Một trong những thói quen sinh hoạt đặc trưng của người Á đông nói chung hay người Việt Nam nói riêng đó là để giầy dép đi ở ngoài cửa khi bước vào nhà mình hay nhà của bất kì ai khác. Thói quen này không chỉ là một nét văn hóa lịch sự mà còn mang lại những lợi ích bất ngờ cho sức khỏe. Vậy lý do bạn không nên mang giày dép vào trong nhà là gì?
Ảnh minh họa
Giày dép dính nhiều vi khuẩn gây bệnh. Khi đi vào trong nhà, chúng sẽ mắc lại trên thảm và sàn nhà ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của nhiều người trong gia đình. Tiến sĩ Charles Gerba, nhà vi sinh vật học tại đại học Arizona, Mỹ, phát hiện một chiếc giày chứa hơn 420.000 loại vi khuẩn bên ngoài và gần 3.000 loại bên trong.
Trong ngày, chúng ta bước lên những thứ như mặt đường, cây cỏ, sàn nhà vệ sinh công cộng và có thể là phân động vật. Những vi khuẩn bám vào giày là nguyên nhân gây bệnh nhiễm trùng ở mắt, phổi và dạ dày. Chúng có thể gây hại nhiều hơn cho người có hệ miễn dịch yếu như người già và trẻ em.
Loại đầu tiên là E.coli, một vi sinh vật gây bệnh nguy hiểm, chiếm 1/3 tổng số vi khuẩn trong giày. Chúng thường gây bệnh dạ dày và các vấn đề đường ruột dẫn đến sốt, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy. Trong trường hợp nặng có thể gây viêm màng não.
Một loại vi khuẩn khác mà các nhà nghiên cứu tìm thấy là Klebsiella pneumoniae gây ra nhiều bệnh nghiêm trọng về phổi và dẫn đến viêm phổi. Tỷ lệ tử vong do vi khuẩn này ở mức 50% và có thể 100% ở người nghiện rượu.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Houston thì đã tìm thấy khoảng 40% các đôi giày đi đường có chứa các vi khuẩn Clostridium difficile (C. diff), đây là loại vi khuẩn gây ra bệnh uốn ván, bệnh này nếu không phát hiện kịp thời thì hậu quả để lại sẽ rất nghiêm trọng. Cuộc nghiên cứu này cũng cho biết vi khuẩn C. diff không chỉ nằm ở dưới đế giày mà còn có thể di chuyển sang nhiều khu vực khác trong nhà như: bồn cầu, trên mặt bàn, mặt tủ... hay bất kể chỗ nào trên nền nhà có bụi bặm. Không những vậy vi khuẩn này còn có khả năng sống trên các bề mặt khô trong một khoảng thời gian khá lâu. Vi khuẩn C. diff có khả năng chống lại hầu hết các loại thuốc kháng sinh, điều này làm cho quá trình sinh sôi và phát triển của chúng nhanh cũng như quá trình hồi phục của bệnh nhân sẽ lâu hơn.
Nhiều người nghĩ rằng chỉ cần chà xát đôi giày trên tấm thảm có thể làm sạch chúng. Tuy nhiên, đó là nơi lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi nhiều hơn. Cách tốt nhất hãy đặt một chiếc kệ giày gần cửa để tất cả mọi người khi vào nhà đều tự giác tháo ra. Sau đó, bạn nên rửa tay sạch sẽ. Mỗi ngày, hãy sử dụng thuốc khử trùng cho giày và giặt chúng 2 đến 3 lần một tuần.
Để giày ở ngoài cửa, không mang vào nhà không chỉ là một nét văn hóa, thể hiện sự tôn trọng và lịch sự của bạn mà nó còn có ý nghĩa to lớn trong việc bảo vệ sức khỏe của các thành viên trong gia đình. Vì vậy bạn hãy để giày dép lại bên ngoài cửa ra vào để giữ một môi trường sạch sẽ, an toàn cho chính bản thân và mọi người xung quanh.
Ngọc Mai (t/h)