Trang chủHoạt động ngànhGiáo dục sức khỏe

Các biến chứng và cách phòng tránh bệnh viêm màng bồ đào

Màng bồ đào có ba phần đó là mống mắt, thể mi và màng mạch. Đây là nơi chứa nhiều mạch máu, bao gồm các tĩnh mạch và động mạch đưa máu nuôi dưỡng mắt. Viêm màng bồ đào xảy ra khi một trong ba bộ phận của màng bồ đào bị viêm nhiễm, làm ảnh hưởng trực tiếp đến thị lực.

Viêm màng bồ đào nếu phát hiện sớm thì có thể kiểm soát được thị lực. Nhưng nếu người bệnh chủ quan hoặc điều trị sai cách, không những làm tình trạng bệnh ngày một xấu đi mà còn để lại những biến chứng nguy hiểm cho mắt.

Các biến chứng của viêm màng bồ đào:

Tăng nhãn áp (Glaucoma)

Màng bồ đào bị viêm có thể làm cho mống mắt (thường có màu nâu hoặc đen) dính vào bề mặt trước của ống kính (thủy tinh thể). Điều này ngăn cản quá trình thoát nước qua đồng tử, từ đó làm tăng áp lực bên trong mắt.

Khi áp lực trong mắt tăng cao có thể gây tổn hại các dây thần kinh thị giác. Vốn dĩ dây thầy kinh này có nhiệm vụ truyền tín hiệu hình ảnh nhận từ võng mạc lên não để được phân tích. Khi dây thần kinh này bị hư hại, người bệnh có thể thấy tầm nhìn hạn chế, xuất hiện quầng sáng quanh mắt khi soi đèn. Đây chính là hiện tượng tăng nhãn áp do biến chứng của viêm màng bồ đào.

 

Đục thủy tinh thể (Cataracts)

Viêm màng bồ đào có thể gây kích ứng thấu kính của mắt, gây vẩn đục thủy tinh thể và làm cản đường truyền của tia sáng tới võng mạc, được gọi là đục thủy tinh thể. Điều đó lí giải tại sao các trường hợp bị viêm màng bồ đào thường có những triệu chứng như nhìn mờ vào ban ngày nhưng lại rõ hơn vào ban đêm, tăng nhạy cảm với sánh sáng.

Phù hoàng điểm (CME) 

Phù hoàng điểm là biến chứng thường thấy nhất ở những người bị viêm màng bồ đào mạn tính hoặc viêm ở phần sau của mắt. Tình trạng viêm kéo dài sẽ làm tích tụ các dịch lỏng bên trong võng mạc tại điểm trung tâm (điểm vàng), làm gián đoạn khả năng hoạt động của mắt và dẫn đến giảm thị lực trung tâm. Trong hầu hết các trường hợp, thị lực sẽ được phục hồi khi bắt đầu quá trình điều trị.

Bong võng mạc

Bong võng mạc xảy ra khi lớp màng mỏng ở mặt sau của mắt là võng mạc bắt đầu tách ra khỏi thành nhãn cầu. Đây là biến chứng nguy hiểm nhất, cần được xử trí cấp cứu kịp thời. Những triệu chứng thường gặp khi bị bong võng mạc bao gồm: hoa mắt, đột ngột xuất hiện những đốm đen lởn vởn trong tầm nhìn, cảm giác hơi nặng trong mắt, chói sáng…

Phòng ngừa viêm màng bồ đào:

– Bệnh viêm màng bồ đào do tự miễn không phòng ngừa được

– Bệnh viêm màng bồ đào do nhiễm ký sinh trùng phòng ngừa bằng cách: Giữ vệ sinh sạch sẽ, rửa tay trước khi ăn, chỉ ăn chín, uống sôi, tránh ăn các món gỏi để tránh nhiễm ấu trùng giun, sán. Ngoài ra, không rửa mặt bằng nguồn nước ô nhiễm, bảo vệ mắt bằng kính khi tiếp xúc với môi trường khói bụi. Khi có các dấu hiệu của bệnh, cần đến ngay các cơ sở chuyên khoa mắt để khám và điều trị kịp thời. Viêm màng bồ đào dễ tái phát nên người bệnh người bệnh cần kiên trì điều trị.

Nhật Anh (t/h)

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi