Trang chủHoạt động ngànhGiáo dục sức khỏe

Viêm tai giữa và nguy cơ chậm nói ở trẻ em

Viêm tai giữa là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ. 75% trẻ em đều mắc ít nhất một lần viêm tai giữa trước thời điểm 3 tuổi. Khi mắc viêm tai giữa, thính lực của trẻ có thể bị suy giảm và nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể điếc vĩnh viễn. Viêm tai giữa thường là hậu quả của một bệnh có liên quan tới đường hô hấp trên như: bệnh cúm, cảm lạnh hoặc dị ứng - nguyên nhân gây tắc nghẽn, sưng đường mũi, họng và ống Eustachian (bộ phận nối giữa vòm họng và tai giúp giảm áp lực của âm thanh). Triệu chứng điển hình như: đau tai, sốt, chảy dịch tai, ù tai, nghe kém, suy giảm thính lực,... Nếu bị viêm tai giữa mà không chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm tai xương chũm kèm theo những biến chứng nguy hiểm như thủng màng nhĩ, xơ hóa màng nhĩ, liệt thần kinh mặt, viêm xương chũm và nặng nhất là điếc vĩnh viễn. Khi thính lực bị ảnh hưởng thì nguy cơ chậm nói cũng phát triển theo.

Ảnh minh họa

1. Viêm tai giữa gây gây ảnh hưởng thính lực là nguyên nhân gây chậm nói

Trong tai giữa có ba xương nhỏ mang rung động âm thanh từ màng nhĩ đến tai trong. Khi trong tai có chất nhày, những rung động truyền không hiệu quả và năng lượng âm thanh bị mất. Kết quả là có thể bị mất thính giác nhẹ hoặc thậm chí ở mức vừa phải. Vì vậy, âm thanh lọt vào tai bị bóp nghẹt hoặc không nghe được. Trẻ em học nói và phát triển ngôn ngữ từ việc nghe người khác nói chuyện. Thời điểm đặc biệt quan trọng cho sự phát triển này là những năm đầu đời. Nếu bị mất thính lực, trẻ có thể đã bỏ lỡ một số thông tin có thể ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ và lời nói, trẻ sẽ không có đủ điều kiện tích lũy kinh nghiệm học tập ngôn ngữ. Viêm tai giữa khi được chữa lành thì thính lực của trẻ cũng quay trở lại như cũ. Nhưng nếu không được chữa trị và bệnh xuất hiện nhiều lần sẽ khiến các bộ phận của tai như màng nhĩ, xương tai và các dây thần kinh thính giác bị ảnh hưởng, khiến trẻ giảm thính lực nghiêm trọng.

2. Ngăn chặn nguy cơ chậm nói từ viêm tai giữa

- Thực hiện tiêm phòng đầy đủ để tránh các chứng bệnh nguy hiểm, có thể để lại di chứng khiến trẻ bị suy giảm thính lực, đặc biệt là tiêm phòng các vắc xin phòng chống các bệnh đường hô hấp.

- Thực hiện các y lệnh điều trị và chăm sóc trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa khi trẻ bị nhiễm trùng tai hoặc các bệnh viêm tai. Khi có dấu hiệu chậm nói cần đi khám ngay.

- Không đeo tai nghe thường xuyên, không cho nghe âm thanh quá lớn, bật tivi quá to... sẽ tác động đến khả năng nghe của trẻ về sau.

- Chăm sóc đúng cách và thường xuyên vệ sinh tai, vệ sinh mũi họng hàng ngày.

- Giữ gìn đôi tai cho trẻ để tránh các nguy cơ, các bệnh về tai có thể xảy ra.

- Thực hiện mặc ấm cho trẻ vào mùa đông, tránh tiếp xúc môi trường ô nhiễm, đeo khẩu trang khi ra ngoài, khi tiếp xúc với người bệnh.

- Tránh những tác động mạnh gây tổn thương đến tai…

CN. Vũ Văn Trình (t/h)

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi