Vào mùa mưa bão, một số dịch, bệnh dễ phát triển như sốt xuất huyết, tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, các bệnh về da… gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân. Để phòng chống các dịch bệnh dễ gặp mùa mưa bão, ngành Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm sau những ngày mưa bão.
Trong và sau mưa, bão, lũ lụt, có rất nhiều vi sinh vật từ bùn, đất, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước lan đi khắp nơi, gây ô nhiễm môi trường và tăng nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm. Rác thải và xác động vật chết ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt của người dân. Hơn nữa, mưa và ngập úng là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn sinh sôi và gây bệnh cho con người. Theo đó, người dân cần phải thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, sử dụng thực phẩm sạch, phối hợp với nhân viên y tế phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.
Để phòng tránh các dịch, bệnh sau mùa mưa bão, người dân cần thực hiện đầy đủ các khuyến cáo sau:
- Thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng.
- Thực hiện thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt.
- Bảo đảm vệ sinh môi trường: Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom, xử lý, chôn xác động vật. Sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất được Bộ Y tế khuyến cáo để xử lý khi chôn cất. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.
- Kịp thời phát hiện và dập tắt bệnh dịch truyền nhiễm như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm, đặc biệt cần đề phòng dịch tả, lỵ, thương hàn…
CN. Vũ Văn Trình (t/h)