Trang chủHoạt động ngànhGiáo dục sức khỏe

Những vấn đề thường gặp trong thời kỳ hậu sản và cách khắc phục


Ảnh minh họa

Hậu sản là khoảng thời gian kéo dài 6 tuần sau sinh, đây là khoảng thời gian mà cơ thể người mẹ sẽ dần trở về trạng thái bình thường như trước khi sinh. Đây cũng là một giai đoạn rất khó khăn vì người mẹ đang phải chịu nhiều thay đổi về thể chất, xã hội và tâm lý do sự thay đổi nội tiết tố của mình và đồng thời học cách chăm sóc trẻ sơ sinh. Dưới đây là một số vấn đề bà mẹ thường gặp phải trong thời kỳ hậu sản và cách khắc phục:

-         Sản dịch: sản dịch tiết nhiều trong 3-4 ngày đầu sau sinh sau đó sẽ sệt và ít dần, màu sắc thay đổi sang nâu nhạt, sau khoảng 10-12 ngày thì dịch này sẽ đổi thành màu trắng vàng, thường sản phụ sẽ thấy tiết sản dịch nhiều hơn khi cho con bú và sáng thức dậy. Nếu sản dịch ra nhiều (1 giờ mà ướt đẫm băng vệ sinh) thì nên đi khám lại ngay.

-         Đau vùng cơ quan sinh dục: khi sinh thường, em bé đi qua ống âm đạo có thể gây rách hoặc được bác sĩ cắt tầng sinh môn để sinh dễ dàng hơn. Vết may tầng sinh môn sẽ làm người mẹ đau ở những ngày đầu tiên, tùy vào vết cắt ít hay nhiều và mức độ chịu đau của mỗi người khác nhau thì biểu hiện đau cũng khác nhau. Có thể giảm đau bằng cách dùng thuốc giảm đau bác sĩ kê đơn hoặc chườm lạnh, giữ cho vết thương sạch sẽ và khô ráo.

-         Bí tiểu và táo bón sau sinh: tình trạng này cũng gặp nhiều sau sinh, người mẹ cần ăn nhiều thức phẩm là chất xơ để tăng kích thích hoạt động của nhu động ruột và uống nhiều nước. Nếu tình trạng bí tiểu và táo bón nặng làm đau hoặc ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người mẹ thì nên tái khám.

-         Căng sữa: Hầu hết người mẹ cảm thấy ngực đầy đặn, căng tức sau khi sinh. Tránh căng sữa bằng cách cho bú thường xuyên cả hai bên vú. Dùng khăn ấm hoặc tắm bằng nước ấm. Có thể chườm khăn lạnh giữa các cữ bú để giảm đau. Đối với phụ nữ không cho con bú nên chườm lạnh, sử dụng dụng cụ hỗ trợ cố định bầu ngực, uống thuốc giảm đau khi cần thiết, có thể hút sữa bằng máy hoặc vắt bằng tay.

-         Dinh dưỡng và tập thể dục: phụ nữ tăng cân nhiều khi mang thai sẽ có xu hướng giảm cân khó khăn hơn, đồng thời tăng nguy cơ béo phì, đái tháo đường type 2 trong tương lai. Không nên giảm cân bằng cách nhịn ăn, nên tiếp tục thói quen ăn uống bình thường. Tất cả phụ nữ cho con bú cần uống nhiều nước hơn, bổ sung thêm 500Kcal mỗi ngày so với lúc mang thai. Tránh hoạt động nặng trong 2-3 tuần đầu sau sinh, bắt đầu tập thể dục lại với các bài tập từ nhẹ nhàng như đi bộ, yoga nhẹ nhàng và dần dần trở lại tập bình thường.

-         Quan hệ tình dục: ham muốn tình dục có thể giảm sau sinh vì lượng hocmon Estrogen giảm, điều này có thể kéo dài 1 năm sau sinh đặc biệt là ở phụ nữ cho con bú. Quan hệ vợ chồng nên đợi cho vùng tầng sinh môn lành hẳn, thường từ 4-6 tuần sau sinh.

-         Tránh thai: người mẹ cần sử dụng biện pháp tránh thai khi bắt đầu quan hệ tình dục lại. Tùy thuộc vào nhu cầu tránh thai lâu dài hay ngắn hạn, việc nuôi con bằng sữa mẹ, có bệnh lý gì kèm theo hay không,…thì sẽ có những phương pháp tránh thai phù hợp khác nhau. Điều này thường sẽ được bác sĩ phụ sản đề cập và hướng dẫn vào lần tái khám đầu tiên sau sinh của sản phụ.

Những bất thường sau sinh cần thăm khám ngay:

-         Ra máu âm đạo lượng nhiều, đỏ tươi.

-         Sản dịch hôi.

-         Sốt.

-         Đau bụng nhiều.

Những phụ nữ có bệnh lý mạn tính kèm theo như: tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý tuyến giáp, rối loạn tâm thần, bệnh lý thận… sẽ có cách theo dõi và thời gian tái khám hậu sản riêng.

Lan Uyển (t/h)

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi