Trang chủHoạt động ngànhGiáo dục sức khỏe

Người bị viêm đại tràng cần ăn uống như thế nào?

Viêm đại tràng là một bệnh đường tiêu hoá thường gặp. Bệnh khởi phát từ một đợt viêm đường tiêu hoá cấp tính do nhiễm khuẩn từ các vi khuẩn hay các ký sinh vật qua ăn uống, nhưng không được điều trị triệt để dẫn tới hiện tượng nhờn thuốc, kháng thuốc. Sau nhiều lần tái phát, bệnh chuyển sang viêm đại tràng mạn tính. Ngoài ra, viêm đại tràng còn có thể do yếu tố tâm lý thần kinh như xúc động tâm lý, lo lắng, stress… làm ảnh hưởng tới sự điều tiết của hệ thống thần kinh thực vật, gây tăng tiết các chất làm loét ruột. Ngoài việc điều trị thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ, thì một chế độ ăn hợp lý, đầy đủ dinh dưỡng, sẽ giúp cơ thể người bệnh khỏe mạnh và kiểm soát bệnh một cách hiệu quả.

    Các thực phẩm nên ăn

    Người bị bệnh viêm đại tràng nên ăn các loại thực phẩm như gạo, khoai tây, thịt nạc, bánh mỳ, ngũ cốc…, các loại rau xanh họ cải và rau nhiều lá gồm: bắp cải, củ cải, rau ngót, rau muống, rau cải… và nên chọn phần lá non luộc mềm là tốt nhất.  Ăn các loại quả chín: hồng xiêm, chuối tây, xoài ngọt. Đồng thời, nên bổ sung các loại cá giàu omega 3 như: cá hồi, cá thu, cá trích, cá mòi… và sữa đậu nành, sữa không có lactose, sữa chua. Tất cả những loại thực phẩm này đều chứa dưỡng chất rất tốt cho cơ thể người bị viêm đại tràng.

Khi gặp các triệu chứng của viêm đại tràng, người bệnh cũng cần có những lưu ý như: khi bị táo bón thì nên giảm lượng chất béo, thay vào đó là chất xơ và nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, cứ khoảng hai tiếng thì ăn một lần. Nếu bị tiêu chảy, nên tránh ăn chất xơ dạng không tan như cellulose để thành ruột khỏi bị cọ xát và tuyệt đối không ăn rau sống, trái cây khô hay trái cây đóng hộp.

     Khi chế biến thức ăn cũng nên làm nhiều món hấp hay luộc, tránh ăn quá nhiều các món xào hay chiên rán.

   Các thực phẩm không nên ăn

  Tránh ăn các thực phẩm: trứng, sữa có chứa đường lactoza, nem rán, thịt mỡ, đậu đen, hành sống, dưa cà muối; thực phẩm có nhiều lactose như sữa bò; thực phẩm nhiều đường như mật ong, quả ngọt, nhiều sorbitol (có trong một số bánh kẹo ngọt), vì các loại thực phẩm này gây đầy hơi, chướng bụng và tiêu chảy.

Tránh dùng những thức ăn cứng như: Rau sống, ngô hạt, măng… ảnh hưởng xấu đến vết loét; hạn chế xào, rán và các món sốt.

Không nên ăn thức ăn chế biến sẵn.

Không uống rượu bia, cà phê, nước ngọt có ga và không hút thuốc lá./.

Lệ Giang (TH)

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi