Ảnh minh họa
1. Thế nào là viêm thanh quản mạn tính?
Viêm thanh quản mạn tính là tình trạng viêm niêm mạc thanh quản kéo dài trên 3 tuần, quá trình viêm này có thể dẫn tới quá sản, loạn sản hoặc teo niêm mạc thanh quản.
2. Yếu tố thuận lợi dẫn tới bệnh lý viêm thanh quản mạn tính
- Do bệnh lý của đường hô hấp như: viêm mũi xoang, viêm họng, viêm amiđan,
viêm phế quản...
- Do lạm dụng giọng: nói to, nói nhiều, gắng sức… ở những nghề như giáo viên, bán hàng, ca sĩ...
- Khí hậu ẩm ướt, thay đổi quá nhiều nhiệt độ trong ngày, một số nghề nghiệp làm việc ngoài trời, nấu ăn, làm thuỷ tinh...
- Hít phải khí độc như hút thuốc lá, thuốc lào, hoá chất...
- Các bệnh toàn thân: bệnh goute, bệnh gan, béo phì...
- Hội chứng trào ngược dạ dày thực quản.
3. Triệu chứng, biểu hiện
- Thay đổi giọng nói: đầu tiên tiếng nói không vang, làm cho người bệnh phải cố gắng nhiều mới nói to được, về sau tiếng nói bị rè, khàn và yếu. Nhìn chung khàn tiếng là dấu hiệu quan trọng nhất, khàn tiếng kéo dài lúc tăng, lúc giảm, kèm theo ho, đôi khi có kèm cảm giác nói đau. Bệnh nhân luôn phải đằng hắng cho giọng nói được trong.
- Ho khan vào buổi sáng do chất nhầy xuất tiết bám ở thanh quản. Ngoài ra còn có cảm giác ngứa, cay và khô rát ở vùng thanh quản.
4. Cần phân biệt viêm thanh quản với bệnh gì?
- Khối u ở thanh quản: u nang, polip, papilom, ung thư thanh quản. Thường khàn tiếng từ từ tăng dần, mức độ khàn nặng hơn, soi thanh quản và sinh thiết khối u cho chẩn đoán xác định.
- Liệt thần kinh hồi qui: xuất hiện đột ngột hoặc từ từ, sặc các chất lỏng vào phổi. Mức độ khàn tiếng nặng, mất tiếng.
5. Nên làm gì khi bị viêm thanh quản?
- Hạn chế sử dụng giọng khi điều trị bệnh.
- Điều trị tại chỗ: các thuốc giảm viêm, giảm phù nề như: corticoid, men tiêu viêm…
- Điều trị toàn thân: bằng thuốc giảm viêm, giảm phù nề như: corticoide, mentiêu viêm…
- Điều trị các ổ viêm mũi họng, viêm xoang, hội chứng trào ngược dạ dày thựcquản và các bệnh toàn thân khác.
- Liệu pháp luyện giọng: Căn cứ vào tình trạng tổn thương giọng, cách thức sử dụng giọng của bệnh nhân để phối hợp cùng chuyên viên luyện giọng, đưa ra các bài tập thích hợp.
- Phẫu thuật khi điều trị nội khoa không hiệu quả, viêm thanh quản có hạt xơ dây thanh.
- Nâng đỡ cơ thể bằng cách bổ sung yếu tố vi lượng, sinh tố, vitamin, dinh dưỡng...
6. Tiến triển và biến chứng
Viêm thanh quản mạn tính điều trị dai dẳng, tiến triển thành hạt xơ dây thanh.
7. Phòng bệnh
- Khi bị VTQ cấp cần điều trị triệt để.
- Điều trị các viêm nhiễm ở họng, mũi, xoang...
- Tránh tiếp xúc với các chất hơi, hoá chất độc, sử dụng giọng./.
Gia Khánh (t/h)