Có nhiều cách chữa trào ngược dạ dày thực quản, bác sĩ sẽ chỉ định
dựa theo từng trường hợp, cụ thể như sau:
1. Phương pháp chữa trào ngược dạ dày bằng thuốc
Nếu việc thay đổi lối sống và chế độ ăn uống không hiệu quả, bác sĩ có
thể kê đơn thuốc để điều trị trào ngược dạ dày thực quản. Cơ chế chính của
thuốc là giảm mức axit trong dạ dày hoặc làm tăng nhu động ở đường tiêu hóa
trên. Các loại thường dùng gồm:
- Thuốc kháng axit:
Thuốc kháng axit thường được chỉ định cho các trường hợp có triệu chứng
trào ngược không liên tục. Việc dùng thuốc thường xuyên trong thời gian
dài có thể khiến tình trạng bệnh thêm trầm trọng, kích thích dạ dày tăng sản
xuất axit.
- Thuốc kháng
histamin: Thuốc kháng Histamine H2 là thuốc giúp giảm tiết axit và phục hồi
các tổn thương ở thực quản do trào ngược gây ra.
- Thuốc ức chế bơm
proton: Thuốc ức chế bơm proton (PPI) là thuốc có tác dụng ngăn chặn ba
con đường chính sản xuất axit, mang lại hiệu quả cao hơn so với thuốc
kháng H2. Ngoài ra, thuốc ức chế bơm proton còn giúp phục hồi tình trạng
viêm thực quản do trào ngược dạ dày, kể cả các trường hợp tổn thương
nghiêm trọng.
- Thuốc kích thích nhu
động ruột: Thuốc kích thích nhu động ruột có tác dụng tăng cường hoạt động
của cơ trơn đường tiêu hóa, hiệu quả kém hơn thuốc ức chế bơm proton, thường
được chỉ định sử dụng kết hợp với các thuốc khác.
2. Phẫu thuật và thủ thuật
Có nhiều phương pháp phẫu thuật và thủ thuật được chỉ định
trong chữa trào ngược dạ dày thực quản, có thể kể đến như:
2.1 Phẫu thuật khâu xếp nếp đáy vị vào thực quản (Fundoplication)
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ sử dụng phần trên của dạ dày để củng
cố cơ vòng thực quản dưới, từ đó giúp ngăn chặn axit dạ dày trào ngược lên thực
quản. Hầu hết các trường hợp sẽ được phẫu thuật nội soi với nhiều ưu điểm so với
mổ mở .
2.2 Thủ thuật qua nội soi ngả miệng (TIF)
Thủ thuật qua nội soi ngả miệng được chỉ định đối với các trường hợp
không thể thực hiện phẫu thuật khâu xếp nếp đáy vị vào thực quản
(Fundoplication). Ưu điểm là ít đau, thời gian điều trị nhanh và sớm phục hồi.
Trong quá trình thủ thuật, bác sĩ sẽ dùng dụng cụ nội soi chuyên dụng đưa vào
qua ngả miệng, xuống thực quản để tạo các nếp gấp ở đáy thực quản. Các nếp gấp
này sẽ tạo thành một van mới, thực hiện chức năng ngăn chặn axit trào ngược từ
dạ dày lên thực quản. Thủ thuật cần được thực hiện qua gây mê.
2.3 Thủ thuật Stretta
Bác sĩ đưa ống nội soi xuống thực quản, sau đó truyền sóng điện từ tần
số thấp đến vị trí nối giữa thực quản – dạ dày. Mục đích là tạo những vết cắt
nhỏ trên mô thực quản. Khi các vết cắt này lành lại, mô sẹo hình thành sẽ ngăn
các dây thần kinh phản ứng với chứng trào ngược axit.
Hầu hết các trường hợp thực hiện thủ thuật Stretta đều phục hồi nhanh
chóng, tình trạng trào ngược dạ dày được kiểm soát tốt, từ đó giảm sử dụng thuốc
ức chế bơm proton và cải thiện chất lượng cuộc sống đáng kể.
2.4 Phẫu thuật Linx
Bác sĩ sử dụng một chiếc vòng nhỏ gồm nhiều hạt titan xâu chuỗi với
nhau để quấn quanh cơ vòng thực quản dưới, nhằm hỗ trợ hoạt động đóng mở ổn định,
đưa thức ăn đi qua dễ dàng và ngăn trào ngược. Phương pháp này là phẫu thuật
xâm lấn tối thiểu, có tính an toàn cao và thời gian phục hồi ngắn.
3. Cắt bỏ một phần thực quản
Với những trường hợp thực quản đã bị tổn thương nghiêm trọng do axit dạ
dày trào ngược hoặc tiến triển thành ung thư, bác sĩ sẽ chỉ định cắt bỏ, sau đó
tạo hình thực quản bằng dạ dày.
4. Điều trị trào ngược dạ dày thực quản tại nhà
Đối với các trường hợp trào ngược dạ dày thực quản không nghiêm trọng,
người bệnh có thể tự chăm sóc tại nhà bằng cách thay đổi chế độ ăn uống, sinh
hoạt lành mạnh. Các phương pháp này cũng được chỉ định áp dụng song song với những
phương pháp điều trị y tế khác:
- Giảm cân nếu thừa
cân
- Tránh ăn các thực phẩm
làm tăng lượng axit trong dạ dày, chẳng hạn như đồ uống có chứa caffeine.
- Tránh các thực phẩm
làm giảm áp lực ở thực quản dưới, như đồ ăn nhiều chất béo, rượu và bạc
hà.
- Tránh các thực phẩm ảnh
hưởng đến nhu động ruột (chuyển động của cơ trong đường tiêu hóa), chẳng hạn
như cà phê, rượu và chất lỏng có tính axit.
- Tránh những thực phẩm
làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày, chẳng hạn như thực phẩm nhiều chất
béo.
- Chia khẩu phần ăn
trong ngày thành các bữa nhỏ
- Bỏ hút thuốc lá
- Không nên nằm ngay
sau khi ăn
- Kê cao đầu khi nằm.