Trang chủHoạt động ngànhGiáo dục sức khỏe

Rượu bia ảnh hưởng đến lượng testosterone như thế nào?

Uống nhiều rượu bia, đồ uống có cồn sẽ ảnh hưởng đến tất cả các vấn đề sức khoẻ, trong đó có cả hormone. Sử dụng rượu bia đều có những ảnh hưởng ngắn hạn và dài hạn đến nhiều loại hormone trong cơ thể, bao gồm cả testosterone.

Testosterone là hormone giới tính chính ở nam giới. Testosterone giúp nam giới có các đặc điểm về giới tính cũng như đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển cơ, xương và tinh trùng. Suy giảm testosterone có thể gây ra các vấn đề như: rối loạn cương dương, vô sinh, mất khối cơ…

Để sản xuất ra testosterone, cần có sự tham gia phối hợp của 3 tuyến: vùng dưới đồi, tuyến yên trước và tinh hoàn.

  • Trước hết vùng dưới đồi giải phóng ra hormone GnRH, hormone này đi tới  thùy trước tuyến yên
  • Sau đó thùy trước tuyến yên giải phóng ra hormone LH và hormone FSH
  • Tiếp theo LH và FSH kích thích tinh hoàn tổng hợp testosterone

Rượu bia có thể cản trở quá trình sản xuất testosterone bằng cách cản trở hoạt động của cả 3 tuyến trên.

Ảnh minh họa

Ảnh hưởng ngắn hạn của rượu bia lên lượng testosterone

Tiêu thụ đồ uống có cồn có thể gây ảnh hưởng ngắn hạn đến việc giải phóng testosterone do ảnh hưởng tiêu cực đến vùng dưới đồi và tuyến yên. Các nghiên cứu chỉ ra rằng lượng testosterone có thể giảm sau 30 phút uống rượu bia. Trong một nghiên cứu, nam giới khoẻ mạnh được cho uống một ly whiskey/ngày trong 30 ngày và lượng testosterone của họ được đem so sánh với những người nghiện rượu bia mãn tính. Kết quả cho thấy, lượng testosterone bắt đầu giảm vào ngày thứ 3 và sẽ ở mức tương tự với những người nghiện rượu bia vào cuối tháng.

Ảnh hưởng lâu dài của rượu bia lên lượng testosterone

Những người uống nhiều sẽ có chức năng tinh hoàn suy giảm nhiều hơn so với những người tiêu thụ vừa phải. Uống nhiều được coi là uống nhiều hơn 15 ly tiêu chuẩn/tuần với nam và hơn 8 ly tiêu chuẩn/tuần với nữ. Nam giới uống nhiều bia rượu sẽ dễ bị:

  • Rối loạn cương dương
  • Giảm lượng testosterone
  • Suy giảm ham muốn

Những người uống rượu quá nhiều có thể bị tổn thương tế bào Leydig ở tinh hoàn, đây cũng là tế bào chịu trách nhiệm sản xuất testosterone. Rượu bia cũng có thể làm cản trở việc giải phóng LH, FSH và GnRH.

Tiêu thụ rượu bia ở mức độ vừa phải không gây ảnh hưởng lâu dài lên sức khoẻ sinh sản hoặc lượng testosterone. Vừa phải được định nghĩa là không nhiều hơn 1 ly tiêu chuẩn/ngày với nữ giới và 2 ly tiêu chuẩn/ngày với nam giới.

Triệu chứng của suy giảm testosterone

  • Suy giảm ham muốn tình dục
  • Rối loạn cương dương
  • Khó tập trung
  • Lờ đờ mệt mỏi
  • Trầm cảm
  • Rụng lông, tóc
  • Mất khối cơ
  • Phát triển vú
  • Mất khối xương
  • Bốc hoả

  Rượu bia làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng

Rượu bia gây ảnh hưởng đến chức năng tế bào Sertoli trong tinh hoàn. Đây là những tế bào cần thiết cho việc trưởng thành của tinh trùng. Cả testosterone và FSH đều đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển của tinh trùng. Chức năng của những hormone này bị ảnh hưởng có thể dẫn đến tình trạng chậm tăng trưởng tinh trùng và giảm số lượng tinh trùng trong tinh dịch.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng 50% số người nghiện rượu bia nặng bị chậm tăng trưởng tinh trùng, so với chỉ 20% ở những người không nghiên rượu. Hơn thế, những người uống nhiều rượu còn có tinh hoàn bé hơn so với những người không uống.

Nghiên cứu năm 2017 trên hơn 16.000 nam giới khoẻ mạnh cho thấy uống rượu nhiều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến số lượng tinh dịch và khả năng chuyển động của tinh trùng. Tiêu thụ rượu bia ở mức trung bình không ảnh hưởng đến cả 2 vấn đề trên.

  Thời gian ngừng uống rượu để lượng testosterone trở về ngưỡng bình thường

Phụ thuộc vào việc bạn đã uống bao nhiêu và uống trong bao lâu, việc hồi phục hàm lượng testosterone có thể kéo dài trong nhiều tháng hoặc nhiều năm. Một số tổn thương sẽ không bao giờ hồi phục được. Một nghiên cứu trên chuột cho thấy những tổn thương về hệ sinh dục nam do rượu gây ra có thể sẽ hồi phục trong khoảng 10 tuần kiêng rượu. Mặc dù kết quả này khó áp dụng trên người nhưng cũng cho thấy rằng, ít nhất có thể hồi phục được một phần.

Thực hiện một lối sống lành mạnh sẽ hỗ trợ cho việc phục hồi tốt hơn. Tránh sử dụng các thực phẩm ăn vặt, có chế độ dinh dưỡng cân bằng, thường xuyên luyện tập thể thao và ngủ đủ giấc giúp bạn có lượng hormone tối ưu.

Lan Uyển (t/h)

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi