Trang chủHoạt động ngànhGiáo dục sức khỏe

Nghiện game, mạng xã hội làm tăng các rối loạn sức khỏe tâm thần

Những năm gần đây internet phát triển mạnh, các rối loạn tâm thần liên quan đến internet cũng ngày càng nhiều, nghiện internet nói chung trong đó bao gồm nghiện game online,  nghiện facebook, nghiện truyện, phim online, nghiện phim sex…  những người nghiện internet phải đối mặt với những rắc rối ngày càng lớn trong cuộc sống hàng ngày ở nhà, tại nơi làm việc, nơi học tập và  ngoài xã hội. Lạm dụng internet có thể làm tăng đáng kể nguy cơ mắc các rối loạn sức khỏe tâm thần với 2 nhóm triệu chứng: nhóm triệu chứng giống nghiện ma túy và nhóm triệu chứng trầm cảm.

Ảnh minh họa

1. Các dấu hiệu của nghiện game và mạng xã hội

Một người nghiện internet là khi người đó sống trong thế giới ảo của internet liên tục 4h trở lên mỗi ngày (ngoài công việc) và kéo dài hơn một tháng được đánh giá là nghiện. Các triệu chứng của nghiện internet cũng tương tự những triệu chứng của nghiện ma túy: thèm chơi game, mạng  xã  hội; dùng internet liên tục không nghỉ và không kiểm soát  được; bỏ bê công việc. Nghiện game và mạng xã hội có những triệu chứng cụ thể sau:

- Chơi game và vào mạng xã hội ngày càng nhiều về thời gian.

- Luôn nghĩ về game hoặc mạng  xã hội trong khi làm các việc khác.

- Người chơi game và mạng xã hội thoát ly với các vấn đề của cuộc sống thực tại, họ bị lo âu hoặc trầm cảm.

- Nói dối gia đình và bạn bè để che dấu việc chơi game hoặc vào mạng xã hội.

2. Hướng xử lý nghiện game và mạng xã hội

- Ngừng hoàn toàn việc chơi game và vào mạng xã hội (bỏ internet): Đây là sự hy sinh rất lớn của các thành viên khác trong gia đình bệnh nhân nghiện. Bệnh nhân bị buộc phải từ bỏ internet hoàn toàn, nghĩa là không được chơi dù chỉ 1 phút. Nhiều người đã lầm tưởng rằng chỉ cần giới hạn thời gian chơi mỗi ngày dưới 1 giờ là đủ. Điều này là sai lầm vì bệnh nhân nghiện game đã mất khả năng kiểm soát việc chơi game. Khi được chơi game 1 giờ mỗi ngày, họ lại muốn chơi game lâu hơn. Khi bị cấm ở nhà, họ sẽ tìm cách chơi ở nơi khác (ở cơ quan, ở quán internet). Với người nghiện là những người làm việc tại những nơi có tiếp xúc với máy vi tính có kết nối internet, họ sẽ phải chuyển sang làm những việc khác, thậm trí phải bỏ nghề để đảm bảo nguyên tắc không tiếp cận với máy tính có kết nối internet. Đây là quyết định khó khăn bởi với nhiều người họ phải từ bỏ một công việc tốt. Nhưng thực tế, trong thời gian nghiện, người nghiện cũng không thể làm được gì với công việc của mình.

- Tăng cường các hoạt động thể lực và hoạt động văn hóa: Người nghiện sẽ bị bắt buộc thực hiện các hoạt động thể thao như đi bộ, đạp xe, chơi cầu lông, đá bóng và bơi lội. Họ có thể tham gia các chuyến tham quan, các hoạt động ngoại khóa (cắm trại) của trường và cơ quan để tăng cơ hội giao tiếp với xung quanh, quên đi cảm giác thèm chơi game và tăng khả năng hòa nhập với cuộc sống thực tại. Người nghiện nên tham gia các hoạt động văn hóa như ca nhạc, ngâm thơ, đọc sách báo giấy để tìm hiểu về các vấn đề của cuộc sống. Sẽ là rất tốt nếu người nghiện game tìm hiểu các thông tin về bệnh của mình.

- Liệu pháp tâm lý: Người nghiện có thể tham gia vào liệu pháp tâm lý nhận thức hành vi. Họ cũng có thể tham gia các nhóm trao đổi thông tin về cách thức vượt qua cảm giác thèm chơi game với những người khác.

- Cắt cơn cai nghiện game online và mạng xã hội bằng thuốc an thần và chống trầm cảm. Điều trị củng cố chống tái phát.

CN. Vũ Văn Trình (t/h)

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi