Người bị suy thận nên lưu ý gì trong chế độ ăn? Bài viết sau đây chúng ta cùng giải đáp thắc mắc.
Người bị suy thận nên lưu ý gì trong chế độ ăn:
- Giảm bớt chất đạm trong khẩu phần ăn hàng ngày
Người bị suy thận nên ăn ít đi những thực phẩm có thành phần đạm trong bữa cơm như thịt, cá, sữa, trứng, đậu đỗ, rau ngót, giá đỗ,... Với những bệnh nhân có cân nặng từ 50 tới 55 kg, chỉ nên cung cấp chất đạm cho cơ thể với 50g lượng thịt, cá và khoảng 250ml sữa mỗi ngày. Ngoài ra, người bệnh cần kiêng nội tạng động vật, đồ ăn nướng, chiên, rán nhiều dầu mỡ.
Thay vì nạp đạm động vật thì có thể sử dụng ngũ cốc để thay thế việc ăn thịt, cá. Ngoài ra, người bệnh có thể bổ sung thêm một số loại củ có tinh bột trong các bữa nhỏ hàng ngày như khoai lang, khoai sọ, bột sắn dây,...
- Sử dụng đường và chất béo tự nhiên
Tiêu thụ đường bằng cách sử dụng mía, mật ong, trái cây, uống sữa để bổ sung canxi. Bổ sung chất béo khoảng 30-40g 1 ngày, nên dùng chất béo từ thực vật như quả bơ, dầu oliu, dầu lạc,...
- Hạn chế dùng nhiều muối trong khẩu phần ăn
Người bệnh suy thận cần ăn càng nhạt càng tốt, hạn chế dùng muối và bột ngọt. Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên tránh các món ăn chứa nhiều muối như: dưa muối, cà muối,...
Ngoài ra, người bệnh không nên ăn thực phẩm chế biến sẵn vì trong các sản phẩm này thường sử dụng nhiều muối để bảo quản và không đảm bảo an toàn sức khỏe.
- Hạn chế dùng thực phẩm có chứa chất kali
Kali đóng nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể, nhưng những người bị suy thận cần phải hạn chế kali để tránh làm tăng mức độ kali trong máu và gây nguy hiểm. Rau có nhiều lá và trái cây như cam, nho, đào, chuối chứa nhiều kali và người bệnh suy thận chỉ nên sử dụng từ 2 tới 4g/ ngày.
- Chú ý lượng nước uống hàng ngày
Uống nhiều hay ít nước khi chức năng thận bị suy giảm đều ảnh hưởng trực tiếp đến thận. Bởi vậy, đối với người bị suy thận, lượng nước cung cấp cho cơ thể còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.
Đối với người có nước tiểu ít: Phải uống nhiều nước, thậm chí là cần truyền nước.
Đối với người bị đái tháo nhạt, tiểu nhiều: Bổ sung lượng nước phù hợp tùy thuộc vào tình trạng bệnh.
Đối với người bị suy thận nặng: Hạn chế uống nước để giảm áp lực cho thận. Việc bổ sung lượng nước sẽ tùy theo nhu cầu của người bệnh.
Đối với người bị phù, suy thận cấp giai đoạn vô niệu, cũng cần cân bằng giữa lượng nước vào và thải ra. Nếu lượng nước vào lớn hơn lượng nước ra thì có thể gây ra tình trạng phù nề, huyết áp khó kiểm soát và suy tim. Còn lượng nước vào nhỏ hơn sẽ gây mất nước (da nhăn nheo, hạ huyết áp, choáng váng).
Ngoài ra, người bệnh cũng không nên sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, trà, cà phê, đồ uống có ga. Không ăn thực phẩm có tính chua như sữa chua, ô mai,...
Thận là cơ quan nội tạng rất quan trọng với cơ thể nên bạn hãy duy trì một chế độ dinh dưỡng khoa học và tuân thủ theo hướng dẫn chỉ định của bác sĩ để bảo vệ bộ phận này nhé./.
Minh Ngọc (t/h)