Trang chủHoạt động ngànhGiáo dục sức khỏe

Các tổn thương về da thường gặp ở nhân viên y tế do sử dụng găng tay và dung dịch sát khuẩn


Ảnh minh họa

Việc nhân viên y tế vệ sinh tay đúng cách đóng vai trò rất quan trọng trong công tác khám chữa bệnh. Tuy nhiên, việc sử dụng quá nhiều dung dịch sát khuẩn và sử dụng găng tay y tế có thể dẫn đến tổn thương da tay và mắc một số bệnh về da.

Tổn thương da do sử dụng găng tay y tế

Viêm da tiếp xúc kích ứng khi đeo găng tay khá thường gặp, nguyên nhân do găng gây bịt kín da tay, bột bên trong găng, xà phòng và các chất tẩy rửa chưa được rửa sạch hoàn toàn trước khi mang găng.

Tuy vậy, việc mang 2-3 lớp găng tay bảo vệ là không cần thiết và không được khuyến cáo, đặc biệt trong thời tiết nóng bức, gây ẩm, bí vùng da tay, dẫn đến da dễ bị kích ứng do các thành phần trong găng tay y tế. Chỉ mang thêm 1 lớp găng tay trong những tình huống đặc biệt khi găng tay đang mang có nguy cơ bị rách, tay có tổn thương da trước đó hoặc có vết bẩn nhìn thấy được…

Viêm da tiếp xúc do dị ứng với thành phần cao su trong găng tay y tế khá thường gặp ở nhân viên y tế.

Dị ứng với latex là phản ứng quá mẫn type I với protein latex trong mủ cao su tự nhiên, có thể có biểu hiện lâm sàng khác nhau, từ mày đay đến sốc phản vệ. Các protein latex trong bột găng tay y tế có thể là dị nguyên gây phản vệ ở những người dị ứng với latex. Có thể làm test lẩy da để khẳng định chẩn đoán.

*Biện pháp dự phòng và điều trị

- Nên sử dụng găng tay y tế không có bột, găng tay y tế không latex.

- Làm khô tay hoàn toàn trước khi mang găng tay để tránh gây ẩm ướt và bí, dẫn đến tổn thương da tay.

- Nếu có tổn thương da, cần dùng steroid bôi tại chỗ và kem dưỡng ẩm bảo vệ hàng rào da. Tất cả các loại thuốc, kem bôi tại chỗ nên được dùng ít nhất 1 giờ trước khi mang găng tay.

- Tránh các loại kem bôi tay có chứa dầu hoặc petroleum vì có thể làm giảm tác dụng của găng tay.

Tổn thương da do sử dụng dung dịch sát khuẩn

Đối với tổn thương do dung dịch sát khuẩn, trong quá trình chà xát, cọ rửa vệ sinh tay, các chất hoạt động bề mặt và các hoá chất tẩy rửa sẽ làm tổn thương hàng rào da, thay đổi hệ vi sinh vật trên da tay và gây viêm da tiếp xúc kích ứng. Đây có thể là đầu vào tiềm ẩn của vi rút.

*Biện pháp dự phòng và điều trị

- Nên dùng các chế phẩm rửa tay nhanh có chứa cồn (> 60% ethanol hoặc 70% isopropanol) hơn các loại xà phòng. Các chế phẩm này có tác dụng bất hoạt vi rút nhanh và thuận tiện cho NVYT, ít gây tổn thương da hơn so với rửa tay bằng xà phòng và nước. Nên dùng dạng gel hơn dạng dung dịch.

- Sau khi rửa tay, nên bôi các loại kem dưỡng ẩm để bảo vệ hàng rào da, tốt nhất là các loại dưỡng ẩm có chứa ceramide.

 - Không nên đeo nhẫn, các loại phụ kiện tay vì các hoá chất gây kích ứng da có thể đọng lại dưới những đồ vật này sau khi rửa tay.

-Dùng steroid bôi vùng da bị kích ứng; dùng kháng sinh bôi nếu có bội nhiễm. Hơn nữa, vùng da bị tổn thương cần có thời gian để lành lại trước khi tiếp tục các ca làm việc.

Ở những khu vực khí hậu nhiệt đới như nước ta, nhân viên y tế càng dễ bị các tổn thương da, ngứa, khó chịu do nhiệt độ và độ ẩm cao, nắng nóng kéo dài. Tác động của những yếu tố này lên sức khoẻ của nhân viên y tế nói chung và sức khoẻ của làn da nói riêng cần được lưu ý./.

Thanh Tùng (t/h)

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi