Ảnh minh họa
1. Viêm xoang cấp tính là gì?
Viêm xoang cấp tính là tình trạng những lỗ xoang bị tắc nghẽn dẫn đến giảm lưu thông tại các vị trí, triệu chứng diễn ra trong khoảng 4 tuần. Mặc dù không kéo dài như bệnh mãn tính nhưng nếu không điều trị kịp thời, viêm xoang cấp tính sẽ dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm.
2.Tiên lượng
Tiên lượng viêm xoang cấp tính là rất tốt, với ước tính khoảng 70% bệnh nhân
mắc bệnh sẽ tự khỏi mà không được chữa trị. Kháng sinh đường uống có thể giảm thời gian bệnh nhân có triệu chứng. Tuy nhiên trong một số trường hợp viêm xoang có thểgây ra một số biến chứng.
3. Biến chứng
3.1. Viêm nhiễm ổ mắt
Hốc mắt được ngăn cách với xoang sàng bởi xương giấy vốn rất mỏng và dễ bị
rạn nứt. Mặt khác hệ thống tĩnh mạch mắt có liên hệ với mạch sàng, bởi vậy nhiễm khuẩn hốc mắt là biến chứng phổ biến nhất của viêm xoang cấp. Tỷ lệ mắc biến chứng của hốc mắt ở trẻ nhỏ thường cao hơn so với ở người lớn. Một số nhiễm khuẩn hốc mắt do biến chứng của viêm xoang là: phù nề, viêm nhiễm ở mi mắt; viêm mô tế bào ổ mắt; viêm tắc tĩnh mạch xoang hang.
3.2. Viêm màng não
Viêm màng não thường xảy ra do nhiễm khuẩn từ xoang sàng và xoang bướm.
Khi thăm khám, bệnh nhân có biến chứng này có thể giảm hoặc không đáp ứng với các kích thích. Có thể có các dấu hiệu của viêm màng não như Kernig và Brudzinski (+). Nếu phát hiện viêm màng não do biến chứng của viêm xoang, cần phải chụp CT Scanner não, CT Scanner xoang và chọc rò tủy sống giúp chẩn đoán.
3.3. Áp xe ngoài màng cứng
Áp xe ngoài màng cứng là sự tích tụ mủ giữa xương sọ và màng cứng, điển hình
liên quan đến viêm xoang trán. Một mặt do viêm nhiễm trực tiếp từ xoang lan rộng, mặt khác theo đường máu, có thể dẫn tới viêm mủ dưới màng cứng và cuối cũng dẫn tới áp xe não.
3.4. Tắc tĩnh mạch xoang hang
Cục huyết khối nhiễm khuẩn từ mắt có thể chảy về phía sau thông qua hệ tĩnh
mạch mắt tới xoang hang, gây ra nhiễm khuẩn, viêm nhiễm và cuối cùng là nghẽn mạch xoang. Bệnh nhân có những triệu chứng ở mắt như: phù kết mạc, đồng tử phản ứng chậm chạp, liệt mắt và mù lòa.
3.5. Khối sưng phồng của Pott
Nếu viêm nhiễm trong xoang trán lan đến tuỷ xương trán, hiện tượng viêm xương
tuỷ khu trú kết hợp với phá huỷ xương có thể gây ra khối sưng mềm vùng trán được mô tả kinh điển là khối sưng phồng của Pott.
4. Phòng bệnh
− Có chế độ điều trị, nghỉ ngơi và ăn uống hợp lý khi mắc cảm cúm.
− Tránh tiếp xúc với các yếu tố kích thích (bụi, khói thuốc lá, hoá chất…).
− Quan tâm điều trị trào ngược dạ dày - thực quản.
− Giải quyết các bất thường về giải phẫu mũi xoang (vẹo vách ngăn, xoang hơi cuốn giữa, quá phát mỏm móc, bóng sàng).
− Nạo VA quá phát.
− Điều trị các khối u vòm mũi họng.
− Quan tâm, điều trị các bệnh toàn thân./.
Gia Khánh (t/h)