Sáng ngày 05/7/2022, HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 khai mạc trọng thể kỳ họp thứ bảy. Kỳ họp diễn ra trong 02 ngày 05 và 06/7/2022, HĐND tỉnh sẽ xem xét và quyết định nhiều nội dung quan trọng gồm: Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022. Thường trực HĐND tỉnh báo cáo kết quả công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thông báo về hoạt động của MTTQ tham gia xây dựng chính quyền 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thông báo kết quả kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV; Tổng hợp trả lời của các bộ, ngành Trung ương đối với các kiến nghị của cử tri tỉnh Nam Định từ kỳ họp thứ hai của Quốc hội (nếu có). UBND tỉnh báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ tư HĐND tỉnh. Thường trực HĐND tỉnh báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ tư HĐND tỉnh. HĐND tỉnh cũng xem xét, thảo luận về các đề án, dự thảo nghị quyết về các lĩnh vực liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn đối với UBND tỉnh và các ngành liên quan về những vấn đề đại biểu HĐND, cử tri và nhân dân quan tâm. Tiến hành miễn nhiệm và bầu bổ sung một số thành viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026.
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 06/7/2022, đã có 6 nhóm ý kiến tập trung vào các vấn đề: việc xây dựng các khu xử lý rác thải tập trung theo quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng tỉnh Nam Định đến năm 2030; việc chi trả tiền bồi dưỡng cho phó trưởng thôn, tổ phó tổ dân phố; một số việc thi hành án dân sự kéo dài nhiều năm; chất lượng khám chữa bệnh của các cơ sở y tế; việc chi trả phí khám chữa bệnh cho các cơ sở y tế… Đại diện các ngành: Y tế, Nội chính, Bảo hiểm xã hội, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường… đã trả lời chất vấn các ý kiến chất vấn của các đại biểu…
Đồng chí Trần Trung Kiên – Bí thư Đảng bộ, Giám đốc Sở Y tế đã thay mặt ngành Y tế trả lời chất vấn. Sau đây là toàn văn bài trả lời chất vấn của đồng chí Trần Trung Kiên tại Kỳ họp thứ bảy - Hội đồng Nhân dân tỉnh Nam Định, khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026:
Câu hỏi chính: Chất lượng khám chữa bệnh của hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là các trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, đặc biệt trong giai đoạn phòng chống dịch COVID-19 vừa qua càng bộc lộ rõ điều đó. Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Y tế cho biết thực trạng và giải pháp để nâng cao năng lực hoạt động, chất lượng khám chữa bệnh của y tế cơ sở ?
Đồng chí Trần Trung Kiên – Bí thư Đảng bộ, Giám đốc Sở Y tế trả lời chất vấn tại kỳ họp
Kính thưa: Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy
Chủ tọa kỳ họp, các quí vị đại biểu và toàn thể nhân dân
Trước khi trả lời, cho phép tôi thay mặt lãnh đạo ngành Y tế tỉnh xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các đại biểu Hội đồng nhân dân, các đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và lãnh đạo UBND các huyện, thành phố và toàn thể nhân dân đã và đang rất quan tâm, chia sẻ và ủng hộ ngành Y tế; cảm ơn các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành đã vượt khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian qua.
Kính thưa các đồng chí và toàn thể nhân dân!
Đến nay hệ thống y tế tỉnh nhà đã hoàn thiện được bố trí rộng khắp và đầy đủ từ tỉnh đến tận thôn xóm, hệ thống đã và đang thực hiện việc cung cấp cơ bản những dịch vụ y tế cho nhu cầu người dân trên địa bàn tỉnh.
Với hệ thống y tế cơ sở; đối với tỉnh đó là y tế huyện, xã, thôn, xóm. Hiện tỉnh có 10 Trung tâm Y tế huyện, thành phố, trong đó, 09 Trung tâm Y tế huyện, thành phố có 03 chức năng là dự phòng, khám chữa bệnh, dân số; 01 Trung tâm Y tế có 02 chức năng là dự phòng, dân số; 01 Bệnh viện đa khoa huyện, 226 Trạm Y tế, 3.188 cán bộ y tế thôn, xóm, tổ dân phố. Xác định rõ nhiệm vụ của mình, ngành đã luôn triển khai thường xuyên việc đổi mới phong cách, thái độ phục vụ; nỗ lực, tập trung đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn; thực hiện việc tiếp nhận, chuyển giao kỹ thuật từ trung ương; cố gắng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; đồng thời thực hiện xã hội hóa, liên doanh, liên kết.
Tuy nhiên, với nhiệm vụ vừa khám chữa bệnh, vừa thực công tác dự phòng, chú trọng công tác phòng chống các loại dịch bệnh, đặc biệt là phòng chống đại dịch COVID-19, hệ thống đã bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế. Trong điều kiện khó khăn về mọi mặt, hầu hết cán bộ ngành Y đã rất nỗ lực, vượt khó, không quản ngày đêm, nguy hiểm để cố gắng vươn lên. Tuy nhiên so với mặt bằng khám chữa bệnh chung thì chất khám chữa bệnh tại tỉnh còn rất nhiều việc cần và phải làm, đặc biệt là trong và sau đại dịch (thể hiện: Trong đại dịch toàn tuyến phải làm với cường độ lao động lớn, trên 100% thời gian kéo trong nhiều ngày tháng, trong hoàn cảnh điều kiện rất khó khăn thiếu nhân lực và kinh phí hạn hẹp. Tỷ lệ dịch vụ kỹ thuật thực hiện được theo phân tuyến, đơn vị thực hiện thấp nhất chỉ có 42%, cao nhất 80%; tỷ lệ chuyển tuyến đối với đơn vị tuyến tỉnh là 10%/năm, tuyến huyện là 9%/năm, chưa nói vượt tuyến. Kinh phí bảo hiểm y tế chi khám chữa bệnh cho người dân tỉnh nhà gần 2.200 tỉ/ năm nhưng trong đó chi cho ngành Y tế tỉnh khoảng trên 1.200 tỉ). Với những số liệu trên, chúng ta thấy chất lượng công tác y tế của chúng ta rất cần sự quan tâm đặc biệt.
Với 4 yếu tố cấu thành (cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc, nhân lực, cơ chế chính sách), đảm bảo cả 03 tuyến đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao đều cần có sự quan tâm của các cấp chính quyền, đặc biệt là của tỉnh, nếu chỉ riêng ngành Y tế thì không thể.
Cơ sở vật chất: Khoảng hơn 50% đã xuống cấp.
Trang thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc: Thiếu ở cả 03 cấp (cấp xã thiếu trang thiết bị thiết yếu; tuyến huyện thiếu trang thiết bị thường quy và một số nâng cao, ...).
Về nhân lực: Hiện vừa thiếu và còn yếu. Thiếu nhất là bác sỹ (hiện tại có 8,02 bác sỹ/ 1 vạn dân) để đến 2025 có 9 bác sỹ/1 vạn dân (theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng là 10 bác sỹ/ 1 vạn dân) thì tỉnh cần gần 175 bác sỹ, chưa tính bổ sung bác sỹ nghỉ hưu. Đặc biệt bác sĩ chuyên ngành tâm thần, lao, pháp y và bác sĩ làm việc ở tuyến cơ sở (huyện, xã). Hiện có 44 bác sĩ và 62 cán bộ chuyên môn khác xin thôi việc.
Về thực hiện cơ chế tự chủ tài chính: Chưa đồng bộ, còn lúng túng, gây khó khăn cho các đơn vị trong công tác thu chi, trích lập quỹ hoạt động sự nghiệp. Chưa triển khai khám chữa bệnh theo yêu cầu, trong khi nhu cầu của người bệnh lớn.
Việc thanh toán BHYT rất chậm, nợ đọng BHYT hơn 340 tỉ đồng. Ảnh hưởng của đại dich COVID-19, nhiều đơn vị có nguồn thu thấp, thu không bù chi nên gặp rất nhiều khó khăn cho công việc thường xuyên chưa nói đến phát triển đơn vị. Mua thuốc, vật tư y tế gặp nhiều khó khăn.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP:
- Đối với Ngành Y tế:
- Toàn ngành sẽ quyết tâm phát huy nội lực trên cơ sở sẵn có làm tốt nhiệm vụ của mình; làm tốt công tác tư tưởng, phát huy dân chủ tạo sự đoàn kết, tạo môi trường tốt, tinh thần thoải mái trong toàn ngành, tin tưởng vào sự quan tâm lãnh đạo của tỉnh, chuyên môn của ngành để từng cá nhân cán bộ ngành Y tế yên tâm công tác và cống hiến.
- Tập trung tốt cho công tác phòng chống dịch bệnh, tổ chức tiêm chủng đảm bảo an toàn theo chỉ đạo của tỉnh, của Bộ Y tế.
- Rà soát qui hoạch mạng lưới, cơ cấu tổ chức ngành tại các cấp. Xem xét cụ thể đưa định hướng phát triển sát với thực tế và yêu cầu thực tiễn.
- Tiếp tục đổi mới phong cách, thái độ phục vụ; tăng cường tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ bằng nhiều hình thức để nâng cao năng lực toàn ngành nói chung và công tác khám chữa bệnh nói riêng; đẩy mạnh chuyển đổi số.
- Tiết kiệm các nguồn chi để tái đầu tư; xây dựng kế hoạch tuyển viên chức; động viên các bác sĩ trẻ về làm việc tại tỉnh (tập trung bác sĩ trẻ, người con quê hương); đẩy nhanh tiến độ thầu thuốc tập trung, giải quyết vướng mắc các gói vật tư y tế.
- Chỉ đạo sát hệ thống tư nhân (KCB, Dược) thực hiện đúng qui định và phục vụ tốt người bệnh.
2. Đối với tỉnh:
Với một ngành sử dụng ngân sách Nhà nước, hưởng phúc lợi làm an sinh, tôi tha thiết và trân trọng đề nghị:
- Với 4 yếu tố cấu thành (chưa có đơn vị y tế nào đảm bảo đủ điều kiện cả 4 yếu tố), tất cả đều cần có sự quan tâm của tỉnh, riêng ngành Y tế không thể vượt qua thời điểm này.
+ Cơ sở vật chất: Tại tuyến xã: Trong chương trình xây dựng nông thôn mới cùng gói phục hồi y tế sẽ đảm bảo điều kiện. Tuyến huyện: Vẫn cần đầu tư nâng cấp, trước mắt chọn trọng điểm 1,2 đơn vị để phát triển vùng miền. Tuyến tỉnh: Một số đơn vị xuống cấp, chật hẹp nên gặp khó khăn trong việc mở rộng, triển khai các dịch vụ kỹ thuật.
+ Trang thiết bị: Đầu tư trang thiết bị y tế thiết yếu cho toàn tuyến ở cả 03 cấp gồm trang thiết bị thiết yếu, thường qui, trang thiết bị hiện đại. Đầu tư trang thiết bị cho chuyển đổi số để tiến tới xây dựng một số đơn vị y tế thông minh cũng rất quan trọng (tỉnh đã đồng ý đầu tư cho Bệnh viện Nhi để thực hiện bệnh án điện tử trong lộ trình bệnh viện thông minh).
+ Nhân lực: Tỉnh đã bổ sung thêm biên chế cho tuyến xã (1 bác sỹ/ 1 xã); tỉnh đã có chính sách ưu tiên cho bác sỹ mới tuyển, cho một số chủng loại học trên đại học. Tuy nhiên, số lượng bác sỹ về tỉnh chưa nhiều, do đó vẫn cần tiếp tục nghiên cứu chính sách để thu hút nhân lực trình độ cao như bác sỹ trở lên, chính sách cho nhân viên y tế thôn, xóm, tổ dân phố và cộng tác viên dân số.
+ Cơ chế chính sách: Sở Y tế sẽ tham mưu trình tỉnh triển khai dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu để đáp ứng nhu cầu người bệnh.
Những việc này cần sự quan tâm của tỉnh, càng sớm càng tốt, muộn sẽ càng khó cho sự ổn định và phát triển vì có những việc phải cần nhiều thời gian mới hoàn thành.
Đề nghị nhân dân tiếp tục ủng hộ, tiếp tục chia sẻ với ngành Y tế để ngành vươn lên phục vụ tốt hơn nữa.
Xin trân trọng cảm ơn các đại biểu và nhân dân!
Câu hỏi mở rộng: Với thực trạng hiện nay ngành Y tế đã có những giải pháp rất cụ thể cho việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế tuyến huyện cũng như các trạm y tế xã, phường, thị trấn. Vậy ngành Y tế đã có định hướng và giải pháp như thế nào để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh đối với cơ sở y tế tuyến tỉnh (như BVĐK, BV Nhi, BV Phụ sản…)
Kính thưa: Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy
Chủ tọa kỳ họp, các quí vị đại biểu và toàn thể nhân dân
Hệ thống khám chữa bệnh tuyến tỉnh tại Nam Định có 10 đơn vị công lập: 01 đơn vị đạt hạng I là Bệnh viện đa khoa tỉnh; 04 đơn vị đạt hạng II là Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Phổi; 05 đơn vị đạt hạng III là Bệnh viện Da liễu, Bệnh viện Nội tiết, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Phục hồi chức năng.
Sau khi khảo sát thực tế, nghiên cứu cụ thể từng đơn vị công lập (về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực) và yêu cầu đáp ứng các dịch vụ của nhân dân trong nhu cầu khám chữa bệnh, chúng tôi định hướng cụ thể cho tuyến tỉnh như sau:
Yêu cầu tất cả các đơn vị xây dựng Đề án phát triển đơn vị mình tới từng khoa, phòng đảm bảo tính khả thi, căn cứ tình hình thực tế của đơn vị. Ngoài những giải pháp chung trên, trước mắt tập trung ngay vào chuyên môn và từng bước xây dựng bệnh viện thông minh cho:
1. Bệnh viện đa khoa tỉnh (bệnh viện tuyến cuối của tỉnh về đa khoa trừ chuyên khoa sản, nhi, tâm thần) cố gắng đưa Bệnh viện Đa khoa tỉnh hoàn thành và chuyển địa điểm trong năm 2025, quy hoạch sắp xếp lại và đầu tư xây dựng một vài đơn vị (ngành Y tế sẽ tham mưu có báo cáo cụ thể với tỉnh). Tại đại điểm hiện nay: Tận dụng cơ sở vật chất, chuẩn bị về nhân lực, trang thiết bị để làm tốt kỹ thuật theo phân tuyến và phát triển kỹ thuật mới trong hơn 2 năm (2022-2024) cho việc đáp ứng cơ sở mới. Ngay từ bây giờ chú trọng phát triển các chuyên khoa hệ ngoại (vì hệ ngoại là hệ số 1 trong bệnh viện đa khoa; chiếm tỷ lệ dịch vụ kỹ thuật Ngoại khoa: 4.164/11.898 kỹ thuật (chiếm 35% toàn BV); hiện Bệnh viện đã thực hiện được 4.164 kỹ thuật/ 7.000 kỹ thuật ngoại khoa, đạt được 60%. Để làm được việc này cần: Sửa chữa tối thiểu cơ sở vật chất hiện có + Nhân lực có sẵn đủ năng lực thực hiện + Đầu tư trang thiết bị (sau này chuyển được ra cơ sở mới). Đề nghị tỉnh đầu tư.
2. Bệnh viện Nhi: là một bệnh viện đa khoa chữa bệnh cho trẻ em từ 16 tuổi trở xuống. Hiện tại Bệnh viện đang thiếu hệ ngoại nhi chiếm 37% dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến. Căn cứ các điều kiện chúng tôi muốn thành lập khoa ngoại nhi tại Bệnh viện Nhi tỉnh. Bệnh viện đã có phòng, nhân lực đủ điều kiện (kết hợp với Trường ĐH Y Dược Thái Bình và Bệnh viện Nhi TW) + Đầu tư trang thiết bị khoa ngoại nhi. Đề nghị tỉnh đầu tư.
Hoàn thành được hệ Ngoại nhi và Ngoại người lớn, tiếp tục phát triển can thiệp tim mạch, đột quỵ, từng bước đảm bảo khép kín khám chữa bệnh cho từ trẻ sơ sinh đến người già.
3. Bệnh viện Phụ sản: là bệnh viện liên quan trực tiếp đến gần 50% dân số. Hiện tại bệnh viện đã thực hiện được 80% kỹ thuật theo phân tuyến và một số vượt tuyến. Định hướng phát triển: Hiện tại bệnh viện đã tương đối đảm bảo về nhân lực, trang thiết bị, thiếu về cơ sở vật chất để mở rộng phát triển kỹ thuật cao và cơ chế khám chữa bệnh theo yêu cầu. Đề nghị tỉnh đầu tư thêm cở sở vật chất.
Các bệnh viện tuyến tỉnh còn lại (Sở Y tế sẽ có báo cáo cụ thể sau).
Xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm của các đại biểu và nhân dân!