Trang chủHoạt động ngànhGiáo dục sức khỏe

Những điều cần biết về bệnh sa trực tràng

Sa trực tràng là tình trạng một phần hay toàn bộ thành trực tràng lộn lại và chui ra ngoài qua lỗ hậu môn. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ 1-3 tuổi (sa niêm mạc) và người trên 50 tuổi (sa niêm mạc và sa toàn bộ), tuy không có biến chứng nguy hiểm nhưng gây nhiều phiền toái ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày và công việc.

Nguyên nhân gây bệnh sa trực tràng

Nguyên nhân giải phẫu

– Trực tràng không dính vào thành bụng sau nên có thể di động dễ dàng, trượt xuống dưới và sa ra ngoài.

– Túi cùng Douglas thấp. Khi áp lực ổ bụng tăng cao, sẽ đè vào thành trước trực tràng và dần dần đẩy trực tràng sa ra ngoài hậu môn. Túi cùng Douglas thấp là nguyên nhân của sa trực tràng phía trước.

– Đáy chậu khiếm khuyết. Cân đáy chậu phát triển không tốt, hoành đáy chậu rộng, cơ nâng hậu môn và các cơ thắt hậu môn bị nhão làm cho thành trước trực tràng sa ra ngoài.

– Thiếu độ cong xương cùng. Về cấu tạo giải phẫu, xương cùng có độ cong, trực tràng nằm tựa vào độ cong này. Khi xương cùng không có độ cong, trực tràng mất chỗ tựa.

– Độ gấp góc bóng trực tràng – ống hậu môn không đủ.

– Van trực tràng kém phát triển. Các van Houston trên, giữa, dưới phát triển không tốt, giảm độ cản, trực tràng dễ sa xuống và tụt ra ngoài.

Nguyên nhân sinh hoạt

– Suy dinh dưỡng và thiếu vitamin B: Những bệnh nhi sa trực tràng do nguyên nhân này, nếu được nuôi dưỡng tốt, bệnh có thể khỏi, không cần phải can thiệp phẫu thuật.

– Thiếu cân nặng do ăn uống không đầy đủ (Boulin).

– Táo bón kinh niên: Những người bị táo bón, khi đại tiện phải rặn. Khi rặn áp lực ổ bụng tăng nên rất nhiều. hơn 50% bệnh nhân sa trực tràng có chứng táo bón kinh niên (Malafosse).

– Tiêu chảy: Khi bị tiêu chảy, mỗi ngày phải đại tiên nhiều lần và mỗi lần đại tiện phải rặn nhiều. Sa trực tràng có thể khởi phát sau đợt tiêu chảy hoặc lỵ.

– Ngồi bô: Ở các nhà trẻ, các cháu trẻ ngồi bô hàng loạt, đại tiện không đúng lúc có nhu cầu, sa trực tràng dễ xuất hiện.

Nguyên nhân chấn thương

– Sau các phẫu thuật sản phụ khoa. 25% số bệnh nhân sa trực tràng có tiền sử mổ các bệnh sản phụ khoa (Malafosse).

– Tiền sử chấn thương vùng đáy chậu cũng được nhắc tới, nhưng số bệnh nhân thuộc loại này không nhiều.

Triệu chứng của bệnh sa trực tràng

- Cảm giác ở hậu môn bị sà xuống.

- Khối sa ở hậu môn: dài và tròn đồng tâm khi đi cầu hay ngồi xổm. Ban đầu khối sa còn nhỏ và ngắn chỉ thấy đi ngoài lúc xong biến mất vào trong. Theo thời gian khối sa càng to, đại tiện xong vẫn còn thấy phải lấy tay ấn nhẹ vào trong. Nặng nhất là khi ngồi xổm khối sa lại xuất hiện gây nhiều bất tiện cho người bệnh.

- Đi ngoài ra máu: thường máu tươi bám lên phân hoặc giấy vệ sinh.

- Đi ngoài không thể kiểm soát, có thể có dịch tiết dịch nhầy.

Biến chứng của sa trực tràng

- Chảy máu do loét niêm mạc.

- Gây viêm loét trực tràng.

- Thắt ngẹt.

- Tình trạng tắc ruột.

- Vỡ trực tràng.

- Sa sinh dục nữ.

- Thoái vị đáy chậu.

Phòng ngừa sa trực tràng

Một số biện pháp giúp phòng ngừa bằng cách hạn chế các nguy cơ gây ra bệnh:

- Tránh táo bón và tiêu chảy thời gian dài.

- Bổ sung chất xơ: tăng cường thêm rau xanh, trái cây.

- Hạn chế thức ăn cay, nóng, nhiều dầu mỡ, khó tiêu.

- Uống đầy đủ nước: khoảng 2-3 lít nước lọc mỗi ngày.

- Điều trị sớm tiêu chảy.

- Ngồi đúng tư thế khi đi vệ sinh, không nên rặn quá lâu và quá nhiều hạn chế được bệnh sa trực tràng.

Nhật Minh (t/h)

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi