Nhiễm trùng vú là tình trạng viêm nhiễm tại các mô tế bào tuyến vú, thường xảy ra ở thời kỳ cho con bú. Nhiễm trùng vú nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nặng nề hơn.
Ảnh minh họa
1. Nguyên nhân gây nhiễm trùng vú
- Tác nhân gây nhiễm trùng vú phổ biến nhất là vi khuẩn, thường có nguồn gốc từ khoang miệng của trẻ, xâm nhập vào các ống tuyến vú thông qua các tổn thương tại núm vú.
- Nhiễm trùng vú rất hay xảy ra vào khoảng 1 đến 3 tháng sau sinh nhưng bệnh cũng có thể xuất hiện ở những phụ nữ không có tiền sử sinh nở gần đây và cả những phụ nữ đã mãn kinh. Những nguyên nhân khác của nhiễm trùng vú bao gồm viêm tuyến vú mạn tính và ung thư biểu mô tuyến vú dạng viêm.
- Người mắc bệnh đái tháo đường, HIV/AIDS hoặc những bệnh lý nội khoa mãn tính khác gây suy giảm miễn dịch có nguy cơ mắc nhiễm trùng vú cao hơn.
2. Dấu hiệu nhận biết nhiễm trùng vú
- Đau, sung huyết, phù nề tuyến vú
- Sốt, rét run
- Mệt mỏi, đau nhức toàn thân
- Xuất hiện các khối áp xe tại vú
- Khối sưng nề ở tuyến vú không thu nhỏ kích thước sau giai đoạn cho con bú.
- Vú chảy mủ từ đầu núm vú…
3. Hướng điều trị nhiễm trùng vú
- Người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế nếu phát hiện các triệu chứng nghi ngờ nhiễm trùng vú dù có đang cho con bú hay không.
- Bên cạnh việc tuân thủ điều trị của bác sĩ, bệnh nhân có thể áp dụng các biện pháp sau để thúc đẩy quá trình hồi phục của các mô vú viêm, bao gồm:
+ Cho bú thường xuyên: Không ngưng cho bú khi nhiễm trùng vú xảy ra, thậm chí cho con bú khiến người bệnh thấy đau nhiều hơn hoặc đang sử dụng kháng sinh. Việc làm trống tuyến vú ngăn ngừa tắc nghẽn ống tuyến và giúp quá trình viêm nhiễm được cải thiện tốt hơn. Nếu cần, sử dụng máy hút sữa để làm giảm áp lực và hỗ trợ cho quá trình làm hai tuyến vú. Việc cho con bú nên được trì hoãn nếu xuất hiện áp xe vú.
+ Chườm ấm vú trước và sau khi cho bú có tác dụng giúp giảm đau. Nếu chườm nóng không hiệu quả có thể thay thế bằng việc sử dụng túi đá lan sau khi cho bú. Không chườm lạnh trước khi bú vì nó khiến các ống dẫn sữa co nhỏ, giảm tiết sữa.
+ Uống nhiều nước, ít nhất 10 ly nước mỗi ngày. Duy trì chế độ ăn cân đối, bổ sung thêm 500 calo mỗi ngày trong suốt thời kỳ cho con bú. Thiếu nước và chế độ ăn nghèo nàn làm giảm nguồn sữa, khiến cơ thể người mẹ trở nên mệt mỏi hơn.
CN. Vũ Văn Trình (t/h)