Răng sâu là một tổn thương cấu trúc của răng nhưng nó không có khả năng tự phục hồi nên phải điều trị. Bình thường răng sâu từ lớp nông đến lớp sâu theo giải phẫu của răng. Nó còn làm cho bạn có mùi hôi trong miệng. Ban đầu, sâu răng triệu chứng là sự đổi màu ở mặt răng (mặt nhai hoặc kẽ giữa 2 răng…) và lúc này không thấy biểu hiện. Trải qua thời gian các điểm biến đổi màu này chuyển sang tối hơn (màu nâu hoặc màu đen). Khi lỗ hổng sâu răng xuất hiện làm cho thức ăn bị giắt vào và có biểu hiện buốt khi ăn thức ăn nóng, lạnh và đau khi có thức ăn giắt vào. Sau đó khi lỗ sâu tiếp tục phát triển thì phần đáy lỗ sâu bị bong calcium và mềm hóa nhiễm vào tầng sâu của răng… và cuối cùng làm cho viêm tuỷ răng. Khi đó nếu không chữa trị thì bệnh sẽ nặng nề gây viêm chóp chân răng hoặc vỡ cụt thân răng, mất chức năng của răng.
Điều trị sâu răng: người ta sử dụng biện pháp tái khoáng phần bị sâu (dùng dung dịch gồm các chất calcium, phosphate, fluorine trám vào nơi răng bị sâu) đây là biện pháp chữa trị cho răng mới bị sâu, là biện pháp đơn giản, không đau, hiệu quả và an toàn. Khi lỗ sâu đã rộng thì phải dùng biện pháp nạo bỏ phần răng sâu nhằm ngăn chặn sự phát triển tiếp theo của răng sâu, sau đó hàn trám để hàn thật chắc vào răng, trám đầy lỗ khuyết của răng để thức ăn không giắt vào và không lưu lại vi khuẩn (nếu sâu răng đã gây viêm tuỷ thì phải diệt tuỷ trước khi hàn, trám răng). Đây là biện pháp ngăn chặn sâu răng tiến triển nặng hơn, khôi phục tính năng của răng, giữ được thẩm mỹ và chức năng của hàm răng. Để phòng các răng khác bị sâu, bạn nên vệ sinh răng miệng đúng cách (chải răng sau khi ăn và trước khi đi ngủ - ít nhất 2 lần/ngày). Hạn chế sử dụng thức ăn có nhiều đường, sử dụng kem đánh răng có chứa flourine, dùng nước súc miệng diệt khuẩn sau bữa ăn (ví dụ listerine…). Trong tình huống của bạn nên đi khám chuyên khoa Răng Hàm Mặt để được giải đáp chữa trị hiệu quả.