Sẹo hình thành là dấu hiệu của vết thương đang lành, nhưng tùy từng cơ địa và yếu tố tác động mà có thể hình thành sẹo bình thường, sẹo lồi, sẹo lõm, sẹo phì đại. Sẹo xuất hiện là kết quả của việc hình thành các mô sợi thay thế cho vùng da bị tổn thương. Sau khi xuất hiện vết thương cơ thể, chúng đều trải qua quá trình hồi phục (liền vết thương) nên sẹo là kết quả tự nhiên của quá trình này.
Ảnh minh họa
1. Nguyên nhân hình thành sẹo lồi
Có nhiều nguyên nhân tác động đến việc hình thành sẹo lồi cũng như mức độ phì đại của sẹo, từ nguyên nhân cơ địa đến môi trường:
- Do nhiễm khuẩn hoặc còn dị vật ở vết thương như lông tóc, u hạt, cát, bụi bẩn... khiến có xu hướng lành vết thương thứ phát.
- Yếu tố di truyền của người có cơ địa sẹo lồi: những người có cơ địa sẹo lồi có nguy cơ bị các vết sẹo lồi phì đại cao. Việc phòng ngừa sẹo lồi ở những người có cơ địa sẹo lồi rất quan trọng và khó khăn hơn, cần lưu ý hơn những người khác từ cách điều trị vết thương cho tới ăn uống.
- Do chấn thương không được xử lý đúng cách: khi có vết thương bạn cần nhanh chóng xử lý sạch sẽ, tránh nhiễm trùng và loại bỏ hoàn toàn dị vật tồn đọng trên bề mặt vết thương. Khi băng bó vết thương cũng không được căng hay trùng quá. Ngoài ra, sẹo lồi cũng có thể hình thành do căng kéo vùng vết thương, da vết thương không bằng phẳng, khâu vá không đúng lớp giải phẫu.
- Do quá trình cạy, nặn mụn không đúng cách: với những người có cơ địa sẹo lồi thì nếu nặn mụn trứng cá không đúng cách cũng rất dễ gây hình thành sẹo lồi trên mặt. Nặn mụn không đúng vệ sinh khiến cho vi khuẩn có thể thâm nhập vào trong da, gây tổn thương và để lại sẹo cho vùng da.
- Do chế độ ăn uống sau khi bị sẹo: trong thời gian có vết thương và vết thương đang hồi phục, bạn nên hạn chế hoặc không sử dụng những thực phẩm làm tăng khả năng phát triển sẹo lồi như: rau muống, thịt gà, trứng, đồ nếp....
2. Hướng điều trị sẹo lồi
Không có một liệu pháp nào đảm bảo khỏi hoàn toàn cho việc điều trị dạng sẹo này. Tuy nhiên, những phương pháp điều trị sẽ phần nào giúp cải thiện được hình dáng và cảm giác khó chịu. Bác sĩ thường dựa vào kích thước, vị trí của sẹo có thể áp dụng các phương pháp sau:
- Liệu pháp làm lạnh thích hợp với các vết sẹo nhỏ do mụn. Ngoài ra, nó còn giúp làm sáng da;
- Tiêm thuốc: Corticosteroid thường được dùng để tiêm trực tiếp vào vết sẹo.
- Cắt bỏ sẹo: Phẫu thuật cắt bỏ sẹo thường được áp dụng cho trường hợp sẹo lồi có kích thước lớn. Tuy nhiên, phương pháp này dễ có nguy cơ tạo thành sẹo mới.
- Liệu pháp xạ trị: Sử dụng tia bức xạ cũng được xem là cách hiệu quả để điều trị.
3. Cách hạn chế sẹo lồi
- Nếu có nguy cơ mắc phải loại sẹo này, tốt nhất bạn nên tránh để cơ thể bị thương, xăm mình cũng như tiến hành bất kỳ phẫu thuật nào không cần thiết. Sẹo lồi có thể phát triển sau mỗi tổn thương kể trên.
- Để ngăn ngừa sẹo sau những tổn thương ở da, bạn cần biết cách chăm sóc vết thương đúng cách. Điều này giúp chữa lành vết thương và giảm nguy cơ hình thành sẹo. Bạn nên sử dụng các biện pháp sau để chữa trị vết thương và ngăn chặn sự phát triển của sẹo lồi:
+ Băng bó vết thương mới với một lớp sáp dưỡng ẩm và băng không dính da. Giữ chặt băng để tạo một áp lực nhỏ lên vết thương. Vệ sinh sạch sẽ khu vực tổn thương.
+ Sau khi vết thương hồi phục, bạn nên sử dụng băng gel silicone. Điều này giúp ngăn ngừa sự phát triển của sẹo lồi. Băng trên da suốt từ 12–24 giờ mỗi ngày, trong vòng 2–3 tháng vì sẹo lồi mất khoảng gần 3 tháng để phát triển.
+ Sau khi xỏ khuyên tai (nếu có), bạn nên sử dụng các loại bông tai chuyên dụng, tạo áp lực để tránh sẹo lồi hình thành.
CN. Vũ Văn Trình (t/h)