Trang chủHoạt động ngànhGiáo dục sức khỏe

Bệnh hăm tã ở trẻ nhỏ

Bệnh hăm tã là bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ nhỏ do cho trẻ mặc tã lâu. Đây không phải là bệnh nguy hiểm, khó chữa nhưng gây khó chịu cho trẻ em khi các vùng da tiếp xúc với tã sẽ bị hơi đỏ, mưng mủ, nặng hơn có thể bị nứt da. 

 Nguyên nhân dẫn đến hăm tã ở trẻ

Hăm tã là một tình huống cũng rất thường gặp ở vùng mông, bẹn của trẻ làm da bị đỏ và đau, rát. Các nguyên nhân gây ra thường là:

Da trẻ bị dị ứng với chất liệu làm tã, hoặc với giấy ướt để lau, làm vệ sinh cho bé, hoặc với các hoá chất dùng tạo mùi thơm cho tã giấy.

Nhiễm trùng hay nhiễm nấm cũng là nguyên nhân gây hăm tã ở trẻ. Nấm hay vi trùng ký sinh thường có ở da, không nguy hại nhưng khi da ẩm ướt, bị dơ do nước tiểu hay phân của trẻ thì nấm và vi trùng dễ phát triển, gây bệnh trên da, làm da đỏ, nổi nhiều mụn nhỏ, ngứa, rát khó chịu.

Da quá nhạy cảm.

Một số nguyên nhân khác làm bé bị hăm tã:

Tã thô ráp chà xát lên vùng da nhạy cảm của bé.

Hóa chất trong bột giặt và chất làm mềm vải có thể ảnh hưởng đến làn da nhạy cảm của bé. Một số loại xà phòng thơm và nước thơm cũng có thể gây kích thích cho da.

Quần lót bằng nhựa có thể giữ cho quần áo bé sạch và khô nhưng nó lại không thông thoáng và làm da của bé giữ ẩm, dẫn đến hăm tã.

Triệu chứng của hăm tã

Rất dễ dàng nhận biết hăm tã. Dưới đây là các triệu chứng chính:

Bé tỏ ra khó chịu, ngủ không thẳng giấc.

Phần da tiếp xúc với tã, bao gồm bộ phận sinh dục, các ngấn ở đùi và mông, nổi mẩn đỏ.

Phần da dị ứng có thể khô hoặc ướt.

Có thể xuất hiện những vết sưng hoặc mụn gây lở loét trên da

Vùng da bị tổn thương sẽ rất đau và làm bé không cảm thấy dễ chịu nhất là khi nước tiểu tiếp xúc vào. Bé sẽ giật mình thường xuyên và đôi khi khóc thét lên.

Phòng tránh bệnh hăm ở trẻ nhỏ

Hăm tã không quá nguy hiểm nhưng cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của bé và khiến trẻ khó chịu, hay cáu gắt và bị đau rát. Nếu để nghiêm trọng thì sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày như vận động, ăn uống và ngủ không sâu, đặc biệt là sẽ bị nấm nếu không chữa kịp thời. Chính vì vậy, các bạn nên phòng ngừa hăm cho trẻ từ sớm bằng những cách sau đây:

Sử dụng loại tã chất lượng tốt, bỉm mềm mại và có khả năng thấm nước cao để giữ cho vùng mông, đùi của trẻ luôn khô thoáng. Mẹ có thể tham khảo.

Cha mẹ nên để ý và thay bỉm cho bé thường xuyên. Không nên để bỉm quá đầy dẫn đến ẩm ướt ở vùng mông của bé.

Khi thay bỉm cho bé mẹ nên vệ sinh sạch sẽ, nhẹ nhàng và khô ráo rồi mới mặc bỉm mới cho trẻ sơ sinh.

Cha mẹ cần tránh lạm dụng phấn rôm để làm khô vùng mông bởi vì loại phấn rôm này có thể làm bí lỗ chân lông khiến tình trạng bệnh trầm trọng hơn hoặc bị vấn đề về phổi nếu trẻ hít phải phấn quá nhiều.

Cần tránh mặc tã quá chật cho bé để vùng mông của bé luôn được thông thoáng khí.

Duy Tiến (t/h)

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi