Trang chủHoạt động ngànhGiáo dục sức khỏe

Phòng nguy cơ giảm thính lực do viêm tai giữa ở trẻ em

Viêm tai giữa là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ. Khi mắc viêm tai giữa, thính lực của trẻ có thể bị suy giảm và nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể điếc vĩnh viễn. Viêm tai giữa rất phổ biến ở trẻ em vì những nguyên nhân như: đoạn ống Eustachian là đoạn nối giữa tai giữa và phía sau của họng; đoạn ống này ở trẻ em nhỏ hơn và nằm ngang hơn so với người lớn. Do đó nó có nhiều nguy cơ bị tắc do hạch lớn ở vòm họng hay bị nhiễm trùng. Khoảng thời gian trước khi ống eustachian thay đổi kích thước và góc độ, trẻ em rất dễ bị viêm tai giữa.

Ảnh minh họa

1. Nguy cơ giảm thính lực do viêm tai giữa

Trong tai giữa có ba xương nhỏ mang rung động âm thanh từ màng nhĩ đến tai trong. Khi trong tai có chất nhày, những rung động truyền không hiệu quả và năng lượng âm thanh bị mất. Kết quả khi bị viêm tai giữa có thể bị mất thính giác nhẹ hoặc thậm chí ở mức vừa phải. Vì âm thanh lọt vào tai bị bóp nghẹt hoặc không nghe được. Nếu bị viêm tai giữa nhiều lần sẽ gây thiệt hại cho màng nhĩ, xương tai hoặc thậm chí ảnh hưởng đến các dây thần kinh thính giác gây ra mất thính giác.

Triệu chứng, tần suất, thời gian và mức độ nghiêm trọng của bệnh ở từng trường hợp có sự khác nhau. Một số trẻ bị mắc viêm tai trong một thời gian ngắn, không tích tụ chất nhày, cũng không đau hoặc sốt, nhưng lại có hiện tượng giảm nhẹ khả năng nghe. Cũng có trường hợp khác trẻ sẽ bị nhiễm trùng lặp đi lặp lại dẫn đến nhiều biến chứng và chất nhày có thể “dính như keo” và khiến trẻ mất thính lực vĩnh viễn. Hiện tượng dẫn đến điếc có thể xảy ra với tất cả các trường hợp viêm tai giữa.

2. Dấu hiệu nhận biết viêm tai giữa ở trẻ

Do trẻ còn quá nhỏ và chưa có thể thể hiện được suy nghĩ của bản thân, vì vậy để phát hiện sớm các dấu hiệu suy giảm thính lực ở trẻ, cha mẹ cần quan sát những biểu hiện sau: Thấy trẻ thường lơ đãng, không có chú ý đối với những điểm thu hút như tivi, máy hát... Nghe tiếng từ tivi, máy hát... lớn hơn bình thường. Hay nhầm phương hướng. Không có phản ứng đối với tiếng ồn bên cạnh, gọi không nghe thấy. Thường mệt mỏi, hờ hững. Dễ bị kích động. Hay đưa tay vào tai, có lúc cào, kéo xước lỗ tai.

3. Hướng điều trị và phòng tránh nguy cơ giảm thính lực do viêm tai giữa

- Khi trẻ bị viêm tai giữa, cần không để trẻ cho tay vào tai, không đưa tay gãi phần xung quanh tai. Thường xuyên vệ sinh tai cho trẻ bằng tăm bông, dung dịch phù hợp theo hướng dẫn của bác sĩ. Khi nhận thấy trẻ có những vấn đề về tai, cần đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra. Sử dụng đơn thuốc và phương pháp điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Không tự ý cho trẻ sử dụng các loại dung dịch nhỏ tai, thuốc kháng sinh mà chưa có hướng dẫn của bác sĩ. Thường xuyên cho trẻ tái khám theo định kỳ.

- Cha mẹ và người chăm sóc cần nhắc trẻ không cho bất cứ vật gì vào trong tai. Tiêm phòng đầy đủ để tránh các chứng bệnh nguy hiểm, có thể để lại di chứng khiến trẻ bị suy giảm thính lực. Không cho nghe âm thanh quá lớn, bật tivi quá to... sẽ tác động đến khả năng nghe của trẻ về sau.

CN. Vũ Văn Trình (t/h)

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi