Tiêu chảy là tình trạng trẻ đi ngoài từ 3 lần trở lên trong ngày và phân nhiều nước. Tiêu chảy có thể gây ra tình trạng mất nước nghiêm trọng, đe dọa tính mạng chỉ trong thời gian ngắn.
Trong điều trị tiêu chảy, điều quan trọng nhất là bù nước và điện giải; chế độ ăn hợp lý và vệ sinh cho trẻ.
Bù nước và điện giải
Bệnh tiêu chảy gây mất nước và điện giải nhiều, làm cho trẻ nhỏ nhanh suy kiệt, nên phải bù nước và điện giải kịp thời. Vì vậy, hãy cho trẻ bú mẹ nhiều hơn bình thường, uống dung dịch Oresol pha theo đúng hướng dẫn. Nếu không có Oresol, có thể pha dịch thay thế gồm: 8 thìa nhỏ (thìa cà phê) đường, 1 thìa nhỏ muối pha trong 1 lít nước hoặc dùng nước cháo muối... Khi bệnh nhân bị nôn nhiều nên uống từng ngụm nhỏ.
Chú ý: cần phải pha Oresol đúng lượng nước theo hướng dẫn vì nếu pha quá loãng, hàm lượng chất điện giải sẽ không đủ, có thể gây nguy hiểm cho trẻ; ngược lại, nếu pha quá đặc, trẻ sẽ bị ngộ độc muối, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng do lượng muối trong máu quá cao sẽ rút nước từ các tế bào ra, khiến cơ thể bị mất nước và rối loạn điện giải nghiêm trọng hơn.
Với trẻ có dấu hiệu mất nước nặng như mệt mỏi, đau đầu, buồn ngủ, tiểu ít... cần được điều trị tại cơ sở y tế.
Chăm sóc dinh dưỡng
Khi trẻ mắc tiêu chảy, niêm mạc ruột sẽ bị tổn thương. Do vậy, việc cung cấp đầy đủ năng lượng, đạm, vitamin và các yếu tố vi lượng đóng vai trò quan trọng đối với trẻ bị tiêu chảy, có tác dụng thúc đẩy sự phục hồi sớm niêm mạc ruột và nâng cao sức đề kháng cho trẻ.
Những ngày trẻ bệnh, cần cho ăn thức ăn mềm và lỏng hơn bình thường, nhưng vẫn phải đủ các chất dinh dưỡng là chất đạm, chất bột đường, chất béo, vitamin và khoáng chất. Do đường tiêu hóa của trẻ đang bị tổn thương, nên cần cho trẻ ăn thành nhiều bữa nhỏ, khoảng cách giữa các bữa ăn khoảng 2 giờ. Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi còn bú mẹ thì tiếp tục cho trẻ bú mẹ bình thường và nên cho trẻ bú mẹ tăng lên. Sữa mẹ có tác dụng rất tốt khi trẻ bị tiêu chảy vì trong sữa mẹ vừa đủ các chất dinh dưỡng, vừa dễ tiêu hóa, hấp thu. Nếu trẻ uống sữa ngoài, bạn tiếp tục cho uống bình thường nên cho uống tăng khối lượng và tăng bữa.
Trẻ lớn hơn cần cho trẻ ăn đủ các bữa với các loại thức ăn nấu chín kỹ, bổ dưỡng, dễ tiêu như ăn cháo với thịt lợn nạc, thịt gà... không nên bắt trẻ nhịn ăn hoặc ăn kiêng. Cần cho trẻ ăn thêm trái cây chín hoặc nước trái cây như: chuối, cam, đu đủ... để tăng cường thêm lượng Kali, vitamin C, beta-caroten.
Sai lầm hay mắc phải là: không cho trẻ uống sữa, chỉ cho ăn cháo trắng với muối, kiêng tất cả các loại thực phẩm khác vì sợ con bị tiêu chảy nặng hơn. Nếu làm như thế thì sẽ khiến trẻ dễ bị bệnh nặng hơn vì ăn uống không đủ dinh dưỡng, bệnh lâu khỏi.
Trong thời gian trẻ bị tiêu chảy, tuyệt đối không được cho trẻ uống các loại nước giải khát công nghiệp, không cho ăn các loại thức ăn chứa nhiều đường, vì những thức ăn này làm tăng tiêu chảy. Tránh dùng các loại thực phẩm có nhiều chất xơ, ít chất dinh dưỡng (măng, rau cần, tinh bột nguyên hạt khó tiêu hóa).
Sau khi khỏi tiêu chảy, để giúp trẻ phục hồi nhanh và tránh suy dinh dưỡng, cần cho trẻ ăn thêm mỗi ngày một bữa trong 2 tuần liền./.
Lệ Giang (TH)