Trang chủHoạt động ngànhGiáo dục sức khỏe

Hen phế quản khởi phát ở trẻ em và người lớn khác nhau như thế nào?

Hen là căn bệnh phổ biến ở trẻ em, tuy nhiên bạn có thể dễ dàng mắc phải căn bệnh này ở bất cứ thời điểm nào của cuộc đời. Thường thì bệnh không hay gặp phải ở những người trên 50 tuổi.

Trong số hơn 30% người trưởng thành bị hen, hen phế quản khởi phát ở người lớn thường là hen do dị ứng, tức là bệnh hen gặp phải khi tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng. Dị ứng là căn bệnh khá phổ biến ở mọi lứa tuổi. Trẻ nhỏ bị dị ứng có thể không bị mắc hen phế quản khi phơi nhiễm với các tác nhân gây dị ứng khi còn trẻ. Tuy nhiên, qua thời gian, cơ thể bắt đầu phản ứng khác đi khi tác nhân dị ứng xâm nhập vào cơ thể. Hiện tượng này cuối cùng có thể dẫn đến hen phế quản khi trưởng thành.

Ảnh minh họa

Điểm chung giữa hen phế quản trẻ em và người lớn

Dị ứng có thể gây ra các triệu chứng hen và bùng phát cơn hen phế quản. Bộ gen của chúng ta cũng như môi trường sống có thể đóng vai trò quan trọng trong khởi phát của bệnh.

Hen phế quản ở trẻ em và người lớn có cùng những tác nhân gây bệnh. Đối với bệnh nhân hen ở mọi độ tuổi, phơi nhiễm với các tác nhân sau có thể gây bùng phát hen hoặc cơn hen cấp:

  • Khói thuốc lá
  • Ô nhiễm không khí, nấm mốc, bụi, lông hoặc nước bọt của động vật
  • Ngủ trên giường có chăn gối bằng lông
  • Bị nhiễm trùng hô hấp hay cảm lạnh
  • Khí hậu lạnh
  • Không khí khô
  • Bị stress hay kích động
  • Tập thể dục quá sức

Hút thuốc lá thụ động đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em. Khoảng 1 triệu trẻ em mắc hen phế quản gặp phải các triệu chứng khá nặng và các đợt bùng phát của bệnh do bị phơi nhiễm với khói thuốc thụ động.

Điểm khác nhau giữa hen phế quản trẻ em và người lớn

Trẻ em được chẩn đoán mắc hen phế quản thường xuất hiện những triệu chứng không liên tục. Đôi khi các tác nhân dị ứng gây khởi phát cơn hen và đôi khi không.

Tuy nhiên ở người lớn, các triệu chứng hen thường kéo dài dai dẳng. Việc điều trị hàng ngày là cần thiết để có thể kiểm soát tốt các triệu chứng và phòng các đợt hen cấp.

Trẻ mắc hen thường nhận thấy các triệu chứng dường như biến mất hoặc ít nghiêm trọng hơn trong suốt tuổi dậy thì. Vào khoảng 20 tuổi, các triệu chứng có thể xuất hiện trở lại trong một khoảng thời gian ngắn rồi lại biến mất. Chu kỳ xuất hiện và biến mất của các triệu chứng sẽ tiếp tục cho tới khi người đó 30, 40 tuổi.

Các triệu chứng của hen phế quản

Bệnh hen phế quản gây viêm và hẹp đường dẫn khí gây khó thở. Các triệu chứng khác bao gồm: thở khò khè, ho, tức ngực, tăng tiết dịch hô hấp, tăng áp lực ở lồng ngực; thở gấp sau khi hoạt động thể lực; khó ngủ; chậm hồi phục khi bị mắc một căn bệnh nhiễm trùng hô hấp như cúm hay cảm lạnh.

Khi bạn nghi ngờ các triệu chứng của trẻ là của bệnh hen phế quản, hãy đưa trẻ đi khám ngay. Nếu không được điều trị, hen phế quản trẻ em có thể dẫn tới những hậu quả không lường. Ví dụ trẻ bị hen mà không được điều trị thường khả năng hoạt động thể chất sẽ kém hơn trẻ khỏe mạnh bình thường. Điều này khiến trẻ ngại hoạt động. Trẻ bị mắc hen nên tích cực tham gia vào các hoạt động  phù hợp .

Biện pháp điều trị

Cả trẻ em và người lớn đều có thể áp dụng một hoặc cả hai liệu pháp điều trị: nhóm thuốc hen tác dụng nhanh và nhóm thuốc hen tác dụng kéo dài.

  • Thuốc hen tác dụng nhanh có hiệu quả làm giảm các triệu chứng khi cơn hen xuất hiện do các tác nhân dị ứng hoặc các đợt bùng phát bệnh.
  • Thuốc hen tác dụng kéo dài để làm giảm triệu chứng sưng và viêm để phòng sự tấn công của dị ứng. Các thuốc này thường được sử dụng từ vài tháng đến vài năm.

Hầu hết trẻ em và người lớn mắc hen phế quản thường sử dụng liệu pháp kết hợp cả hai loại thuốc nói trên.

Cần phải thiết lập một kế hoạch để đối phó với hen phế quản, dù bệnh xuất hiện ở trẻ em hay người lớn. Bản kế hoạch liệt kê các loại thuốc mà người bệnh cần uống và cả thời gian chi tiết. Nó cũng giúp cung cấp các thông tin để biết khi nào cơn hen phế quản không được kiểm soát tốt và gây nguy hiểm cho người bệnh. Nếu tuân thủ đúng theo kế hoạch được đặt ra, người bệnh có thể kiểm soát tốt cơn hen và phòng tránh được những biến chứng nguy hiểm trong tương lai.

Ngọc Mai (t/h)

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi