Tâm thần phân liệt là một bệnh rối loạn tâm thần nặng và phổ biến, nguyên nhân chưa rõ ràng. Bệnh có tính chất tiến triển với những rối loạn đặc trưng về tư duy, tri giác, cảm xúc dẫn đến những rối loạn cơ bản về tâm lý và nhân cách theo kiểu phân liệt, nghĩa là mất dần tính hài hòa, thống nhất gây ra những chia cắt trong các mặt hoạt động tâm thần. Bệnh tâm thần phân liệt có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng chủ yếu tập trung ở người trẻ.
Triệu chứng bệnh Tâm thần phân liệt
Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết bệnh tâm thần phân liệt thường được chia thành 3 loại như sau:
1. Triệu chứng dương tính
- Hoang tưởng: Tin vào những điều không phù hợp với thực tế. Người bệnh cho rằng mình bị theo dõi hoặc bị điều khiển từ bên ngoài.
- Ảo giác: Chủ yếu là nhìn hoặc nghe thấy những thứ không tồn tại, mặc dù ảo giác có thể ở bất kỳ loại giác quan nào. Ảo thanh là loại ảo giác thường gặp nhất trong tâm thần phân liệt.
- Rối loạn tư duy: Khó diễn đạt suy nghĩ, hoặc đang nói chủ đề này chuyển sang chủ đề khác mà không có sự liên kết logic. Lời nói rời rạc, lung tung, khó hiểu.
- Hành vi vô tổ chức: Biểu hiện ở nhiều mức độ, từ ngây ngô, dại dột đến kích động khó lường.
2. Triệu chứng âm tính
- Mất quan tâm trong hoạt động hàng ngày: Người bệnh thường không quan tâm tới các vấn đề, sự kiện xuất hiện xung quanh. Ngại tham gia các hoạt động hàng ngày.
- Xuất hiện thiếu cảm xúc: Người bệnh mặc cảm với những người xung quanh, không còn hào hứng với những thú vui trước đây. Cảm xúc trái ngược (yêu ghét thất thường),xa lánh người thân, đôi khi còn có những cảm xúc bất chợt vô cớ: khóc, cười, lo sợ, giận dữ…
- Giảm khả năng lập kế hoạch hoặc thực hiện hoạt động: Người bệnh cảm thấy khó tập trung trong công việc, học tập. Người lao động chân tay không thể dậy sớm, không đi làm đúng giờ. Hoạt động chậm chạp, hiệu quả công việc, học tập giảm sút.
- Thu rút khỏi xã hội: Người bệnh ngại giao tiếp với mọi người dẫn tới tình trạng mất đi khả năng giao tiếp xã hội. Tình trạng này có thể do hoang tưởng sợ có ai đó làm hại.
- Mất động lực: Người bệnh không còn cảm thấy hứng thú, không còn động lực để làm việc, học tập hoặc không muốn tham gia vào bất cứ một hoạt động xã hội nào.
3. Triệu chứng nhận thức
Các triệu chứng nhận thức liên quan với quá trình suy nghĩ. Những triệu chứng này can thiệp vào khả năng thực hiện công việc hàng ngày. Các triệu chứng suy giảm nhận thức bao gồm:
- Tiếp nhận thông tin kém
- Khó tập trung chú ý
- Giảm trí nhớ
- Triệu chứng trầm cảm.
Bệnh tâm thần phân liệt gặp chủ yếu ở người trẻ tuổi - Ảnh: crosswalk
Nguyên nhân gây bệnh tâm thần phân liệt
- Yếu tố di truyền: Trong gia đình có bố hoặc mẹ mắc tâm thần phân liệt, khoảng 10% con sinh ra có khả năng mắc bệnh.
- Yếu tố sinh học: Các sang chấn từ bên ngoài có thể liên quan tới sự xuất hiện của bệnh tâm thần phân liệt. Những chấn thương não, tiếp xúc với virus hoặc các chất độc khi trong bụng mẹ cũng dẫn tới khả năng mắc bệnh.
- Môi trường sống: Điều kiện sống không tốt, môi trường làm việc nhiều áp lực dẫn tới những tình trạng căng thẳng, stress cũng là nguyên nhân khiến giới trẻ ngày nay càng có nhiều người mắc tâm thần phân liệt.
- Các mối quan hệ trong gia đình: Hiện chưa có nhiều bằng chứng nào cho thấy mối quan hệ gây bệnh trong gia đình. Tuy nhiên, một số người mắc tâm thần phân liệt nhạy cảm với bất cứ sự căng thẳng nào trong quan hệ gia đình và có thể liên quan tới khả năng tái phát bệnh./.
Gia Hân (t/h)