Trang chủTin tức

Hội nghị tổng kết và chia sẻ kết quả nghiên cứu “Đánh giá thực trạng bạo lực giới trong nhóm phụ nữ khuyết tật vận động và các dịch vụ hỗ trợ tại Trực Ninh và Hải Hậu, Nam Định trong bối cảnh Covid-19”

Ngày 30/5/2022, Sở Y tế Nam Định phối hợp cùng Nhóm cựu sinh viên học bổng Chính phủ Úc tổ chức Hội nghị tổng kết và chia sẻ kết quả nghiên cứu “Đánh giá thực trạng bạo lực giới trong nhóm phụ nữ khuyết tật vận động và các dịch vụ hỗ trợ tại Trực Ninh và Hải Hậu, Nam Định trong bối cảnh Covid-19”. Dự Hội nghị có đồng chí Khương Thành Vinh – Phó Giám đốc Sở Y tế; bà  Bùi Thị Thanh Hòa – Trưởng nhóm nghiên cứu cùng các cộng sự. Tham dự Hội nghị còn có đại diện Sở Lao động thương binh và xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Người khuyết tật tỉnh, lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Trực Ninh, Hải Hậu cùng đại diện trạm Y tế, hội phụ nữ, cán bộ phụ trách công tác thương binh xã hội, mặt trận tổ quốc, công an… các xã/thị trấn tham gia nghiên cứu của huyện Hải Hậu, Trực Ninh.

Đ/c Khương Thành Vinh – Phó Giám đốc Sở Y tế phát biểu khai mạc Hội nghị

Năm 2020, tại Việt Nam, có gần 62,9% phụ nữ từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực thể xác, tinh thần, kiểm soát hành vi, tình dục hay kinh tế do chồng/bạn tình gây ra trong đời. Cứ 10 phụ nữ khuyết tật thì có 4 người từng trải qua bạo lực tình dục. Trung bình phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật bị bạo lực gia đình cao gấp hai lần phụ nữ khác. Bạo lực đối với họ thường kéo dài hơn và có mức độ nặng hơn.

Nghiên cứu “Đánh giá thực trạng bạo lực giới trong nhóm phụ nữ khuyết tật vận động và các dịch vụ hỗ trợ tại Trực Ninh và Hải Hậu, Nam Định trong bối cảnh Covid-19” được triển khai từ tháng 10/2021 -05/2022 tại 16 xã/thị trấn trên địa bàn huyện Trực Ninh và Hải Hậu, với mục đích đánh giá thực trạng về bạo lực giới đối với nhóm phụ nữ khuyết tật vận động trong bối cảnh Covid-19 từ đó đưa ra các giải pháp, khuyến nghị để tăng cường công tác phòng chống bạo lực giới trong nhóm phụ nữ khuyết tật. Tổng số đối tượng tham gia nghiên cứu là 158 phụ nữ khuyết tật (PNKT) và 37 cán bộ cấp tỉnh và cấp xã.

Nghiên cứu đã chỉ ra trong số 158 PNKT tham gia nghiên cứu thì có 36% PNKT vận động từng trải qua một hành vi bạo lực; chồng là đối tượng gây ra hành vi bạo lực nhiều nhất… Qua nghiên cứu cũng chỉ ra nhu cầu lớn nhất của PNKT trải qua bạo lực là được hỗ trợ kịp thời để được an toàn và được cung cấp kiến thức thông tin về phòng tránh bạo lực trong giai đoạn cách ly và dịch bệnh. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, bạo lực giới cho nhóm PNKTVĐ để họ nhận diện được các hành vi bạo lực giới, biết cách ứng phó và tìm kiếm sự hỗ trợ. Cần nâng cao chất lượng các dịch vụ hiện có về phòng chống bạo lực giới, mở rộng và chuyên sâu thêm các hoạt động về tuyên truyền phòng chống bạo lực giới trong nhóm PNKT vì đặc thù riêng của nhóm này…/.

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

 

Tin và ảnh: Duy Tiến 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác