Trang chủHoạt động ngànhGiáo dục sức khỏe

Nguyên nhân gây đau cơ hàm

1. Đau cơ hàm là gì?

Ảnh minh họa

Tình trạng đau cơ hàm đề cập đến vấn đề suy yếu của các cơ ở bộ phận này, gây ảnh hưởng đến khả năng ăn uống cũng như nói chuyện của bạn. Thực tế, đau cơ hàm có thể phát sinh bởi nhiều yếu tố khác nhau, từ răng, hàm, xoang, dây thần kinh cho đến cả đầu. Do đó, điều này sẽ gây khó khăn cho việc nhận biết cơn đau xảy ra ở hàm đang biểu hiện cho vấn đề gì. 

2. Nguyên nhân gây đau cơ hàm

Hầu hết trường hợp, đau cơ hàm xuất hiện do khớp hàm gặp chấn thương hoặc đang có vấn đề phát sinh tại bộ phận này. Tuy nhiên, đôi khi nguyên nhân đau cơ hàm có thể do:

Rối loạn khớp thái dương hàm

Nguyên nhân đau cơ hàm phổ biến nhất chính là rối loạn khớp thái dương hàm. Vấn đề này đã và đang ảnh hưởng đến rất nhiều người trên toàn thế giới. 

Bạn có thể rơi vào tình huống rối loạn khớp thái dương hàm bởi một số nguyên nhân phát sinh cùng một lúc, chẳng hạn như:

  • Cơn đau đến từ các cơ kiểm soát hoạt động của hàm
  • Chấn thương khớp hàm
  • Khớp hàm bị kích ứng
  • Thoái hóa đĩa đệm hỗ trợ chuyển động của hàm
  • Viêm khớp đĩa đệm bảo vệ khớp hàm

Bên cạnh đó, khớp hàm và các cơ chịu trách nhiệm điều khiển chuyển động của hàm có nguy cơ chịu thương tổn bởi những thói quen xấu như:

  • Nghiến răng vào ban đêm
  • Siết chặt hàm mỗi khi căng thẳng hay lo lắng
  • Thường xuyên bị chấn thương khớp hàm bởi nhiều nguyên do, ví dụ như chơi thể thao, hay bị té, va đập…

Đau đầu

Tình trạng đau đầu từng cơn có thể xuất hiện ngay phía sau hoặc xung quanh một bên mắt. Đôi khi cơn đau có thể lan đến cơ hàm. Trong số các loại đau đầu, đau đầu từng cơn là loại có cường độ đau dữ dội nhất, nó có thể kéo dài từ 15 phút cho đến 3 giờ.  

Các vấn đề về xoang

Xoang là những hốc xương rỗng thuộc nhóm xương sọ. Một số chúng nằm ở vị trí gần khớp hàm. Do đó, hệ quả của tình trạng nhiễm trùng xoang có thể lan sang khớp hàm, gây đau đớn ở khu vực này. 

Các vấn đề về răng miệng

Một số vấn đề sức khỏe răng miệng có khả năng tác động trực tiếp đến cơn đau cơ hàm, ví dụ như sâu răng hay thậm chí là áp xe răng. 

Đau dây thần kinh sinh ba

Dây thần kinh sinh ba (tam thoa) ở thái dương là dây thần kinh chính trên mặt. Khi bị đè nén, nó sẽ gây đau cho toàn bộ khuôn mặt của bạn, bao gồm cả các bộ phận như cơ hàm trên hoặc hàm dưới. 

Đau tim

Bên cạnh ngực, cơn đau tim còn có thể lây sang những khu vực khác như:

  • Cánh tay
  • Lưng
  • Cổ
  • Hàm

Trong đó, phụ nữ là đối tượng dễ bị đau cơ hàm bên trái nếu họ vừa trải qua cơn đau tim. Bạn sẽ cần đến bệnh viện để cấp cứu ngay lập tức nếu các dấu hiệu dưới đây xuất hiện, bao gồm: 

  • Tức ngực
  • Khó thở
  • Đổ nhiều mồ hôi
  • Buồn nôn
  • Ngất xỉu

3. Xử trí khi bị đau cơ hàm

– Chườm nóng hoặc lạnh

Trước hết, đặt vài viên đá nhỏ vào túi nhựa, bọc thêm một lớp khăn bên ngoài rồi áp lên bên hàm bị đau trong 10 phút. Sau đó, để cơ mặt thả lỏng trong 10 phút tiếp theo rồi mới bắt đầu tiếp tục chườm để tránh bị bỏng lạnh. 

Mặt khác, thay vì áp dụng nhiệt độ thấp, bạn có thể nhúng khăn vào thau nước ấm, vắt khô rồi áp lên vùng hàm bị đau. Nhiệt độ kết hợp với độ ẩm cao có thể giúp cơ hàm thư giãn, từ đó giảm đau. Bạn sẽ cần lặp lại thao tác trên nhiều lần để duy trì nhiệt độ cần thiết. 

– Sử dụng thuốc làm giảm đau cơ không kê đơn

Các loại thuốc giảm đau thuộc nhóm NSAIDs (thuốc kháng viêm không chứa steroid) như ibuprofen hay paracetamol có thể giúp bạn tạm thời thoát khỏi tình cảnh khó chịu này. 

– Massage cơ hàm bị ảnh hưởng

Sử dụng ngón trỏ và ngón giữa để nhấn vào các khu vực đau của hàm và xoa bóp theo chuyển động tròn khoảng 5 – 10 vòng rồi thử cử động miệng. Bạn nên lặp lại các thao tác trên cho đến khi cơn đau dịu bớt.

Mặt khác, massage các cơ ở bên cổ cũng có thể hỗ trợ giảm bớt phần nào căng thẳng ở cơ hàm. 

Thay đổi lối sống theo hướng lành mạnh hơn chính là chiến lược chủ yếu, bao gồm tập yoga, viết nhật ký hoặc thiền. Đây là những phương pháp làm giảm đau cơ hàm nếu nguyên nhân phát sinh là căng thẳng. 

Đồng thời, bạn cũng cần chú ý về mặt dinh dưỡng. Những thực phẩm dai, giòn cần nhai nhiều sẽ tạo thêm áp lực cho khớp hàm, khiến cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, lúc này, bạn nên hạn chế ăn táo, kẹo cao su, thịt bò khô,…

Gia Hân (t/h)

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi