Trang chủHoạt động ngànhGiáo dục sức khỏe

Các món ăn giúp giảm ra mồ hôi trộm ở trẻ

Ra mồ hôi là hiện tượng sinh lý tự nhiên để điều hòa nhiệt độ cơ thể và giúp thải các chất độc ra ngoài. Tuy nhiên nếu trẻ ra mồ hôi trộm thường xuyên sẽ ảnh hưởng không tốt cho sự phát triển của trẻ. Nếu mẹ không phát hiện kịp thời và lau hết mồ hôi ướt trên người của trẻ vào buổi đêm trẻ dễ bị nhiễm lạnh và mắc các bệnh về đường hô hấp. Có nhiều món ăn giúp giảm ra mồ hôi trộm cho trẻ hiệu quả, dưới đây là một số món ăn các mẹ có thể tham khảo:

Chè đậu xanh

Nguyên liệu: Đậu xanh 50g, gạo nếp 50g, lá dâu non (khô) 10g, đường vừa đủ.

Cách chế biến: Đậu xanh gạo nếp sao vàng tán thành bột nhỏ, lá dâu khô cho vào ấm cùng 250ml nước đun sôi kỹ chắt lấy nước. Cho bột đậu, bột gạo, đường vào nước lá dâu quấy đều, đun cho sôi lại là được.

Tim lợn hầm đậu đen

Cách làm: Tim lợn 1 quả rửa sạch, thát lát mong, đỗ đen 50g rửa sạch, ngâm trong nước khoảng 2 tiếng đồng hồ để đỗ mềm rồi vớt ra. Tim lợn và đỗ đen sau khi đã sơ chế sạch thì cho vào nồi, đổ 1 lượng nước vừa đủ rồi ninh đến khi đỗ mềm thì gia giảm gia vị cho vừa miệng rồi tắt bếp.

Cách dùng: Khi món ăn đã nấu xong thì có thể múc ra bát ăn trực tiếp. Nên ăn ngày 1 lần, không nên ăn quá nhiều bởi trẻ có thể không hấp thu được hết chất dinh dưỡng hoặc bị thừa chất.

Cháo hến và rễ cây hẹ

Nguyên liệu: 100g hến, 1 nắm gạo tẻ, 1 nắm gạo nếp và 50g rễ cây hẹ.

Cách thực hiện: Thịt hến sau khi làm sạch thì xào với hành cho bớt tanh. Ninh nhừ cháo rồi cho hến vào. Riêng phần rễ hẹ thì rửa sạch , giã nhỏ rồi lọc lấy nước cho vào cháo khi cháo đã ninh nhừ, khuấy đều rồi ninh thêm khoảng 3 phút thì tắt bếp.

Cách dùng: Múc cháo ra bát rồi cho trẻ ăn vào buổi sáng hoặc trưa, chiều nhưng chỉ ăn một bữa trong ngày.

Canh lá dâu

Cách thực hiện: Sử dụng 1 nắm lá dâu non khoảng 50g và 100g thịt lợn nạc băm nhuyễn. Lá dâu non rửa sạch, thái sợi mỏng. Thịt lợn băm thì phi hành mỡ, đảo đều, nêm 1 chút gia vị rồi đổ nước vào đun. Khi nước sôi cho lá dâu non đã được thái sợi vào, chờ cho nước sôi trở lại thì tắt bếp, món ăn đã hoàn thành.

Cách sử dụng: Đối với món ăn này có thể ăn kèm với cơm, ăn liền trong 5 ngày tình trạng đổ mồ hôi trộm ở trẻ sẽ được cải thiện rõ rệt.

Cháo gốc hẹ

Nguyên liệu: 30g gốc hẹ; 50g gạo; 50g thịt lợn nạc; gia vị vừa đủ.

Cách chế biến: Gốc hẹ chọn phần thân sát củ, rửa sạch giã nhỏ, lọc lấy 200ml nước đặc. Thịt lợn nạc băm nhỏ ướp bột gia vị xào chín. Gạo xay thành bột, cho vào nước gốc hẹ quấy đều, đun trên lửa nhỏ, khi cháo chín cho thịt lợn, bột ngọt vào đảo đều, cháo sôi lên là được.

Lưu ý: Cho bé ăn ngày một lần, cần ăn liền 2-3 ngày, nếu bé chưa ăn được thì lọc lấy nước cho uống.

Chè đậu đen

Nguyên liệu: Đậu đen 50g, long nhãn 15g, táo tầu 10g.

Cách chế biến: Đậu đen vo sạch cho vào nồi thêm 700ml nước ninh cho nhừ, long nhãn thái nhỏ, táo tầu bỏ hạt giã nhỏ, cho vào đậu đen đã nhừ, đun tiếp cho chè sôi là được.

Lưu ý: Cho trẻ ăn 2 lần/ngày, lúc đói vào sáng và tối, cần ăn liền trong 5 ngày.

Cháo trai

Nguyên liệu: 5 con trai đồng loại vừa; 30g lá dâu non; 50g gạo nếp; 50g gạo tẻ; dầu thực vật, bột gia vị vừa đủ.

Cách chế biến: Pha nước muối loãng ngâm trai, sau một tiếng vớt ra rửa sạch, cho vào nồi luộc. Nhặt lấy ruột trai và lọc lấy nước trong. Ruột trai bỏ hết phần đất, thái nhỏ ướp gia vị, dùng dầu thực vật xào cho thơm. Lá dâu non rửa sạch thái nhỏ. Gạo tẻ, gạo nếp xay thành bột mịn, cho thêm nước vào nước luộc trai, cho bột gạo vào quấy đều, đun nhỏ lửa. Khi cháo chín cho trai, lá dâu, nêm vừa gia vị, cháo sôi lại là được.

Lưu ý: Cho bé ăn 2 lần/ngày vào lúc đói, cần ăn liền trong 4-5 ngày.

Nhật Anh (t/h)

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi