Trang chủHoạt động ngànhGiáo dục sức khỏe

Làm gì khi bị co cứng cơ ?

Co cứng cơ là sự co cơ đột ngột và không chủ ý của một hoặc nhiều cơ. Sự co cứng cơ thông thường sẽ không gây nguy hại đến tính mạng người bệnh, nhưng co cứng cơ toàn thân có thể làm cho các cơ bị tác động tiêu cực tạm thời và không thể cử động được nên ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.

Ảnh minh họa

1. Nguyên nhân gây ra co cứng cơ

- Sử dụng cơ quá mức, mất nước, căng cơ hoặc đơn giản là giữ nguyên một tư thế trong một thời gian dài có thể gây ra sự co cứng cơ. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, không biết rõ nguyên nhân gây ra co cứng cơ.

- Mặc dù hầu hết sự co cứng cơ đều không gây hại, một số có thể liên quan đến tình trạng bệnh nền, chẳng hạn như: không cung cấp máu đầy đủ: hẹp các động mạch đưa máu đến chân (xơ cứng động mạch ở các chi) có thể gây ra đau như kiểu chuột rút ở chân và bàn chân khi bạn đang tập thể dục. Những sự co cứng cơ này thường biến mất ngay sau khi bạn ngừng tập thể dục. Thường đi bộ càng nhiều, đau càng tăng. Đi bộ với tư thế hơi cong về phía trước - chẳng hạn như bạn vừa đi vừa đẩy giỏ hàng như khi đi siêu thị - có thể cải thiện hoặc trì hoãn sự xuất hiện các triệu chứng; Thiếu các chất khoáng: quá ít kali, canxi hoặc magiê trong chế độ ăn uống của bạn có thể góp phần gây co cứng cơ. Thuốc lợi tiểu - thuốc thường được kê toa khi bị tăng huyết áp - cũng có thể làm giảm hấp thu các khoáng chất này.

2. Hậu quả của co cứng cơ

Co cứng cơ có thể gây ra:

- Cứng khớp: Các khớp thường được cố định ở trạng thái cơ bị co cứng, dẫn đến những thay đổi trong mô liên kết, giảm chiều dài của cơ và gân liên kết. Sự cố định kéo dài tạo điều kiện cho sự phát triển các sợi mô liên kết vùng khớp. Chính vì vậy, khớp bị cố định do cơ bị co kéo trong thời gian dài dẫn đến sự hình thành xơ liên kết, tiêu sợi cơ, và mất khả năng phát triển của khớp; Co cứng cơ: nếu co cứng không được điều trị, các co cứng khác có thể xảy ra.

- Cơ thể mất cân bằng kiểm soát co cơ, dẫn đến co thắt cơ liên tục, càng làm giảm sự kiểm soát của cơ thể lên cơ bị co cứng. Khớp sẽ ở trạng thái uốn cong theo tình trạng co cơ, dẫn đến những mẫu co cứng; Yếu cơ: sự mất cân bằng giữa cơ chủ vận và cơ đối vận có thể xảy ra do rối loạn thần kinh, tổn thương tủy sống, và do thói quen lâu ngày. Sự sụt giảm khối lượng cơ dần dẫn đến mất lực cơ và cuối cùng là teo cơ. Sự co thắt liên tục của cơ chủ vận với sức đề kháng tối thiểu của cơ đối vận càng làm cho nhóm cơ này yếu đi.

3. Làm gì khi bị co cứng cơ ?

- Nếu bị co cứng cơ khi đang vận động thì cần ngừng vận động, cố gắng thả chùng chi bị bệnh để thư giãn bắp thịt đang bị co rút. Sau đó xoa bóp các cơ một cách nhẹ nhàng, có thể xoa một chút dầu nóng lên vùng da đang bị co cơ rồi mới xoa bóp.

- Nếu bị co cứng cơ ở cẳng chân, nên nhẹ nhàng vươn duỗi cơ theo chiều đối ngược, kéo đầu ngón chân và bàn chân lên cao, hướng về phía đầu gối. Nếu bị co cứng cơ ở bắp đùi, có thể nhờ người khác kéo thẳng chân ra, một tay nâng cao gót chân, tay kia ấn đầu gối xuống. Nếu bị co cứng cơ xương sườn,  cần hít thở sâu để thư giãn cơ hoành và cần xoa bóp nhẹ các bắp thịt xung quanh lồng ngực.

CN. Vũ Văn Trình (t/h)

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi