Polyp đại tràng là tình trạng các tổ chức tăng sinh quá mức, hình thành những khối u bên trong lòng của đại tràng. Hầu hết các Polyp đại tràng là vô hại nhưng qua thời gian, một số polyp đại tràng có thể phát triển thành ung thư đại tràng.
Các triệu chứng của polyp đại tràng
Hầu hết các polyp đại tràng không có triệu chứng. Bác sĩ có thể phát hiện nó khi đang kiểm tra định kỳ hoặc cố gắng để chẩn đoán một bệnh khác. Tuy nhiên, khi các triệu chứng xuất hiện có thể bao gồm:
Chảy máu từ trực tràng: Máu có thể dính trên đồ lót hoặc giấy vệ sinh sau khi đi cầu. Đây có thể là một dấu hiệu của polyp đại tràng hoặc ung thư hoặc các bệnh khác, chẳng hạn như bệnh trĩ hay nứt hậu môn.
Thay đổi thói quen đại tiện: Táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài hơn một tuần có thể chỉ ra sự hiện diện của một polyp to ở đại tràng. Tuy nhiên, một số bệnh lý khác cũng có thể gây ra những thay đổi trong thói quen đi cầu.
Thay đổi màu phân: Máu có thể biểu hiện thành những vệt đỏ trong phân hoặc làm cho phân có màu đen. Một sự thay đổi về màu sắc cũng có thể gây ra bởi các loại thực phẩm, thuốc men.
Đau, buồn nôn hoặc nôn (hiếm): Một polyp đại tràng lớn có thể gây cản trở đường ruột của bạn, dẫn đến quặn đau bụng, buồn nôn và ói mửa (tắc ruột).
Thiếu máu: Chảy máu từ polyp có thể xảy ra từ từ theo thời gian mà không thể nhìn thấy máu trong phân của bạn. Chảy máu mạn tính gây thiếu sắt để sản xuất các chất cho phép hồng cầu mang oxy đến cơ thể của bạn (hemoglobin). Kết quả là thiếu máu do thiếu sắt, có thể làm cho bạn cảm thấy mệt mỏi và khó thở.
Nguyên nhân gây ra polyp đại tràng
Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do lối sống và sinh hoạt không hợp lý, độ tuổi hoặc di truyền từ đời trước.
Chế độ ăn uống không hợp lý: Sử dụng thức ăn không hợp vệ sinh, dung nạp thực phẩm nhiều dầu mỡ là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến polyp đại tràng.
Căng thẳng, áp lực: Tâm lý cũng là yếu tố ảnh hưởng tới quá trình hình thành và phát triển polyp đại tràng. Nếu bạn thường xuyên trong tình trạng căng thẳng, mệt mỏi sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường.
Tuổi tác: Bệnh thường rất ít gặp ở những người trước 40 tuổi, theo thống kê có khoảng 90% trường hợp mắc bệnh ở độ tuổi sau 50.
Do di truyền: Nếu trong gia đình bạn từng có người bị polyp đại tràng hoặc ung thư đại tràng thì bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người bình thường.
Phòng ngừa bệnh polyp đại tràng
Để phòng ngừa bệnh polyp đại tràng bạn cần lưu ý những điều sau:
Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường bổ sung rau củ quả và chất xơ, không nên ăn nhiều chất béo, mỡ động vật và các loại thịt đỏ.
Giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, sinh hoạt khoa học để giảm thiếu rối loạn chuyển hóa, rối loạn nội tiết – nguy cơ phát triển thành khối u đường ruột.
Hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá và sử dụng các chất kích thích.
Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao như: đi bộ, yoga, chạy… giúp lưu thông khí huyết, tăng cường sức khỏe, đồng thời nâng cao sức đề kháng cơ thể.
Nếu cơ thể thừa cân nên thực hiện chế độ giảm cân khoa học.
Thăm khám sức khỏe định kỳ và nội soi tiêu hóa để tầm soát bệnh, giúp phòng ngừa bệnh hiệu quả.
Duy Tiến (t/h)