Bệnh giãn phế quản là tình trạng giãn không hồi phục một phần của cây phế quản, có thể giãn ở phế quản lớn trong khi phế quản nhỏ vẫn bình thường hoặc giãn ở phế quản nhỏ trong khi phế quản lớn bình thường.

Nguyên nhân của bệnh giãn phế quản
Các tổn thương trên thành phế quản thường là nguyên nhân dẫn đến giãn phế quản. Một số bệnh nhiễm trùng phổi có thể gây ra các tổn thương này như: Viêm phổi nặng, ho gà hoặc sởi, lao, nhiễm nấm tại phổi.
Một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ nhiễm trùng phổi dẫn đến giãn phế quản như:
Bệnh xơ nang: bệnh này là nguyên nhân của khoảng 50% trường hợp mắc bệnh giãn phế quản.
Bệnh suy giảm miễn dịch như HIV/AIDS
Phản ứng dị ứng với một loại nấm tên là aspergillus
Các rối loạn liên quan đến vận động của nhung mao trong lòng phế quản
Hội chứng hít sặc, xảy ra khi bệnh nhân hít thức ăn, chất lỏng, nước bọt hoặc thức ăn trong dạ dày trào vào trong phổi. Hít sặc làm viêm đường thở, từ đó dẫn đến giãn phế quản.
Các bệnh ở mô liên kết như viêm khớp dạng thấp, bệnh Crohn...
Một số nguyên nhân khác, như tắc do các khối u lành tính, dị vật lọt vào phế quản cũng có thể dẫn đến giãn phế quản.
Những bất thường trong quá trình hình thành phổi ở bào thai sẽ gây ra giãn phế quản bẩm sinh ở trẻ em.
Triệu chứng của bệnh giãn phế quản
Các triệu chứng thường gặp của giãn phế quản là:
Ho ra đờm màu vàng hoặc xanh mỗi ngày;
Khó thở tăng dần trong các đợt kịch phát;
Cảm thấy yếu ớt hoặc mệt mỏi đặc biệt là trong các đợt kịch phát;
Sốt hoặc ớn lạnh, thường trong các đợt kịch phát;
Thở khò khè hoặc âm thanh huýt sáo khi thở;
Ho ra máu hoặc đờm lẫn máu;
Đau ngực;
Da xanh;
Sụt cân;
Mệt mỏi;
Dày da dưới móng tay và móng chân.
Phòng bệnh giãn phế quản
Không hút thuốc lá, thuốc lào, tránh môi trường có nhiều bụi khói.
Vệ sinh răng miệng, tai – mũi – họng.
Điều trị triệt để các ổ nhiễm khuẩn vùng tai mũi họng, răng miệng, các bệnh về đường hô hấp như viêm phế quản cấp, áp xe phổi.
Tiêm phòng cúm hàng năm để đề phòng những đợt bội nhiễm của giãn phế quản.
Điều trị sớm lao sơ nhiễm ở trẻ em.
Đề phòng và lấy sớm dị vật phế quản.
Rèn luyện thân thể thường xuyên để tăng sức đề kháng của cơ thể. Giữ ấm cổ ngực, đề phòng các đợt bội nhiễm khi đã bị giãn phế quản.
Nhật Minh (t/h)