Ảnh minh họa
Chẩn đoán bệnh bụi phổi
Để chẩn đoán bệnh bụi phổi một cách chính xác nhất, các bác sĩ sẽ thu thập những thông tin liên quan đến các yếu tố nguy cơ mắc bệnh như nghề nghiệp, môi trường sống, đồng thời sử dụng một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh như X-quang hay CT. Hình ảnh thu được cho thấy trong phổi của người bệnh có xuất hiện mô sẹo hoặc các nốt sần.
Ngoài ra, các bác sĩ có thể gợi ý thêm một số phương pháp kiểm tra khác để tìm hiểu kỹ hơn về tình trạng của người bệnh, chẳng hạn như:
- Đánh giá chức năng của phổi để kiểm tra sự lưu thông không khí trong cơ thể người bệnh
- Xét nghiệm độ bão hòa oxy sẽ giúp các bác sĩ biết được lượng oxy trong máu của người bệnh.
Điều trị bệnh bụi phổi
Việc điều trị dứt điểm bệnh bụi phổi cho đến thời điểm hiện tại vẫn còn gặp nhiều khó khăn, các bác sĩ chỉ có thể giúp người bệnh cải thiện các triệu chứng và hướng dẫn người bệnh sống chung với bệnh lý này.
Các bác sĩ có thể khuyên người bệnh nên chuyển sang một công việc khác phù hợp hơn. Trong trường hợp mắc bệnh bụi phổi do hút thuốc lá, người bệnh cần phải bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt.
Bác sĩ cũng có thể chỉ định thuốc dạng hít như thuốc giãn phế quản hoặc corticosteroid. Thuốc giãn phế quản sẽ giúp mở rộng đường thở của người bệnh trong trường hợp người bệnh bị khó thở. Corticosteroid có thể làm hạn chế tình trạng viêm đường thở.
Nếu kết quả chẩn đoán cho thấy mức độ oxy trong máu của người bệnh bị suy giảm, các bác sĩ có thể sử dụng liệu pháp bổ sung oxy. Một vài bệnh nhân có thể phải cần đến liệu pháp này cả ngày, một số khác chỉ cần sử dụng vào ban đêm.
Một số cách phòng tránh bệnh bụi phổi
Nếu bạn đang làm việc trong môi trường nhiều khói bụi và có nguy cơ cao mắc bệnh bụi phổi, bạn cần tuân thủ những nguyên tắc sau để phòng ngừa bệnh trong tương lai:
- Đeo khẩu trang thường xuyên tại nơi làm việc
- Sau khi làm việc, cần phải rửa tay và rửa mặt kỹ lưỡng trước khi ăn uống
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện ra bệnh trong giai đoạn sớm, kịp thời ngăn chặn bệnh tiến triển.
Lan Uyển (t/h)