image banner
anh tin bai

 anh tin bai

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

anh tin bai

anh tin bai

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement
anh tin bai
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
CHƯƠNG I: NGÀNH Y TẾ NAM ĐỊNH TRƯỞNG THÀNH TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (1945- 1954)
Lượt xem: 2584

Từ đầu tháng 08- 1945, cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền diễn ra sôi nổi khắp cả nước và liên tiếp giành thắng lợi. Ngày 21- 08- 1945, Uỷ ban nhân dân Cách mạng lâm thời Tỉnh ra mắt nhân dân tại thành phố Nam Định, tiến tới sự ra đời một Nhà nước dân chủ đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á bằng sự kiện lịch sử ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, một chính quyền thực sự về tay nhân dân, bọn thực dân Pháp, phát xít Nhật và bè lũ tay sai hoàn toàn sụp đổ.

Dưới sự lãnh đạo của Uỷ ban cách mạng lâm thời tỉnh Nam Định cũng trong hoàn cảnh khó khăn chung của đất nước: chính quyền còn non trẻ, tiềm lực kinh tế và quốc phòng quá nhỏ bé, nhưng Đảng bộ tỉnh biết dựa vào khí thế cách mạng, ý chí quyết tâm của nhân dân vốn giàu lòng yêu nước, triệt để tin tưởng vào cách mạng để xây dựng chính quyền về mọi mặt. Ngành y tế ngay sau khi giành chính quyền đã tiến hành tiếp thu cơ sở y tế của Pháp để lại và thực sự làm chủ từ nhà thương tỉnh đến các trạm y tế nông thôn ở các huyện. Tổ chức nhà thương Nam Định vẫn giữ nguyên, gồm “đốc Bích” cùng các đồng sự là các y sỹ Đông Dương: Long, Khải, Văn và bác sỹ Nguyễn Trinh Cơ, dược sỹ Trần Lâm Bảo, các y tá, hộ sinh. Ở các huyện, tuy phương tiện kỹ thuật chưa có gì hơn trước, còn nhiều khó khăn, nhưng hoạt động khám chữa bệnh phục vụ nhân dân được tổ chức với nhiệt tình trách nhiệm của thầy thuốc được nâng lên. Đặc biệt là phong trào vệ sinh phòng dịch, mạng lưới cứu thương ở các cơ sở đã dần ổn định, phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu.

Với dã tâm trở lại xâm lược Việt Nam một lần nữa, bọn đế quốc, thực dân lợi dụng danh nghĩa quân “đồng minh” vào giải giáp quân Nhật. Ở miền Nam quân Pháp núp sau quân Anh, ở miền Bắc 20 vạn quân Tưởng - tay sai của đế quốc Mỹ kéo vào cùng với sự hoạt động ráo riết của thế lực phản động trong nước mưu toan lật đổ chính quyền cách mạng. Đứng trước những khó khăn thử thách vô cùng to lớn: lũ lụt, đói kém, bệnh tật và kinh tế kiệt quệ; Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi “Chống giặc đói, giặc dốt, chống giặc ngoại xâm”. Ngày 25- 11- 1945, Trung ương Đảng ra chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” chỉ rõ nhiệm vụ cần kíp là: phải củng cố chính quyền, chống thực dân Pháp xâm lược, bãi trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân.

Sự hoà hoãn chưa được bao lâu, bọn thực dân Pháp đã trở lại lấn chiếm nhiều vùng ở các nơi. Ngày 19- 12- 1946, toàn quốc kháng chiến. Tại Nam Định, quân Pháp từ Hà Nội theo cả đường bộ và đường thủy, dọc sông Hồng kéo xuống nổ súng đánh chiếm nhiều điểm và gây rối loạn ở khu vực thành phố. Thực hiện lời kêu gọi của cụ Hồ và đường lối kháng chiến của Đảng, tỉnh uỷ Nam Định đã chỉ đạo công tác chuẩn bị các mặt để thực hiện nhiệm vụ chiến đấu lâu dài. Ngành y tế tỉnh được phân tán làm hai bộ phận:

- Một nửa chuyển về huyện Nam Trực, gồm các y sỹ: Khải, Đỗ Văn cùng một số y tá, hộ sinh, hộ lý và một số cán bộ khác.

- Một nửa chuyển về Xuất Cốc, Ý Yên, gồm y sỹ Long, bác sỹ Cơ và một số y tá, hộ sinh.

Nhiệm vụ của các cơ sở y tế lúc này là khám chữa bệnh, cấp cứu, giải quyết tốt các chấn thương chiến tranh, đồng thời gấp rút tổ chức đào tạo cán bộ, xây dựng mạng lưới cứu thương, xây dựng tốt phong trào vệ sinh phòng dịch ở các địa phương, cơ sở. Để tăng cường lực lượng cán bộ y tế phục vụ kháng chiến, cuối năm 1945, ngành đã mở lớp đào tạo y tá cho trên 20 người (gọi là “lớp y tế nông thôn”), gồm những học sinh có trình độ lớp Nhất (tương đương lớp cuối tiểu học) do các huyện gửi lên. Lớp vừa học về y, học cả việc chữa bệnh cho gia súc (thú y). Anh chị em y tá khi về, phụ trách các phòng phát thuốc ở huyện, hoặc vào phục vụ ở các cơ sở quân y.

Thành phố Nam Định bị quân Pháp chiếm đóng; chúng lại cho phục hồi nhà thương cũ với 100 giường bệnh và 50 nhân viên, do đốc tờ Nguyễn Văn Xuân phụ trách, chủ yếu phục vụ cho lực lượng quân Pháp đồn trú tại địa phương (sau tháng 7 năm 1954, Nguyễn Văn Xuân theo địch chạy vào Nam)

Cuối tháng 10 năm 1949, thực hiện chiến thuật “vết dầu loang”, quân Pháp mở rộng đánh chiếm đồng bằng Bắc bộ, nhất là các tỉnh: Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình. Chúng dựa vào bọn phản động địa phương mở nhiều chiến dịch càn quét, khủng bố, dựng đồn bốt tề nguỵ ở 6 huyện phía nam Nam Định và 3 huyện phía nam Ninh Bình… gây nhiều khó khăn tổn thất cho lực lượng kháng chiến. Thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng 3 thứ quân, đẩy mạnh chiến tranh du kích và sản xuất tự túc, tự cấp, đấu tranh kinh tế với địch, cải thiện đời sống, chăm lo sức khoẻ nhân dân. Lực lượng kháng chiến địa phương, một mặt kiên quyết chống giặc, trừng trị bọn phản động, một mặt ra sức củng cố hậu phương, tăng cường sức mạnh chiến đấu. Thi hành Nghị quyết của Tỉnh uỷ và Uỷ ban kháng chiến Hành chính tỉnh, ngành y tế đã củng cố lại các phòng phát thuốc huyện, lập các ban Y tế xã, lập 8 trạm cứu thương, 30 nhà hộ sinh huyện. Bệnh viện Dân y chia thành 2 phân viện: 1 ở miền Bắc tỉnh (có 1 bác sỹ, 6 y tá, 6 hộ lý), một ở phía Nam tỉnh (có 10 y sỹ, 10 y tá, 10 hộ lý). Đặc biệt mạng lưới y tế cấp cứu phòng không được xây dựng xuống từng thôn, xóm. Các phòng y tế huyện tuy biên chế rất ít nhưng đã hoạt động rất tích cực, với phương châm là giải quyết khám chữa bệnh, cấp thuốc tại chỗ; các phân viện khi thì phân tán thành các đội y tế lưu động, khi có điều kiện thì co cụm thành các điểm chữa bệnh; khi thì tạm thời vượt khỏi vòng vây ra vùng tự do ít ngày… Tuy bị giặc Pháp phong toả, nhưng việc khám chữa bệnh phục vụ nhân dân đạt được nhiều kết quả. Các cơ sở y tế đã chữa bệnh cho 1.740 người với 14.658 ngày điều trị. Các nhà hộ sinh đã đỡ cho 2.384 sản phụ. Các huyện đã cấp thuốc cho 52.668 người, chủng đậu cho 205.580 người(*). Ngành cũng mở lớp đào tạo được 22  nữ hộ sinh, 19 cán bộ vệ sinh phòng dịch cho cơ sở. Ngoài ra còn tổ chức 176 cuộc

 

(*) Lịch sử Đảng bộ Nam Định năm 1926- 1954 

nói chuyện với nhân dân về giữ gìn vệ sinh phòng bệnh, sửa chữa 34 giếng nước    

Những cố gắng và kết quả đó là sự đóng góp tích cực của ngành y tế trong  các chiến dịch: Lê Lợi, chiến dịch Hà- Nam- Ninh, trong nhiều trận đánh hạn chế được thương vong của các chiến sỹ và nhân dân.

Cuộc hành quân Ăng- tơ- ra- xít (18- 10- 1949) chiếm đóng các huyện phía Nam tỉnh Nam Định và Ninh Bình của quân Pháp (đến đầu năm 1952) là một thời kỳ đầy tổn thất đau thương và sự hy sinh dũng cảm của quân, dân ta (được gọi là thời kỳ “Hai năm bốn tháng”). Tiếp theo đó, ngày 21- 05- 1950 quân địch lại mở cuộc hành quân Đa- vít đánh chiếm toàn tỉnh Hà Nam và khu vực tự do phía Bắc tỉnh Nam Định, gồm huyện Ý Yên và một phần huyện Vụ Bản.

Để bảo toàn lực lượng, các cơ quan đầu não của tỉnh phải rút vào vùng tự do. Ngành Y tế Nam Định rút vào Ninh Bình; sau đó vào Thạch Thành, Vĩnh Lộc (Thanh Hoá). Song vẫn còn một bộ phận ở lại địa phương chỉ đạo cán bộ trong ngành tích cực phục vụ các chiến dịch lớn như: chiến dịch Quang Trung (chiến dịch Hà Nam Ninh), chiến dịch Hoà Bình… Tuy nhiên, do địch càn quét, khủng bố dữ dội, nên có một số cán bộ dao động tư tưởng, cầu an bảo mạng đã quay lại làm việc cho cơ sở y tế của quân Pháp (như các y sỹ: Bích, Long, Khải và một số y tá, hộ lý khác). Chủ trương của tỉnh lúc này là đưa tất cả các bác sỹ, y sỹ Đông Dương, dược sỹ và một số y tá, hộ sinh ra vùng tự do hoặc đưa vào Thanh Hoá, khu 4 hay lên Việt Bắc phục vụ kháng chiến.

Phong trào chiến tranh du kích tiến tới đâu, người cán bộ y tế đến tới đó, vừa phục vụ chiến đấu, vừa phục vụ đời sống nhân dân. Đến năm 1952, một số địa phương ở Nam Định thoát khỏi ách kìm kẹp của địch thành vùng du kích. Tỉnh thành lập hai trạm cấp cứu ở Trực Ninh và Hải Hậu. Sau khoá đào tạo y sỹ của Liên Khu 3 (ở Thanh Hoá), từ năm 1952 đã có thêm một số y sỹ khoá I và khoá II,III như các ông: Trần Khắc Nghiêm, Vũ Văn Vĩnh, Lê Mộng Sứng  … bổ sung về y tế tỉnh Nam Định. Cũng trong thời gian này, bệnh xá Liên Khu uỷ 3 và bệnh viện Liên Khu 3 được thành lập tại Thanh Hoá và đến năm 1953, được hợp nhất thành bệnh viện Liên Khu 3 (có 60 giường); đảm nhận việc khám, chữa bệnh cho cán bộ Đảng viên của Khu và các tỉnh: Hà Đông, Hoà Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Kiến An. Giám đốc bệnh viện là bác sỹ Nguyễn Trọng Tuệ. Do yêu cầu nhiệm vụ phục vụ kháng chiến, ty y tế các tỉnh đồng bằng sông Hồng trực thuộc và chịu sự quản lý của Sở Y tế Liên Khu 3, do bác sỹ Nguyễn Như Trác làm giám đốc.

Trong những năm kháng chiến gian khổ, ác liệt, thực hiện định hướng chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh: “Chú trọng bồi dưỡng sức dân, chăm lo bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân, cán bộ y tế vừa hoạt động bí mật ở vùng tạm chiếm, vừa hoạt động công khai ở vùng mới giải phóng và vùng tự do. Ở tỉnh có ty y tế, do y tá Nguyễn Văn Kiểm (tức Vận) làm trưởng ty, cùng các cộng sự như các y tá Phú, Cảnh, Nghĩa, Nhượng, Hàn, Độ… đồng thời có một bệnh xá (gồm 30 giường bệnh), chủ yếu chăm sóc sức khoẻ cán bộ ở vùng địch hậu ra làm nhiệm vụ điều trị và điều dưỡng phục hồi sức khoẻ. Bệnh xá này có 1 y tá phụ trách, 1 hiệp lý viên (chính trị viên) chỉ đạo về chính trị, 1 đến 2 hộ lý và cấp dưỡng. Số cán bộ ở đây nhiều khi phải đi lưu động để cấp cứu chiến thương. Các cơ sở y tế ở vùng tự do và vùng mới giải phóng đã đi chủng đậu, tiêm phòng dịch và hướng dẫn nhân dân làm vệ sinh thôn xóm thường xuyên nên hạn chế được dịch bệnh xảy ra. Tổ chức Đảng, đoàn thể trong ngành tuy đã hình thành song số lượng đảng viên, hội viên ở các cơ sở còn ít, có khi chưa đủ lập chi bộ hoặc tổ chức đoàn thể và thường sinh hoạt trực thuộc bộ máy địa phương (huyện), hoặc liền cơ quan ở tỉnh.

Tháng 7- 1950, đê Hữu bị sạt lở, nước lũ sông Hồng tràn vào thành phố Nam Định; quân dân ta phải đấu tranh với chính quyền Nguỵ để cho dân đắp đê chống lụt. Nhưng địch lại ngăn cản, đe doạ. Rất nhiều cán bộ y tế của ta, bất chấp trở ngại đã đến nơi lũ lụt tổ chức làm vệ sinh và tiêm phòng tả cho nhân dân.

Cuối tháng 11- 1953, thực dân Pháp đưa về 4 binh đoàn cơ động, 4 tiểu đoàn “khinh quân” trên 300 xe cơ giới mở cuộc càn “Bi- đông” vào 4 huyện: Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Nam Trực, Trực Ninh làm cho tình hình càng thêm gian khổ, ác liệt.

Cuối năm 1953, đầu năm 1954, có dịch đậu mùa lớn xảy ra từ trong vùng địch tạm chiếm lan sang khu du kích và vùng tự do, đã làm tử vong gần 3.000 người ở Nam Định. Lực lượng cán bộ y tế ở các địa phương đã phải đấu tranh với địch để được vào tiêm chủng, cấp cứu cho nhân dân; kể cả vào các đồn bốt của chúng, như ở Hải Lạng (Nghĩa Hưng), Thức Khoá (Giao Thuỷ), Hành Thiện (Xuân Trường). Nhờ vậy mà hàng vạn người được cứu thoát khỏi dịch đậu mùa khủng khiếp này. Mặt khác cũng trong thời gian đó, địch đã 44 lần thả côn trùng phá hoại mùa màng nhằm triệt hại kinh tế ở các khu du kích trong tỉnh. Ngày 25- 03- 1954, tỉnh phát động chiến dịch trừ sâu, lực lượng cán bộ y tế, cán bộ nông nghiệp đã tổ chức tuyên truyền tố cáo âm mưu thâm độc của giặc và vận động phong trào toàn dân tham gia diệt sâu bảo vệ sản xuất. Trong đợt đầu, khoảng hơn 1 tháng, nhân dân các huyện đã diệt được 15 tạ sâu, cứu được 9.000 mẫu lúa (*)

 Chiến cuộc Đông- Xuân năm 1953- 1954, quân và dân ta chuyển từ thế phòng ngự sang thế tấn công và đã giành thắng lợi lớn trên khắp các chiến trường; buộc giặc Pháp phải co cụm lại ở những cứ điểm chính để cố bảo toàn lực lượng. Nhưng tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, quân Pháp bị thất bại nặng nề làm cho quân lính của chúng càng thêm hoang mang lo sợ phải hoảng hốt rút chạy khỏi nhiều đồn bốt ở khắp nơi. Trên địa bàn tỉnh, bộ đội chủ lực đã phối hợp với bộ đội địa phương tiêu diệt nhiều cứ điểm địch: Thức Khoá (Giao Thuỷ vào đêm 25- 05- 1954), Đông Biên (Hải Hậu, ngày 04- 06); vành đai cứ điểm phòng vệ vùng Duyên Hải bị đập tan buộc thực dân Pháp phải rút bỏ một loạt vị trí khác. Sáng ngày 01- 07- 1954, quân địch đã rút khỏi toàn bộ các vị trí còn lại: Hành Thiện, Bùi Chu, Lạc Quần (Xuân Trường), Cổ Lễ (Trực Ninh) và cuối cùng là thành phố Nam Định.

Đúng 17 giờ ngày 01- 07- 1954, Uỷ ban Quân quản , do đồng chí Lê Quốc Thân làm chủ tịch vào tiếp thu thành phố Nam Định. Trong Uỷ ban Quân quản có đại diện ngành y tế ( gồm Dược tá Nguyễn Văn Nhâm và bà Nguyễn Thị Hảo). Công tác tiếp quản kịp thời, chặt chẽ đã bảo hộ được thành phố và bảo vệ được tính mạng, tài sản nhân dân.

 Có thể nói, thời kỳ 1945- 1954, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngành y tế ra đời cùng với chính quyền cách mạng, tuy còn non trẻ và trong điều kiện có nhiều khó khăn, gian khổ, ác liệt; cán bộ nghiệp vụ ít và thiếu; nhưng với  nhiệt   huyết   cách mạng và nỗ lực cao của mỗi cá nhân, toàn ngành đã phối hợp tốt với các cơ quan, địa phương trong tỉnh, cùng quân và dân tổ chức phục vụ chiến đấu và chiến đấu giành nhiều thắng lợi lớn. Đồng thời, với nhiệm vụ bảo đảm vệ sinh phòng bệnh, khám chữa bệnh nhân dân, cấp cứu thương binh và phục vụ chiến đấu tốt, ngành đã góp phần tích cực làm nên chiến thắng ở các mặt trận mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07- 05- 1954), buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơ- ne- vơ về Đông Dương (ngày 21- 07- 1954); miền Bắc được hoàn toàn giải phóng.

  © Bản quyền thuộc về Sở Y tế Tỉnh Nam Định.
  Địa chỉ: Số 14 Trần Thánh Tông - Thành phố Nam Định - Tỉnh Nam Đinh.
  Điện thoại: (0228) 3631 486 - Fax: (0228) 3631 261 - Email: soyte@namdinh.chinhphu.vn.
  Giấy phép số 02/GP-STTTT ngày 29-07-2019 của Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Nam Định.
  
Chung nhan Tin Nhiem Mang