Uốn ván là một nhiễm trùng nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao và thời gian điều trị kéo dài. Đặc biệt, nhiều người không nghĩ mình mắc uốn ván do chỉ bị những vết thương rất nhỏ như xây xước khi cọ vào tường. Trong những năm gần đây, tình trạng người dân phải vào viện do nhiễm vi khuẩn uốn ván có xu hướng gia tăng. Bởi vậy, chúng ta cần biết cách phòng ngừa sớm bệnh uốn ván để ngăn ngừa khả năng nhiễm bệnh.
Vài nét về bệnh uốn ván
Bệnh uốn ván (Tetanus) do nhiễm vi khuẩn uốn ván qua vết thương trên da. Trực khuẩn uốn ván sống trong môi trường yếm khí, tồn tại trong ruột gia súc, gia cầm và trên mặt đất, nhất là vùng đất nông nghiệp. Nha bào uốn ván tồn tại trong đất rất nhiều năm, khi đun sôi 30 phút nha bào mới chết.
Sau khi xâm nhập vào cơ thể qua vết thương hở bị nhiễm bẩn, thường thời gian ủ bệnh là 3-21 ngày. Trực khuẩn uốn ván tiết độc tố thần kinh gây co cứng cơ (co cứng cơ mặt tạo nụ cười méo mó, ưỡn cong lưng ra sau, xoắn vặn thân mình). Sau đó xuất hiện các cơn co giật toàn thân. Nếu bệnh nhân bị co cứng cơ hô hấp, không thở được sẽ dẫn tới tử vong.
Uốn ván là bệnh dễ phòng nhưng khó chữa.
Phòng bệnh bằng tiêm vacxin (Tetanus toxoid: TT) hoặc huyết thanh kháng độc tố (SAT) hoặc globulin miễn dịch uốn ván (TIG).
- Tiêm vacxin TT,cơ thể tạo miễn dịch chủ động tồn tại khoảng 10 năm.
- Tiêm SAT hoặc TIG sẽ cho miễn dịch chủ động trong thời gian ngắn, thường áp dụng sau vết thương có nguy cơ bị nhiễm bẩn.
- Sau khi khỏi bệnh uốn ván, cơ thể không được miễn dịch và vẫn có thể bị mắc lại.
Một số điều cần làm để phòng bệnh uốn ván
- Gây miễn dịch chủ động để phòng bệnh:
- Trẻ nhỏ: tiêm phòng theo lịch.
- Người lớn: tiêm TT định kì 10 năm/lần.
- Phụ nữ có thai: tiêm trong 3 tháng giữa thai kì, trước khi sinh ít nhất 1 tháng. Miễn dịch của mẹ truyền cho con trong thời gian đầu sau sinh.
- Người đi du lịch quốc tế vào vùng có nguy cơ nhiễm uốn ván.
- Vết thương có nguy cơ nhiễm uốn ván:
- Tiêm một liều TT trong ngày khi vết thương nhẹ, không nhiễm bẩn và ít nhất 10 năm trước chưa tiêm TT.
- Tiêm một liều TT trong ngày khi vết thương lớn, sâu, nhiễm bẩn và trong 5 năm trước đó chưa tiêm vacxin TT.
- Tiêm SAT hoặc TIG khi vết thương đang nặng, nhiễm bẩn hoặc bị thương mà không nhớ hay tiêm chưa đủ liều vacxin TT.
Lan Uyển (t/h)