Ảnh minh họa
Tình trạng trẻ tự làm tổn hại cơ thể hiện nay đang trở nên ngày càng phổ biến, có thể xảy ra với bất cứ trẻ nào, từ áp lực trong cuộc sống và sự lan truyền của một số phong trào trên mạng Internet. Các cha mẹ hãy cùng tham khảo thông tin dưới đây để hiểu hơn về tình trạng này nhằm giúp trẻ tránh khỏi điều đó.
Trẻ tự làm hại bản thân có thể bao gồm một loạt những việc mà trẻ làm với chính bản thân một cách có chủ ý, theo chiều hướng tiêu cực. Mặc dù tự dùng vật sắc để cắt lên cơ thể là hình thức phổ biến nhất, nhưng một số hình thức tự hại khác cũng có thể được trẻ sử dụng như đập đầu, nhổ tóc, đốt và cào, cắn, gãi, đâm, nuốt đồ vật, làm gãy xương, tự đầu độc hoặc dùng thuốc quá liều.
Bằng cách tự làm mình bị thương, trẻ em hoặc thanh thiếu niên muốn khẳng định việc tự làm chủ cuộc sống mà trẻ đang thấy hỗn độn và vô nghĩa. Đây cũng là cách trẻ dùng để đối phó với sự thất vọng, mất phương hướng trong cuộc sống và những cảm xúc mạnh mẽ khác. Trong phần lớn các trường hợp, hành vi của trẻ không nhằm mục đích tự sát mà chỉ để “xả” bớt cảm xúc của mình.
Ngoài các biểu hiện về thể lý mà bạn có thể nhìn thấy được một cách dễ dàng, có những manh mối khác có thể cũng là biểu hiện của việc tự hại, bạn có thể quan sát để đề phòng nếu như cảm thấy lo lắng. Chúng bao gồm:
- Trẻ cảm thấy suy sụp và nói về sự thất bại hay cảm thấy không vui.
- Trẻ có thể mặc nhiều lớp quần áo để che dấu hoặc làm giảm tính nghiêm trọng của thương tích.
- Trẻ bị rối loạn ăn uống.
- Trẻ bị gián đoạn giấc ngủ.
Sự thôi thúc về việc trẻ tự làm hại bản thân có thể rất khó cưỡng lại và còn gây nghiện. Vì vậy, để phục hồi và vượt qua nó, cần có sự hiểu biết về hành vi để phát triển các chiến lược, nhằm đối phó với các tình huống và cảm xúc dẫn đến việc trẻ tự làm hại bản thân.
Trẻ tự làm hại bản thân không phải là một hình thức tìm kiếm sự chú ý của người khác. Những người tự hại thường thực hiện việc làm tổn thương cơ thể một cách riêng tư, kín đáo và cố gắng hết sức để che giấu thương tích của mình. Trẻ cũng không tự làm hại bản thân để trông ngầu hơn hay để chứng tỏ với những bạn đồng trang phải lứa với mình. Đây là một phản ứng lặp đi lặp lại với nỗi đau khổ, thất vọng và hành vi liên tục này là dấu hiệu của một vấn đề tiềm ẩn nào đó. Với sự giúp đỡ và hỗ trợ phù hợp, bạn có thể giúp trẻ vượt qua được điều này và làm cho mối quan hệ giữa bạn với trẻ trở nên tốt hơn./.
Hương Giang (t/h)