Bệnh gai xương gót chân là do lắng đọng canxi tại những nơi thường xuyên chịu các vi chấn thương trên xương gót, áp lực của việc di chuyển, mang vác, đi lại, trọng lượng cơ thể đè lên xương gót chân. Bệnh hay gặp ở người thừa cân, béo phì, tuổi trung niên, vận động viên điền kinh, người có tật bẩm sinh ở chân.

Các triệu chứng của gai gót chân
Gai gót chân có thể xảy ra ở một chân hoặc cả hai chân. Đau là triệu chứng chính và vị trí đau có thể là bất cứ nơi nào ở mặt dưới của bàn chân. Tuy nhiên, vị trí đau thường gặp nhất là vùng cách gót bàn chân 4cm về phía trước, vùng này có thể đau nhiều hơn khi chạm vào.
Cơn đau thường tệ nhất khi bạn bước những bước đầu tiên khi thức dậy vào buổi sáng hoặc sau một thời gian dài nằm hoặc ngồi nghỉ ngơi. Tập thể dục nhẹ nhàng có thể làm giảm bớt triệu chứng đau. Việc bạn đi bộ đường dài sẽ làm cho cơn đau nặng hơn. Nếu bạn đi một đoạn đường ngắn nhưng bước đi bằng đầu ngón chân hoặc đi lên cầu thang, cơn đau cũng có thể nặng hơn. Đôi khi cơn đau có thể khiến bạn đi khập khiễng.
Vì sao bị gai xương gót?
Đối với người lao động mang vác nặng trong một thời gian dài hoặc ở những vận động viên khởi động chưa kỹ, sức nặng cơ thể sẽ đè quá mức vào vùng bắp chân và gân cơ Achille và tập trung vào vùng gót chân. Khi cơ cẳng chân và gân Achille bị quá tải sẽ làm căng cân cơ vùng gan chân dẫn đến phản ứng viêm quanh gân, thậm chí làm đứt gân cơ. Để chống lại các chấn thương đó cơ thể tự bồi phụ một lớp canxi mới bao bọc quanh gân gan chân. Kết quả là hình thành xương nhỏ ở mặt dưới gót chân, gọi là gai xương gót.
Những phương pháp điều trị bệnh gai xương gót chân
Thuốc
Các thuốc giảm đau kháng viêm như Celecoxib, Meloxicam, Piroxicam, Diclofenac ... có thể dùng dạng uống, kem thoa, xịt. Một số trường hợp nặng, bác sĩ có thể tư vấn việc tiêm Corticoid vào vùng viêm.
Vật lý trị liệu
Các phương pháp vật lý trị liệu như siêu âm điều trị, sóng ngắn, hồng ngoại, các bài tập cho bệnh lý gai xương gót...
Điều trị phẫu thuật
Bác sĩ sẽ cắt lọc mô viêm, có thể kết hợp khâu lại điểm bám gân gót hoặc giải ép cân gan chân. Phương pháp này được thực hiện khi tình trạng đau kéo dài mà các biện pháp điều trị khác thất bại.
Châm cứu
Tùy vào biểu hiện của bệnh, thầy thuốc sẽ châm kim vào các huyệt vùng gót chân để thúc đẩy lưu thông khí huyết, giảm viêm, giảm đau.
Xoa bóp bấm huyệt
Thầy thuốc sẽ tác động vào các huyệt vùng gót chân giúp tăng cường khí huyết lưu thông, tăng tuần hoàn tại chỗ.
Chế độ sinh hoạt
Người bệnh nên mang giày vừa với kích cỡ chân, đế giày không quá mềm hay quá cứng. Nghỉ ngơi, tránh mang xách vật nặng, tránh đứng lâu, đi lại khi đang đau nhiều, có thể thư giãn bằng cách gác chân cao, mang băng thun, chườm lạnh... Trước khi chơi thể thao, cần khởi động kỹ cổ chân và bàn chân.
Gai xương gót không gây nguy hiểm, nhưng nếu không điều trị sớm, bệnh có thể ảnh hưởng nhiều đến vận động bàn chân và chất lượng sống.
Duy Tiến (t/h)