Hội chứng trào ngược dạ dày thực quản: Nguyên nhân và triệu chứng
Hội chứng trào ngược dạ dày
là bệnh lý tiêu hoá phổ biến nhưng nhiều người chủ quan và không điều trị kịp
thời dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Ảnh minh họa
1. Tìm hiểu về hội chứng
trào ngược dạ dày thực quản
Hội chứng trào ngược dạ dày
thực quản (GERD - Gastroesophageal reflux disease) hay có tên gọi khác là
trào ngược dạ dày. Đây là bệnh lý đường tiêu hoá phổ biến với 10 đến 20% dân số
thế giới và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi khác nhau. Trào ngược dạ dày là hiện
tượng dịch axit trong dạ dày trào ngược lên phần thực quản làm tổn thương niêm
mạc thực quản từ đó gây cảm giác khó chịu cho cơ thể. Tùy tình trạng, nguyên
nhân khác nhau, hội chứng trào ngược dạ dày có thể xuất hiện theo từng đợt hoặc
liên tục. Khi các triệu chứng trào ngược dạ dày kéo dài và không được điều trị
đúng cách có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe như: viêm thực
quản, xơ hoá thực quản, barrett thực quản, ung thư thực quản,... hoặc một số bệnh
lý khác về tai mũi họng.
2. Nguyên nhân gây trào ngược
dạ dày thực quản
Các nguyên nhân gây hội
chứng trào ngược dạ dày thực quản thường được chia theo 2 nhóm cơ chế sau:
- Suy giảm chức năng co thắt
thực quản dưới do tác dụng phụ của một số hoạt chất thuốc glucagon, aspirin,
ibuprofen,...; thường xuyên dùng chất kích thích như cà phê, rượu bia, thuốc
lá,...; bệnh lý xơ hoá, nhiễm trùng thực quản, cơ vòng suy yếu, thoát vị
hoành,...
- Dư thừa axit dạ dày do bệnh
lý dạ dày (viêm loét, ung thư, hẹp hang môn vị,...); thói quen ăn uống kém lành
mạnh (đồ ăn nhanh, nhiều dầu mỡ, chiên xào, nước ngọt có ga, thực phẩm gây đầy
bụng, khó tiêu,...); thói quen ăn quá nhanh và nhiều thức ăn trong thời gian ngắn
khiến dạ dày bị quá tải;...
Ngoài ra còn một số nguyên
nhân khác như:
- Tình trạng thừa cân quá mức
gây chèn ép và gia tăng áp lực lên vùng bụng đặc biệt là dạ dày.
- Phụ nữ mang thai: kích thước
em bé phát triển tác động lên dạ dày.
- Cơ thể căng thẳng hoặc
stress trong thời gian dài ảnh hưởng đến hệ thần kinh phó cảm gây trào ngược,...
3. Các dấu hiệu nhận biết
- Ợ chua, ợ nóng là biểu hiện
phổ biến và rất dễ nhận biết ở người mắc hội chứng trào ngược dạ dày thực
quản. Tình trạng này thường diễn ra sau khi ăn hoặc vào buổi sáng. Sau khi
ợ chua, người bệnh sẽ cảm giác miệng có vị chua kèm theo cảm giác nóng rát hoặc
đau ở vùng xương ức từ phần cơ trơn thực quản sau đó lan dần đến họng và mang
tai.
- Buồn nôn, nôn: Theo cơ chế
sinh lý tự nhiên, khi thức ăn được đưa vào cơ thể qua thực quản đến dạ dày thì
cơ vòng dạ dày có chức năng đóng lại để ngăn dịch vị và thức ăn trào ngược lại.
Tuy nhiên đối với triệu chứng trào ngược dạ dày khi axit trào ngược lên gây
kích thích miệng, họng từ đó tạo cảm giác buồn nôn hoặc nôn thức ăn ra ngoài.
- Miệng có vị đắng và mùi
hôi: Ở mức độ trào ngược vừa và nặng, người bệnh thường xuất hiện triệu chứng đắng
hoặc hôi miệng. Điều này có thể giải thích do trong lượng axit trào ngược từ dạ
dày lên thực quản có lẫn một phần dịch mật.
- Đau vùng thượng vị: Đau
vùng thượng vị là các cơn đau âm ỉ với cảm giác co thắt, đè nén tại vị trí dưới
xương sườn và trên rốn. Các cơn đau này có thể lan rộng toàn bộ vùng ngực, cánh
tay hoặc vùng lưng. Đây là dấu hiệu thường gặp ở người bệnh do sự kích thích của
lượng axit trào ngược tác động đến hệ thần kinh trên niêm mạc thực quản, gây cảm
giác đau tức.
- Tiết nhiều nước bọt: Khi
axit dạ dày trào ngược, cơ thể phản xạ tự nhiên sẽ tăng tiết nước bọt để trung
hòa lượng axit. Chính vì thế, tiết nhiều nước bọt hơn bình thường là một dấu hiệu
cần cảnh giác để phát hiện và điều trị sớm trào ngược dạ dày.
- Nuốt khó: Hội chứng trào
ngược dạ dày thực quản ở mức độ nặng thường gây ra triệu chứng khó nuốt thức
ăn, nước bọt và người bệnh thường có cảm giác vướng, nghẹn ở phần họng. Nguyên
nhân do niêm mạc thực quản bị tổn thương sau thời gian dài tiếp xúc với axit dạ
dày gây tình trạng sưng tấy, phù nề.
- Khàn tiếng, ho khan: Ngoài
tổn thương thực quản thì trào ngược dạ dày còn ảnh hưởng trực tiếp đến thanh quản
của người bệnh với biểu hiện thường gặp là khàn tiếng hoặc ho khan. Axit dạ dày
tiết ra quá mức bình thường trong thời gian dài khiến niêm mạc thanh quản bị tổn
thương dẫn đến phù nề. Điều này khiến tăng cảm giác ho khan kèm khàn tiếng hoặc
đau họng.
Ngoài ra, đối với một số bệnh
nhân trào ngược dạ dày nặng có thể xuất hiện các triệu chứng báo động như đi
ngoài ra máu, nôn ra máu, khó thở, sụt cân đột ngột, thiếu máu, đau tức ngực dữ
dội./.
Minh Đức (t/h)