Trang chủHoạt động ngànhGiáo dục sức khỏe

Một số bài thuốc nam chữa viêm thanh quản hiệu quả

Viêm thanh quản thường gây ra các triệu chứng như ho khan, sốt, viêm họng, đau khi nuốt, sổ mũi, mất giọng nói mặc dù không nguy hiểm tính mạng với người lớn nhưng lại ảnh hưởng đến cuộc sống và chất lượng công việc nhất là những người cần sử dụng giọng nói thường xuyên. Đặc biệt, với trẻ em nếu không sớm điều trị sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ thậm chí có thể đe dọa tính mạng. Dưới đây là một số bài thuốc nam điều trị viêm thanh quản hiệu quả bạn có thể tham khảo:

1. Chữa viêm thanh quản bằng lá xương sông

Theo Đông y, lá xương sông tính bình, vị cay thơm . Được biết đến với công dụng lưu thông khí huyết, tiêu diệt các tác nhân gây hại cho cơ thể… Có tác dụng tốt trong điều trị cảm sốt, viêm họng, viêm phế, viêm thanh quản, trắng lưỡi, đau nhức xương khớp…

Cách thực hiện:

  • Chuẩn bị 5 – 10 lá xương sông bánh tẻ, 20 – 30ml giấm ăn
  • Lá xương sông rửa sạch, để ráo nước, đập dập nhẹ nhúng giấm 
  • Trước tiên súc miệng bằng nước muối pha loãng, rồi ngậm hỗn hợp lá xương sông nhúng giấm nuốt từ từ.
  • Thực hiện 2 – 3 lần/ngày, liên tục từ 5 – 7 ngày sẽ thấy tiến triển. 

2. Chữa viêm thanh quản bằng mật ong

Mật ong giàu vitamin A, B, C, E, các nguyên tố vi lượng, chất khoáng, chất chống oxy hóa. Một nghiên cứu cho thấy, mật ong có tác dụng tương đương với một liều dextromethorphan, có thuộc tính kháng khuẩn mạnh, giúp làm dịu cổ họng, tiêu diệt vi khuẩn giảm đau rát họng hiệu quả. Đây cũng là lý do mật ong được sử dụng nhiều để trị ho, viêm amidan, viêm thanh quản, viêm họng…

Cách chữa viêm thanh quản bằng thuốc nam với mật ong

  • Lấy 1  – 2 quả chanh tươi, tốt nhất là chanh đào đem rửa sạch, khía lớp vỏ ngoài, chia quả chanh thành nhiều múi nhỏ.
  • Cho vào chén nhỏ, rưới mật ong sao cho ngấm toàn bộ quả chanh ngâm trong 2 2h.
  • Cắt thành từng miếng nhỏ để ngậm và nuốt từ từ, thực hiện đều đặn nhiều ngày giúp giảm khản tiếng, đau họng. 

3. Chữa viêm thanh quản bằng tỏi

Tỏi cũng là một trong những vị thuốc thường được sử dụng để hỗ trợ điều trị viêm thanh quản. Trong tỏi có chứa một lượng lớn hoạt chất allicin, được xem như một kháng sinh tự nhiên có khả năng ngăn ngừa và tiêu diệt vi khuẩn, virus làm dịu cổ họng. 

Cách chữa viêm thanh quản bằng tỏi: 

Cách 1:

  • Lấy vài tép tỏi tươi để nguyên vỏ, nướng trên than già cho đến khi cháy xém vỏ.
  • Đem bóc vỏ, nghiền nhỏ hòa với một ít nước ấm, nuốt từ từ từng ngụm.
  • Thực hiện 2 lần/ngày sẽ giúp xoa dịu cổ họng hiệu quả.

Cách 2: 

  • Lấy vài tép tỏi, bóc vỏ, đập dập hoặc thái nhỏ, cho vào chén thêm mật ong cho ngậm tỏi.
  • Đem chưng cách thủy 15 phút thì chắt lấy nước để uống, từ từ từng ngụm cho tỏi ngấm vào thanh quản.
  • Thực hiện 2 lần/ngày, liên tục 5 – 7 ngày sẽ thấy các triệu chứng nhanh chóng thuyên giảm.

4. Chữa viêm thanh quản bằng khế chua

Trong Đông y, quả khế chua có tên gọi khác là ngũ liễm tử, vị chua chát, tính bình, không độc, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, làm lành vết thương, lợi tiểu. Hoa khế có vị ngọt, tính bình, có tác dụng tiêu viêm, chữa ho khan, ho có đờm, sốt rét… Có thể sử dụng khế để chữa viêm thanh quản, làm long đờm, xoa dịu cảm giác đau rát ở cổ họng.

Cách chữa viêm thanh quản bằng khế:

  • Lấy 2 – 3 quả khế, rửa sạch, thái thành lát nhỏ cho vào bát sạch.
  • Thêm 2 – 3 thìa đường rải lên trên, đậy kín trong 3 – 4 tiếng đồng hồ, gạn lấy nước, ngậm nuốt từ từ.
  • Thực hiện liên tục 5 – 7 ngày sẽ thấy triệu chứng đau họng do viêm thanh quản thuyên giảm đáng kể.

5. Chữa viêm thanh quản bằng giá đỗ

Giá đỗ có thể được ủ từ đậu đen, đậu nành đậu đỏ, đậu xanh. Theo Y học cổ truyền, giá đỗ xanh vị ngọt nhạt hơi tanh, tính mát. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thực, chỉ khát, lợi tiểu hỗ trợ điều trị đau họng, viêm họng, khản tiếng, viêm thanh quản, phù thũng, táo bón, huyết áp cao tốt.

Cách chữa viêm thanh quản bằng giá đỗ:

  • Lấy 200g giá đỗ xanh chần qua nước sôi cho đến khi nước nguội đi
  • Gừng tươi cạo vỏ, cắt lát nhỏ cho vào máy xay cùng giá đỗ và 1 thìa muối sao cho nhuyễn.
  • Lọc lấy nước, bỏ bã để một bên, uống từ từ từng ngụm, sau đó đem bã ngậm trong vài phút sẽ giúp cổ họng dễ chịu hơn. 

Duy Tiến (t/h)

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi