Trang chủHoạt động ngànhGiáo dục sức khỏe

Những điều nên làm khi trẻ bị bệnh trĩ
Ảnh minh họa

Những dấu hiệu của bệnh trĩ sẽ ngày càng trầm trọng nếu chúng ta không tiến hành các biện pháp can thiệp sớm. Chính vì vậy, khi nghi ngờ trẻ mắc bệnh, bạn hãy thực hiện ngay một vài điều như sau:

- Tác nhân gây ra bệnh chủ yếu ở trẻ là do táo bón và chế độ ăn uống sinh hoạt. Khi trẻ bị táo bón phân sẽ cứng và rất khó để đẩy phân ra bên ngoài, nếu cố gắng thường phải rặn gây áp lực rất lớn đến các tĩnh mạch nhỏ li ti ở vùng hậu môn khiến cho nó bị sưng lên hoặc giãn ra, lâu dần gây nên bệnh trĩ. Khi trẻ bị bệnh trĩ cha mẹ nên tập cho trẻ thói quen đại tiện đúng giờ, không nên ngồi trong bô quá lâu. Khi trẻ táo bón, bạn có thể xoa bụng cho trẻ để giúp nhuận tràng, bằng cách cho trẻ nằm ngửa trên giường rồi dùng phần gốc bàn tay phải áp sát vào phần cơ bụng trẻ, từ bụng trên bên phải xoa sang bụng trên bên trái rồi xuống đến bụng dưới bên phải, cứ xoa, xoay, day, đẩy như vậy rồi lại tiến hành theo chiều tuần tự ngược lại.

- Đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được tiến hành các biện pháp kiểm tra và chẩn đoán bệnh. Tùy theo tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ đề ra những phương án điều trị bệnh phù hợp. Việc sử dụng thuốc cần tuyệt đối tuân thủ theo những gì mà bác sĩ đã đề ra. Trong trường hợp có những phản ứng bất thường thì nên liên hệ với bác sĩ để có phương án can thiệp kịp thời. Nếu trẻ bị nặng thì có thể phải tiến hành biện pháp phẫu thuật, các bác sĩ sẽ tư vấn để cha mẹ chọn được cách điều trị phù hợp nhất.

- Cho trẻ uống nhiều nước hơn để tăng cường trao đổi chất, làm mềm phân và hạn chế tình trạng táo bón. Thỉnh thoảng có thể thay thế nước lọc bằng nước trái cây vừa có tác dụng tương tự vừa có khả năng cung cấp dưỡng chất cho cơ thể.

- Xây dựng một chế độ ăn uống hợp lý, cha mẹ nên cho trẻ ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi để bổ sung chất xơ, vitamin cùng khoáng chất để tăng sức đề kháng, giúp cho việc điều trị bệnh đạt hiệu quả cao hơn.

- Vệ sinh hậu môn sạch sẽ để tránh tình trạng viêm nhiễm làm cho bệnh trĩ ngày càng trầm trọng hơn. Ngoài sử dụng nước ấm để vệ sinh cho bé hàng ngày, mẹ nên dùng lá sung, lá thiên lý,… xông rửa vùng hậu môn để diệt khuẩn tốt hơn.

- Khuyến khích trẻ vận động với các môn thể thao nhẹ nhàng, tránh tình trạng ù lì, thụ động, ngồi nhiều đứng lâu có thể làm gia tăng áp lực hậu môn. Bên cạnh đó, việc vận động giúp gia tăng nhu động ruột, tăng cường sức đề kháng…, hỗ trợ tối đa việc điều trị bệnh./.

Hương Giang (t/h)

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi