Tăng huyết áp gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Đối với người bình thường, huyết áp vào ban ngày thường cao hơn ban đêm. Huyết áp có xu hướng hạ xuống thấp nhất vào khoảng từ 1-3 giờ sáng, thời gian con người ngủ say nhất và huyết áp sẽ tăng cao nhất vào khoảng 8-10 giờ sáng. Ở một số người, sự gia tăng này có thể đáng kể, dẫn đến tăng huyết áp vào buổi sáng. Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến huyết áp, bao gồm: căng thẳng hoặc lo lắng, hoạt động thể chất, chế độ ăn, nhiệt độ...
Ảnh minh họa
1. Ai có nguy cơ tăng huyết áp buổi sáng
Người trên 65 tuổi; trong gia đình có người thân bị tăng huyết áp; thừa cân hoặc béo phì; uống rượu; hút thuốc; lo lắng hoặc căng thẳng quá mức; ngủ không đủ giấc hoặc rối loạn giấc ngủ.
2. Kiểm soát tăng huyết áp buổi sáng
- Thực hiện một lối sống lành mạnh có thể giúp kiểm soát tăng huyết áp nói chung và tăng huyết áp vào buổi sáng nói riêng, từ đó sẽ giúp giảm nguy cơ biến chứng, chẳng hạn như đau tim và đột quỵ. Các hành vi lối sống lành mạnh bao gồm:
- Chế độ ăn uống cân bằng ít natri, đường tinh luyện và chất béo bão hòa.
- Hạn chế uống rượu.Tránh thuốc lá. Thường xuyên tập thể dục (ít nhất 90–150 phút mỗi tuần). Đạt được và duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI ) từ 18,5 - 22,9.
- Thực hành các kỹ thuật kiểm soát căng thẳng và thư giãn, như yoga hoặc thiền định.
- Uống thuốc huyết áp theo đơn và theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Theo dõi huyết áp thường xuyên, định kỳ kiểm tra sức khỏe ít nhất 6 tháng/lần, điều trị các bệnh có nguy cơ làm tăng huyết áp.
Huyết áp dao động cả ngày lẫn đêm. Tuy nhiên, chỉ số huyết áp cao bất thường vào buổi sáng có thể báo hiệu nguy cơ mắc các tai biến tim mạch cao hơn. Do đó, những người có nguy cơ bất thường về huyết áp nên theo dõi cẩn thận huyết áp để phát hiện sớm tăng huyết áp buổi sáng. Thực hành lối sống lành mạnh và điều trị kịp thời tình trạng tăng huyết áp có thể giúp ngăn ngừa đau tim, đột quỵ và các biến chứng khác.
CN. Vũ Văn Trình (t/h)