Việt Nam là nước nhiệt đới, lưu hành nhiều bệnh truyền nhiễm do côn trùng truyền, trong đó có các bệnh viêm não virus, thường gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và tử vong cao. Bệnh xuất hiện quanh năm, đỉnh điểm là tháng 6-8. Trẻ em và người già thường có tính cảm nhiễm cao.
Ảnh minh họa
1. Nguyên nhân gây bệnh
- 70% các trường hợp mắc viêm não được xác định là do virus. Có nhiều loại virus khác nhau gây viêm não, có thể phân loại thành ba nhóm: virus thông thường, virus thời thơ ấu và virus arbovirus.
- Loại virus phổ biến nhất gây viêm não ở các nước phát triển là herpes simplex. Virus herpes thường di chuyển qua một dây thần kinh đến da, nơi nó gây ra vết loét lạnh. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, virus di chuyển đến não. Dạng viêm não này thường ảnh hưởng đến thùy thái dương – phần não kiểm soát trí nhớ và lời nói. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến thùy trán, phần kiểm soát cảm xúc và hành vi. Viêm não do herpes gây ra rất nguy hiểm và có thể dẫn đến tổn thương não nghiêm trọng và tử vong. Các loại virus phổ biến khác có thể gây viêm não bao gồm: quai bị, Virus Epstein-Barr, HIV, virus cự bào.
- Viêm não được lây truyền thông qua muỗi và ve là những động vật chân đốt (arthropod) nên có tên là arbovirus (Arthropod-borne virus). Các sinh vật truyền bệnh từ một cơ thể vật chủ này sang một vật chủ khác được gọi là vector truyền bệnh. Muỗi là một vector truyền bệnh quan trọng. Hiếm xảy ra các trường hợp mắc viêm não do virus thời thơ ấu, bao gồm: thủy đậu (rất hiếm), bệnh sởi, rubella.
Ngoài ra, một số người có thể bị nhiễm virus qua: Ho hoặc hắt hơi từ một người nhiễm bệnh giải phóng virus trong không khí, sau đó người khác hít phải; Ăn thực phẩm bị ô nhiễm; chạm vào người bị nhiễm bệnh; Một số trường hợp viêm não virus là do nhiễm virus không hoạt động (như virus herpes simplex) trở lại hoạt động.
2. Dấu hiệu, triệu chứng nhận biết bệnh
- Trong những trường hợp nặng hơn bệnh nhân có thể có sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương bao gồm: Nhức đầu dữ dội; Buồn nôn và nôn mửa; Cứng cổ; Lú lẫn; Mất định hướng; Thay đổi nhân cách; Co giật; Rối loạn nghe nói; Ảo giác; Mất trí nhớ; Đờ đẫn; Hôn mê…
- Ở trẻ nhỏ, các dấu hiệu trên không điển hình và khó phát hiện, tuy nhiên vẫn có một số dấu hiệu quan trọng giúp định hướng chẩn đoán. Các dấu hiệu này bao gồm: Nôn mửa; Thóp phồng (nếu còn thóp); Khóc không thể dỗ nín hoặc khóc nhiều hơn khi trẻ được bồng lên hoặc thay đổi tư thế; Gồng cứng người…
3. Phòng ngừa viêm não virus
- Hạn chế các nguy cơ bị côn trùng, muỗi đốt khi sinh hoạt hoặc làm việc ngoài trời đặc biệt là vào lúc bình minh hoặc hoàng hôn (là thời điểm muỗi hoạt động mạnh nhất) thông qua việc mặc áo quần phủ kín tay, chân như mặc áo dài tay, mang tất cùng với việc sử dụng các chất xua đuổi côn trùng, nằm màn khi ngủ. Để hạn chế sự phát triển của muỗi gây bệnh, chúng ta cần phải thường xuyên vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, làm thông thoáng cống rãnh, đậy kỹ các vật dụng chứa nước, loại bỏ các dụng cụ thừa có khả năng đọng nước nhằm giảm thiểu nơi cư ngụ cũng như nơi đẻ trứng của muỗi kết hợp với phun hóa chất diệt muỗi ở những nơi có mật độ muỗi cao.
- Cách ly người bệnh cũng như hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, sử dụng các biện pháp phòng hộ như đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh.
- Chủ động tiêm vắc xin để phòng bệnh và các bệnh liên quan như viêm não Nhật Bản, sởi, quai bị…
- Thực hiện vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, vệ sinh ăn chín, uống chín là những biện pháp phòng bệnh đơn giản và hiệu quả.
CN. Vũ Văn Trình (t/h)