt những năm sau này. Các bệnh xá: Ý Yên, Nghĩa Hưng, Giao Thuỷ và Đồng Muối (Văn Lý) cũng có nhiều tiến bộ.

Phong trào thi đua đã đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật… Năm 1963, bệnh viện tỉnh có 25 đề tài khoa học (14 tây y, 11 đông y), 225 sáng kiến lớn nhỏ (trong đó 14 sáng kiến có giá trị). Thông qua sự kết hợp chỉ đạo giữa Đảng ủy Ty với chính quyền và các đoàn thể: Hội Y Dược học, Hội Đông y, Công đoàn, Hội chữ thập đỏ; cuộc vận động đẩy mạnh khoa học kỹ thuật chuyên môn càng trở nên sôi nổi, sâu rộng. Nổi bật là phong trào kết hợp Đông- Tây y trong phòng bệnh, chữa bệnh, nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ. Các chi hội Đông y, các tập đoàn sản xuất, buôn bán đông dược đều hăng hái tham gia phong trào vệ sinh phòng bệnh ở xã, thôn, các đợt chống dịch, vận động làm “3 công trình” vệ sinh. Trường y sỹ Nam Định mở cuộc vận động xây dựng phong cách học tập mới, tổ chức thao diễn giảng dạy (hội giảng). Đặc biệt là sự hoạt động tích cực của các trạm y tế, hộ sinh xã và cán bộ y tế thôn- xóm. Nhiều đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc được các cấp khen thưởng.

Có thể nói, chỉ 10 năm sau khi miền Bắc được giải phóng, sự nghiệp y tế tỉnh Nam Định đã vượt qua nhiều khó khăn, thiếu thốn, tạo được sức mạnh và phát triến khá nhanh, toàn diện. Một trong những nguyên nhân cơ bản là do biết dựa vào dân. Nhân dân không những ủng hộ về tinh thần, mà còn đem công sức, tiền bạc góp phần xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật cho ngành như: Xây dựng trạm y tế, quỹ y tế dân lập, tủ thuốc và đài thọ công điểm hợp tác xã cho cán bộ y tế cơ sở. Nhân dân đóng góp xây dựng các bệnh xá huyện và ngay bệnh viện tỉnh cũng được các hợp tác xã tiểu thủ công giúp đỡ tích cực: Từ dụng cụ đến trang trí nội thất, sân vườn, ngoại cảnh… cùng với sự giúp đỡ quan trọng của Chính phủ, của cán bộ y tế và sự chi viện to lớn của các nước XHCN về thiết bị, máy móc, thuốc men… nên sự nghiệp y tế Nam Định đã sớm trưởng thành, có bước tiến vững chắc. Đồng thời những kết quả đó cũng khẳng định có sự kết hợp chặt chẽ giữa Đảng, chính quyền, các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về y tế. Những nguồn lực về tinh thần và vật chất mà Ngành Y tế Nam định đạt được trong 10 năm qua sẽ là cơ sở vững chắc, là sức mạnh để ngành bước vào thời kỳ cùng cả nước kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

  © Bản quyền thuộc về Sở Y tế Tỉnh Nam Định.
  Địa chỉ: Số 14 Trần Thánh Tông - Thành phố Nam Định - Tỉnh Nam Đinh.
  Điện thoại: (0228) 3631 486 - Fax: (0228) 3631 261 - Email: soyte@namdinh.chinhphu.vn.
  Giấy phép số 02/GP-STTTT ngày 29-07-2019 của Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Nam Định.
  
Chung nhan Tin Nhiem Mang