Phòng tránh đột quỵ trong mùa đông
Vào mùa đông, thời
tiết lạnh, cơ thể tăng tiết các catecholamine trong máu dẫn đến co mạch ngoại
biên. Mạch máu ở một số vùng co lại sẽ đẩy máu ra những khu vực ít chịu ảnh
hưởng hơn, gây giãn mạch thụ động ở những nơi đó (như mạch não, mạch phổi), do
đó, dễ gây các biến chứng đứt mạch não hoặc phù phổi cấp.
Ngoài ra, thời tiết
lạnh cũng làm tăng số lượng tiểu cầu, hồng cầu và độ nhớt của máu, làm tăng
nguy cơ bệnh động mạch vành, tai biến mạch máu não và bệnh mạch máu ngoại vi,
đặc biệt ở người già bởi khả năng miễn dịch và tính chịu đựng cơ thể kém, mạch
máu giảm tính đàn hồi, trở nên cứng hơn, máu tăng độ quánh do tăng cholesterol,
giảm enzyme tiêu hủy sợi huyết, lòng mạch bị thu hẹp, máu hay bị kết vón, lưu
lượng máu qua não giảm đến 1/5 so với thông thường, dự trữ chức năng không còn
nhiều nên rất khó thích nghi với những thay đổi bất thường của thời tiết.
Đặc biệt, với những
người có tiền sử huyết áp cao, thành mạch máu thoái hóa dày lên, sẽ ảnh hưởng
tới tuần hoàn não. Khi gặp thay đổi đột ngột từ bên ngoài, những động mạch đưa
máu lên não bị tắc nghẽn, não sẽ bị thiếu chất dinh dưỡng và oxy, dẫn đến đột
quỵ và tử vong.
Sự thay đổi lớn về
nhiệt độ, từ ấm sang lạnh, làm tăng huyết áp, khiến mạch máu bị thắt lại. Mạch
máu khi bị biến dạng sẽ dễ dẫn tới tình trạng phình động mạch chủ, gây đột quỵ.
Thêm vào đó, vào mùa
đông, số người uống rượu càng nhiều do lầm tưởng uống rượu sẽ giúp cơ thể ấm
áp. Chất cồn lưu lại trong máu lâu do khả năng bài tiết qua đường mồ hôi giảm,
dẫn tới tăng huyết áp, nhịp tim, tăng lưu lượng máu và làm giảm độ kết dính của
máu. Khi đó, chỉ cần xuất huyết nhẹ là đủ dẫn tới tai biến.
Phòng tránh đột quỵ trong mùa đông
- Làm ấm
cơ thể
Để ngăn
ngừa đột quỵ vào mùa lạnh thì việc giữ ấm cơ thể là vô cùng quan trọng. Chúng
ta cần phải biết làm ấm cơ thể khi ra khỏi giường, nhất là người cao tuổi. Sau
khi ngủ dậy, mọi người không nên vùng dậy đi lại ngay mà cần có thời gian khởi
động để cơ thể dần thức dậy.
Nên nắn
bóp nhẹ nhàng, làm nóng các cơ, khớp trước khi bước xuống giường. Với người có
bệnh xương khớp, tim mạch cũng phải khởi động nhẹ trước khi bước xuống giường
để tránh tai nạn, tai biến…
Ngoài ra,
mùa lạnh cần nghỉ ngơi, sinh hoạt, làm việc trong một không gian ấm áp, tránh
tiếp xúc đột ngột với gió lạnh. Thường xuyên uống nước ấm, ăn những đồ ăn ấm
nóng. Trường hợp phải ra ngoài trời, hãy trang bị bằng những bộ đồ ấm áp, đội
mũ len, đeo khăn, găng tay, đặc biệt giữ ấm đầu và cổ.
- Ăn uống khoa học,
thói quen sinh hoạt lành mạnh
Thời tiết
lạnh có thể khiến chúng ta nhanh đói do tiêu hao năng lượng nhiều hơn, hãy cung
cấp năng lượng cho cơ thể bằng thực phẩm có thể giúp tăng nhiệt độ cơ thể giúp
cơ thể cảm thấy ấm áp.
Thức ăn
mất nhiều thời gian hơn để tiêu hóa có thể giúp tăng nhiệt độ cơ thể và khiến
chúng ta cảm thấy ấm hơn. Vì vậy nên ăn các loại rau xanh và trái cây, thực
phẩm chứa nhiều omega-3, omega-6, chất béo tốt cho tim mạch, để phòng ngừa đột
quỵ.
Bên cạnh đó,
bạn cũng nên ăn nhạt để tốt cho huyết áp và hoạt động của tim mạch. Không nên
ăn những đồ ăn có chứa nhiều dầu mỡ, các loại đồ ăn chiên xào vì nó có thể làm
tăng nguy cơ mỡ máu và hình thành cục máu đông.
Ngoài chế
độ ăn uống khoa học, cũng nên giữ một lối sống lành mạnh: Không nên hút thuốc
lá, không nên uống rượu bia, nên tập thể dục đều đặn mỗi ngày với những bài tập
phù hợp. Thường xuyên theo dõi và duy trì chỉ số huyết áp, lượng cholesterol và
chất béo trung tính, chỉ số BMI ở mức khỏe mạnh. Giữ tinh thần luôn thoải mái,
tránh căng thẳng, buổi sáng trước khi rời giường nên có vài động tác vận động
nhẹ để làm nóng cơ thể, thích ứng với thời tiết bên ngoài, không nên xuống
giường ngay khi vừa thức dậy.
- Khám sức
khỏe định kỳ, uống thuốc theo chỉ định bác sĩ
Việc khám
sức khỏe định kỳ là vô cùng quan trọng. Những người mắc các bệnh lý đái tháo
đường, tim mạch, mỡ máu càng cần đi khám sức khỏe định kỳ để kiểm soát tình
trạng bệnh, không để các chỉ số vượt quá mức nguy hiểm gây ra đột quỵ.
Nếu những
người đã có sẵn các bệnh lý tim mạch thì cần bảo vệ sức khỏe của mình tốt hơn.
Mùa lạnh rất dễ mắc cúm và người tim mạch khi mắc cúm sẽ có thể xảy ra nhiều
biến chứng nghiêm trọng, trong đó có suy tim, đột quỵ,…
Nhật Anh (t/h)