Trang chủHoạt động ngànhGiáo dục sức khỏe

Những điều cần biết về bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu (diphtheria) là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.

Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu – tên khoa học là Corynebacterium diphtheria gây ra.

Ảnh minh họa

Các con đường lây bệnh là gì?

Đường lây của bệnh qua đường hô hấp, từ cuối thời kỳ nung bệnh do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết đường hô hấp hoặc qua các dịch tiết nhỏ bắn ra không khí hay tiếp xúc với da người mắc bệnh; bệnh có thể lây gián tiếp qua đồ dùng, quần áo, thức ăn…có dính dịch tiết hô hấp của người bệnh.

Bạch hầu đường hô hấp có những triệu chứng nào?

            Thời kỳ ủ bệnh: khoảng 2-5 ngày, không có biểu hiện gì, có tiền sử tiếp xúc người bệnh và trong vụ dịch.

            Thời kỳ khởi phát bệnh: thường tiến triển từ từ, bệnh nhân sốt nhẹ, có các biểu hiện viêm hô hấp cấp như đau họng, chảy nước mũi, khó chịu, da xanh.

            Thời kỳ toàn phát:

+ Sốt nhẹ hoặc không sốt, ho và đau họng, khó nuốt, đau đầu, khàn giọng.

+ Vẻ mặt nhiễm trùng nhiễm độc nặng, miệng hôi, mệt mỏi nhiều.

+ Chảy nước mũi mủ máu, viêm loét niêm mạc mũi.

+ Hạch cổ, hạch góc hàm to, cổ bạnh to tạo hình ảnh “cổ trâu”.

+ Họng đỏ, màng giả trắng xám, ánh vàng, nhẵn bóng, dính chặt vào amidan, họng, lan rất nhanh, bóc khó, gây chảy máu và làm giả mạc lan nhanh hơn, giả mạc này không tan khi cho vào nước. Màng giả khởi đầu thường có ở amidan, sau lan nhanh ra hầu họng, vòm họng, lưỡi gà, xuống thanh môn gây khó thở thanh quản.

          Bạch hầu hô hấp có các thể bệnh: Bạch hầu họng, bạch hầu thanh quản, bạch hầu mũi, bạch hầu ác tính.

Ngoài đường hô hấp, bệnh bạch hầu có thể gặp ở những cơ quan nào?

            Có thể thấy bệnh trên da, kết mạc, niêm mạc sinh dục – tiết niệu, hậu môn, ống tai.

Các biến chứng của bệnh là gì?

Bệnh bạch hầu có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như tắc nghẽn đường hô hấp, viêm cơ tim, viêm dây thần kinh ngoại biên,viêm thận, viêm phổi, xuất huyết giảm tiểu cầu…

Khi bệnh trở nặng, bên trong cổ họng và amidan người bệnh xuất hiện các lớp màng dày màu trắng xám, mọc thành từng mảng lớn, khiến bệnh nhân bị tắc nghẽn đường hô hấp và ho khan.

Khi mắc bệnh, nếu bệnh nhi không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh, tử vong do đột ngột trụy tim mạch. Một số bệnh nhân bị viêm cơ tim và van tim, gây ra bệnh tim mãn tính và suy tim. Ngoài ra, bệnh cũng có thể dẫn đến thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận.

Trường hợp bệnh nặng không có biểu hiện sốt cao nhưng có dấu hiệu sưng to cổ, khàn tiếng, khó thở, rối loạn nhịp tim, dẫn đến tê liệt hoàn toàn. Bệnh hoàn toàn có thể diễn tiến trầm trọng khiến người bệnh tử vong trong vòng 6-10 ngày.

Bệnh bạch hầu được điều trị như thế nào?

            Đây là một bệnh cấp cứu nên cần nhập viện ngay để điều trị và cách ly càng sớm càng tốt. Việc điều trị cần đảm bảo các nguyên tắc như: cách ly trong 10-14 ngày, nghỉ ngơi tuyệt đối tại giường; kháng sinh diệt khuẩn; thuốc trung hòa độc tố càng sớm càng tốt; phát hiện sớm các biến chứng, xử lý kịp thời; chống tái phát và bội nhiễm; dinh dưỡng đầy đủ, nếu khó nuốt phải ăn bằng sonde dạ dày

Cần làm gì để phòng bệnh bạch hầu (nhất là khi có dịch)?

  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

  • Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

  • Người có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

  • Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Bạch hầu là bệnh nguy hiểm nhưng có thể đề phòng dễ dàng bằng cách tiêm chủng phòng bệnh. Trì hoãn việc tiêm phòng vì bất cứ lý do gì sẽ khiến cho trẻ tăng nguy cơ mắc bệnh.

  • Tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Tiêm phòng lúc trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi, 3 lần cách nhau 30 ngày. Tiêm nhắc lại lúc trẻ 18-24 tháng tuổi, 4-6 tuổi và sau mỗi 10 năm./.

Gia Khánh (t/h)

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi