Trang chủHoạt động ngànhGiáo dục sức khỏe

Lợi ích của cây nha đam đối với sức khỏe

Cây nha đam còn có tên gọi khác là lô hội, long thủ, cây dứa tàu. Là loại cây có nguồn gốc từ Bắc Phi. Lá có hình mũi mác dày, bên trong là lớp gel mọng nước chứa nhiều axit cinnamic, các vitamin B1, B2, B6 cùng với axit folic,… Đặc biệt, lớp gel này còn chứa nhiều vi chất giúp loại bỏ tế bào già, tái sinh tế bào mới nên thường được sử dụng để làm đẹp, chị em sẽ sở hữu làn da căng mọng, mịn màng, tràn đầy sức sống.

Tác dụng của cây nha đam

Làm đẹp da

Nhờ vào các dưỡng chất có tính chống viêm, kháng khuẩn mà nha đam có tác dụng dịu nhẹ, làm lành, trị thâm những vết thương do mụn gây ra. Đặc biệt, độ pH của nha đam giúp se khít lỗ chân lông, ngăn ngừa và giảm mụn hiệu quả. Bên cạnh đó, nha đam kích thích cơ thể tồng hợp collagen và các elastin – tái tạo tế bào mới; hạn chế sản sinh melanin – ngăn ngừa và điều trị nám da.

Tác dụng với tóc

Trong thành phần của nha đam chứa một lượng khổng lồ các axit amin và enzyme proteolytic giúp cải thiện hiệu quả sức khoẻ da đầu, điều trị hiệu quả hiện tượng tóc rụng, thúc đẩy tóc mọc lại nhanh chóng.

Điều trị rụng tóc

Độ pH của nha đam giúp cân bằng độ pH trên da đầu. Vì vậy sử dụng sẽ giúp tóc không bị khô, đầy đủ dinh dưỡng, chắc khỏe và không bị rụng.

Thúc đẩy tóc mọc nhanh chóng

Vitamin A,C,E có trong thành phần của nha đam có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển của tế bào tóc. Ngoài ra, enzym proteolytic giúp chữa lành da đầu, kích thích các nang tóc hoạt động, thúc đẩy mọc tóc lại.

Trị gàu, ngăn ngừa các bệnh da đầu

Nhờ axit salicylic có đặc tính chống viêm, kháng khuẩn mà cây nha đam có thể ngăn ngừa các bệnh về da đầu như gàu, nấm, mẩn ngứa,…

Kháng khuẩn, chống viêm

Nhờ một số hợp chất chống viêm như axit salixylic, chromone C-glucosyl và enzyme bradykinase nên loại cây này có khả năng ức chế quá trình sản sinh axit của cơ thể, đồng thời ngăn ngừa chứng viêm.

Tốt cho tiêu hóa

Nhờ chứa một số enzyme có tác dụng đường phân, làm vỡ chất béo, hỗ trợ quá trình tiêu hóa của cơ thể. Đồng thời giúp giảm các triệu chứng khó chịu ở dạ dày và ruột, cải thiện các tình trạng của bệnh nhân mắc hội chứng rối loạn ruột kích thích và các chứng liên quan tới rối loạn tiêu hóa khác.

Điều hòa kinh nguyệt

Nha đam có tác dụng trong việc điều hòa các hormone, từ đó điều hòa kinh nguyệt một cách hiệu quả. Với tác dụng này, chị em nên sử dụng ở dạng nước ép.

Chữa lành vết thương 

Thoa, đắp nha đam lên vùng da bị loét, bỏng sẽ giúp lành vết đau nhanh hơn.

Giảm đau, trị loét dạ dày

Nha đam giảm đau khi bị ợ nóng nhờ khả năng kiểm soát sự tiết axit trong dạ dày. Đồng thời nhiều nghiên cứu còn chứng minh loài cây này có khả năng chống lại các vết loét dạ dày và giữ cho các vết loét không lớn hơn.

Một số lưu ý khi sử dụng nha đam

Sau khi biết được các công dụng cây nha đam, chắc hẳn nhiều chị em rất nóng lòng muốn tìm mua và chế biến. Tuy nhiên hãy lưu ý những nguyên tắc sau đây:

Chỉ sử dụng nguyên liệu tươi, có nguồn gốc rõ ràng.

Nếu dùng nha đam để thoa trực tiếp lên mặt nên chọn nha đam bẹ nhỏ, mọng nước, xanh nhạt, không bị chảy mủ vàng.

Trong thời gian làm đẹp bằng nha đam, không tiếp xúc trực tiếp da với ánh nắng mặt trời, thoa kem chống nắng đều đặn. 

Chỉ nên sử dụng vào buổi tối và dùng 2-3 lần/ tuần.

Thời gian đắp mặt nạ không quá ngắn, cũng không quá dài, khoảng 15-20 phút, không nên đắp qua đêm.

Cần thử phản ứng của da trước khi đắp mặt nạ nha đam lên mặt.

Cần xử lý lớp nhựa nha đam trước khi sử dụng. Chỉ sử dụng phần gel nha đam trong suốt. 

Nhật Minh (t/h)

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi