1. Mật ong, chanh tươi
Mật ong có vị ngọt, tính bình, bổ trung, nhuận phế, giải độc, thông tiện, trị ho khan ít đờm, viêm khô khí quản. Chanh tươi chứa nhiều vitamin và acid citric có tác dụng giảm đau rát họng, làm sạch cổ họng.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị 1/2 muỗng nước cốt chanh, 2 muỗng mật ong nguyên chất, 5 thìa nước đun sôi để nguội.
- Trộn đều các nguyên liệu đã chuẩn bị với nhau để uống.
- Uống 1 – 2 lần/ ngày, kiên trì thực hiện để thấy hiệu quả.
2. Gừng tươi
Gừng tính ấm, vị cay có tác dụng giảm đau, tiêu viêm, diệt khuẩn hiệu quả. Sử dụng gừng tươi sẽ giúp giảm ho, tiêu đờm, cải thiện tình trạng sưng viêm do bệnh amidan gây ra.
Cách dùng:
- Cách 1: Lấy một củ gừng tươi rửa sạch, cạo vỏ, đập dập, hãm với nước nóng, khuấy đều. Thấy còn ấm thì lấy uống, có thể thêm chút mật ong, sử dụng vào buổi sáng để gia tăng hiệu quả điều trị.
- Cách 2: Gừng tươi, nghệ tươi, chanh mỗi thứ 20g cho vào bát hấp cách thủy với 1 thìa mật ong nguyên chất, 1 thì đường phèn. Hấp ở lửa vừa trong 15 phút, chắt lấy phần nước cốt, chia thành 2 lần uống trong ngày. Mỗi lần uống từ 1 – 3 thìa.
Ảnh minh họa
3. Quả mơ rừng
Mơ rừng có tác dụng giảm ho, tiêu đờm, hỗ trợ điều trị viêm họng, viêm amidan hiệu quả.
Cách thực hiện:
- Cách 1: Lấy 25g mơ rừng rửa sạch, đem nghiền thành bột mịn với 15g cam thảo. Có thể cho thêm một ít bạc hà, đình phấn làm thành cao, sử dụng trong 4 ngày sẽ giúp giảm các triệu chứng bệnh.
- Cách 2: Lấy 30g mơ rừng, 12g kim ngân, 1g gừng tươi, vài lá bạc hà vò nát, cho vào ấm sắc với nước, chia làm 2 lần uống, sử dụng trong ngày.
- Cách 3: Lấy 2kg mơ tươi rửa sạch cho vào bình thủy tinh, thêm 2kg đường vào ngâm trong 15 ngày. Mỗi ngày lấy một ít nước mơ pha với một ít nước ấm để uống.
4. Tỏi
Tỏi là một gia vị quen thuộc, dễ tìm, được dùng để chữa các bệnh về đường hô hấp. Vì tỏi có chứa hoạt chất chống oxy hóa, được xem như một kháng viêm tự nhiên nên có khả năng loại bỏ các vi khuẩn, virus và tác nhân gây viêm amidan.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị 2 – 3 tép tỏi, 2 muỗng mật ong nguyên chất.
- Tỏi bóc vỏ, thái thành từng lát mỏng, hấp cách thủy với mật ong để ăn.
- Cũng có thể xay nhuyễn tỏi, ép lấy nước cốt, trộn với mật ong để ngậm.
- Kiên trì thực hiện mỗi ngày để thấy hiệu quả.
5. Cây húng tần
Húng tần hay còn gọi là húng chanh, rau tần, dương tử tô, rau thơm lùn. Theo các nghiên cứu khoa học, Colein trong lá húng tần có tác dụng kháng sinh mạnh với vi trùng ở mũi, miệng, họng. Không chỉ vậy, trong tinh dầu lá này còn chứa cavaron có tác dụng trừ đờm, tiêu độc, trị ho, viêm họng, viêm amidan tốt.
Cách dùng:
- Cách 1: Lấy 20g lá rau tần, 20g đường phèn. Rau tần rửa sạch, băm nhuyễn trộn với 10ml nước sôi, thêm đường phèn vào để ngấm. Gạn lấy nước uống 2 lần/ngày.
- Cách 2: Lấy 3 lá rau tần rửa sạch thêm ít muối tinh rồi nhai, nuốt cả cái lẫn nước. Thực hiện 2 – 3 lần/ngày, liên tục trong 5 ngày sẽ thấy kết quả.
6. Lá xương sông
Lá xương sông thuôn dài, mép lá có răng cưa, trong đông y thường gọi là hoạt lộc thảo. Có mùi hơi hăng, tính ấm, có tác dụng chữa đầy bụng, sang chấn, trị viêm họng, ho do cảm lạnh hoặc ho có đờm.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị 5 – 10 lá xương sông, 30ml giấm ăn.
- Lá xương sông rửa sạch, đập hoặc vò nát rồi đem nhúng vào giấm, ngậm 2 lần/ngày để thấy hiệu quả
7. Lá đinh lăng
Lá đinh lăng có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trừ thấp. Hỗ trợ điều trị tốt các bệnh về xương khớp đồng thời chữa viêm họng, viêm amidan và các chứng ho hiệu quả.
Cách dùng:
- Cách 1: Lấy 20g lá đinh lăng rửa sạch, cho vào ấm sắc với 3 bát nước ở lửa nhỏ. Thấy còn 1 bát thì chia ra làm 2 – 3 lần uống, uống từ từ theo dạng ngậm.
- Cách 2: Lấy lá đinh lăng, vỏ khế chua mỗi thứ 20g. Đem nguyên liệu trên cho vào ấm, sắc với 2 bát nước, thấy còn nửa bát thì chắt lấy nước uống trước bữa sáng. Thực hiện liên tục 5 ngày liền để thấy hiệu quả, nên uống khi nước thuốc còn ấm.
Duy Tiến (t/h)