Trang chủHoạt động ngànhGiáo dục sức khỏe

Căng cơ và bong gân - Hướng xử trí

Trong lao động, thể thao, sinh hoạt hàng ngày thì việc gặp phải có chứng liên quan đến cơ gân thường dễ xảy ra. Việc thực hiện sơ cứu có vai trò quan trọng trong điều trị các chứng này. Bong gân và căng cơ có các triệu chứng gần giống nhau, do đó cách xử trí bong gân và căng cơ cũng tương tự nhau. Điểm khác biệt giữa bong gân và căng cơ đó là bong gân khiến vùng bị thương bầm tím.

Ảnh minh họa

1. Như thế nào là bong gân và căng cơ ?

- Bong gân là tình trạng các dây chằng - mô khớp nối hai hoặc nhiều xương với nhau bị chấn thương. Khi bị bong gân, một hoặc nhiều dây chằng sẽ bị dãn hoặc bị rách. Bong gân thường gặp nhất ở cổ chân, thỉnh thoảng gặp ở cổ tay.

- Căng cơ là tình trạng các cơ căng giãn vượt quá giới hạn chịu đựng của cơ. Căng cơ thường gặp nhất là cổ tay, cổ chân, thắt lưng, cổ, cơ bụng chân và cơ đùi.

2. Triệu chứng khi bị bong gân và căng cơ

- Triệu chứng bong gân thường gặp là: Đau, sưng, bầm tím, không thể cử động được vùng khớp bị bong gân. Người bị bong gân có thể bị từ mức độ nhẹ đến nặng hoặc rất nặng.

- Triệu chứng căng cơ thường gặp là: Đau, cơ bị co thắt, yếu, sưng, khó cử động, chuột rút. Nếu căng cơ mức độ nặng tức cơ hoặc gân bị đứt hoàn toàn thì người bệnh sẽ rất đau và không cử động được.

3. Hướng xử trí khi bị bong gân và căng cơ

Khi bị bong gân hoặc căng cơ, người bệnh cần dừng cử động và thực hiện các cách sơ cứu ngay:

- Nghỉ ngơi: Hạn chế hoàn toàn các cử động để vùng bị thương nghỉ ngơi đến khi giảm đau.

- Chườm lạnh: Chườm lạnh vùng bị thương ngay lập tức, thực hiện 4 - 8 lần/ngày và khoảng 10 - 15 phút/lần. Cách này sẽ giúp giảm sưng. Sau khoảng 2 ngày chườm lạnh thì chuyển sang ngâm nước ấm.

- Cố định khớp: Sử dụng loại băng vải có độ đàn hồi cao băng vùng bị bong gân và căng cơ khoảng 2 ngày, lưu ý không nên băng quá chặt. Cách này giúp giảm sưng.

- Nâng cao vùng bị thương: Nâng hoặc kê cao vùng bị thương so với tim để làm giảm tình trạng sưng phù.

- Cần đi khám ngay khi có các dấu hiệu:

Cảm thấy đau nhiều khi cử động hoặc chạm vào vùng bị thương.

Chỗ bị thương bị bầm tím với mức độ tăng dần.

Cảm thấy tê vùng bị chấn thương.

Xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng chỗ bị bong gân, căng cơ.

Phần xương, khớp bị thương có hiện tượng biến dạng hoặc cong.

Gặp vấn đề khi khuân vác vật nặng và kéo dài tình trạng.

4. Các biện pháp phòng ngừa bong gân, căng cơ

- Để phòng tránh bong gân, căng cơ khi luyện tập thể thao, mọi người nên: Khởi động từ từ nhẹ nhàng, tăng dần. Mọi hoạt động của cơ thể đều thực hiện theo đúng phương pháp sẽ không xảy ra hiện tượng trật khớp hay bị bong gân, căng cơ.

- Không đứng ngồi một chỗ quá lâu: hãy thường xuyên đi lại, nghỉ giải lao và nên thay đổi tư thế, nên dùng loại ghế thích hợp cho công việc hoặc phù hợp với tư thế ngồi của lưng, khớp, có thể kê thêm gối phía sau để dựa cho thoải mái. Và hãy ngồi ở tư thế sao cho đầu gối ngang bằng với mức hông.

- Tránh mang vác vật nặng, khi bắt buộc phải làm thì giữ lưng thẳng, co đầu gối và từ từ nâng lên. Giữ vật nặng sát cơ thể và không được vừa nâng vừa xoay hay ném vật nặng cùng một lúc.

- Đi lại cẩn thận ở những nơi hay vị trí dễ gây té ngã như cầu thang, bề mặt trơn trợt và nên giữ sàn nhà được gọn gàng, sạch sẽ.

- Tránh tăng cân hay béo phì.

- Mang giày, dép thích hợp…

CN. Vũ Văn Trình (t/h)


Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi