Cùng với nhu cầu về năng lượng thì nhu cầu về vitamin và khoáng chất cũng tăng lên ở bà mẹ mang thai, giúp cho sự phát triển bình thường của cả mẹ và con. Tuy nhiên, việc bổ sung như thế nào cho đúng là điều các bà bầu quan tâm.
Ảnh minh họa
1. Chỉ sử dụng thuốc bổ khi cần thiết:
Nên ăn uống đúng và đủ chất vì trong thực phẩm có sẵn nhiều vitamin hỗ trợ và bù trừ lẫn nhau một cách tự nhiên. Do đó, chỉ nên sử dụng thuốc bổ khi cần thiết.
2. Không sử dụng quá lâu một loại vitamin:
Trong quá trình mang thai, tất cả các loại vitamin đều quan trọng đối với mẹ bầu. Do đó, phụ nữ mang thai không nên dùng quá lâu 1 loại vitamin, vì nếu dùng lâu ở liều bình thường cũng có thể gây thiếu các vitamin khác.
3. Lưu ý khi sử dụng Vitamin C:
Vitamin C khi dùng thường xuyên, đặc biệt ở liều cao (trên 1 gram/ngày) có thể gây kích thích dạ dày, đầy hơi, tiêu chảy, loét đường tiêu hóa, sỏi thận.
4. Lưu ý khi sử dụng Vitamin A:
Đối với phụ nữ mang thai, Vitamin A không sử dụng quá 10.000 UI/ngày.
5. Đồ ăn thức, uống không nên dùng chung:
- Thuốc chứa sắt với trà, cà phê, trứng, sữa: làm giảm hấp thu sắt.
- Thuốc chứa canxi với nhiều loại rau có oxalat (cải bó xôi): làm giảm hấp thu canxi.
6. Thuốc cần tránh kết hợp với nhau:
- Canxi + Sắt:làm giảm hấp thu sắt. Sắt là dưỡng chất rất khó hấp thu và canxi làm giảm tiến trình này. Do đó, các mẹ bầu không nên uống chung thuốc sắt và canxi.
- Thuốc chứa sắt + Thuốc chống loét dạ dày:giảm hấp thu sắt.
- Thuốc chứa sắt + Doxycylin, Quinolon: giảm hấp thu do tạo phức.
- Magie-Vitamin B6 + Muối phosphat, Canxi:ức chế hấp thu magnesi tại ruột non.
- Những thuốc nêu trên khi kết hợp với nhau cần uống cách nhau ít nhất 2 giờ.
7. Thời điểm uống thuốc:
- Các thuốc nên uống vào bữa ăn: viên đa sinh tố kết hợp với khoáng chất.
- Các thuốc nên uống cách xa bữa ăn (1 giờ trước hoặc 2 giờ sau bữa ăn): thuốc chứa sắt, magie vitamin B6.
CN. Vũ Văn Trình (t/h)