image banner
anh tin bai
 

 anh tin bai

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

anh tin bai

anh tin bai

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement
anh tin bai
anh tin bai
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Nguồn gốc, ý nghĩa Ngày Dân số Thế giới 11/7
Lượt xem: 73

             Ngày dân số Thế giới là sự kiện diễn ra hằng năm vào ngày 11/7. Đây là dịp để toàn thế giới nâng cao nhận thức về các vấn đề dân số.

 

anh tin bai

 

1. NGUỒN GỐC, Ý NGHĨA NGÀY DÂN SỐ THẾ GIỚI 11/7  

Vào lúc 6 giờ 35 phút (theo giờ tại Anh), ngày 11/7/1987, một cậu bé người Nam Tư có tên là Matej Gašpar chào đời tại Zagreb (nay là Thủ đô của Croatia) và đã trở thành công dân thứ 5 tỷ của thế giới. Tại thời điểm đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã tổ chức lễ kỷ niệm. Theo quan niệm của họ, đây là sự kiện quan trọng đặc biệt đánh dấu chiến thắng trong cuộc đấu tranh chống lại những thế lực đã kìm hãm sự sinh trưởng trong lịch sử của nhân loại.

Tuy nhiên họ cũng nhận thức được rằng, với dân số 5 tỷ dân lúc đó, các mối họa lớn sẽ xảy ra do sự bùng nổ dân số. Chính vì vậy, cột mốc này cũng là hồi chuông cảnh tỉnh và nhắc nhở mọi người trên trái đất về sự cạn kiệt tài nguyên, sự ô nhiễm môi trường, sự mất cân bằng sinh thái và sự bất bình đẳng giữa quyền con người.

Trước những hiểm họa mà bùng nổ dân số có thể gây ra, diễn đàn dân số thế giới do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA - United Nations Population Fund) đã tổ chức Hội nghị Quốc tế về dân số tại Amsterdam, Hà Lan vào tháng 11 năm 1989. Hội nghị quyết định lấy ngày sinh của cậu bé Matej Gašpar là ngày 11/7 làm ngày Dân số thế giới. Kể từ đó, ngày 11/7 hằng năm là ngày nhắc nhở mỗi quốc gia và mỗi người trên trái đất về nguy cơ của bùng nổ dân số. Đây là nguyên nhân hạn chế các quyền cơ bản (học hành, việc làm, dinh dưỡng, bảo vệ sức khỏe…). Bùng nổ dân số quá nhanh khiến đời sống con người gặp nhiều khó khăn. Nó cũng là căn nguyên khởi sinh nhiều vấn đề của xã hội, kìm hãm sự phát triển kinh tế.

Trên cơ sở đó, mỗi quốc gia cần tự liên hệ tình hình dân số của mình để vạch ra được những kế hoạch, hướng đi phù hợp, kịp thời. Từ đó triển khai những biện pháp, chính sách đúng đắn góp phần làm giảm sự gia tăng dân số. Bên cạnh đó là nâng cao chất lượng cuộc sống, trình độ dân trí và cải tạo môi trường sinh thái.

2. CHỦ ĐỀ NGÀY DÂN SỐ THẾ GIỚI 11/7/2024 VÀ TẠI VIỆT NAM

2.1. Chủ đề ngày Dân số Thế giới 11/7/2024

Chủ đề ngày Dân số Thế giới năm 2024: Kỷ niệm 30 năm thực hiện Chương trình Hành động Hội nghị quốc tế về Dân số và phát triển, Cairo1994.

Năm 1994 tại Cairo, Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển, 179 quốc gia trong đó có Việt Nam đã thông qua chương trình hành động với tầm nhìn sâu rộng trong lĩnh vực dân số và phát triển (ICPD). Các quốc gia đều đồng thuận với quan điểm cho rằng cần đặt con người vào vị trí trung tâm và khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa dân số và phát triển. Việc lồng ghép đầy đủ các vấn đề dân số vào các chiến lược phát triển, vào công tác lập kế hoạch, ra các quyết định và phân bổ nguồn lực ở các cấp, vùng nhằm giải quyết hợp lý các chỉ tiêu dân số, bao gồm tỷ lệ tăng dân số, cơ cấu tuổi, mức sinh, mức chết, di cư... đều ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của phát triển con người, kinh tế và xã hội.

Trong 30 năm qua, Việt Nam đã áp dụng những cách tiếp cận sáng tạo để giải quyết tình trạng bất bình đẳng và thu hẹp khoảng cách về phát triển kinh tế xã hội giữa các vùng và các nhóm dân cư. Việt Nam cũng vừa vượt mốc 100 triệu dân. Tuổi thọ của người dân được nâng cao. Việt Nam đã vượt qua các xu hướng toàn cầu về giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ trong 30 năm qua và tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt mức cao trên Thế giới. 

2.2. Tại Việt Nam, chủ đề năm 2024: “Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững”

3. NỘI DUNG

         3.1. Những vấn đề của dân số toàn cầu

            Năm 2024, tròn 30 năm thực hiện Chương trình hành động ICPD, trên toàn cầu chưa giải quyết hiệu quả vấn đề nhu cầu chưa được đáp ứng về kế hoạch hóa gia đình; tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản vẫn còn cao, theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc:

    - Mỗi ngày, trên thế giới có khoảng 800 phụ nữ tử vong vì những nguyên nhân có thể phòng tránh được có liên quan đến thai sản. Điều này tương đương với hơn 290 ngàn phụ nữ tử vong mỗi năm.

     - Bạo lực đối với phụ nữ ảnh hưởng đến gần 1/3 phụ nữ trên toàn thế giới.       

     - Hiện mới chỉ khoảng 55% phụ nữ có khả năng tự đưa ra quyết định về sức khỏe sinh sản và tình dục của mình.

            - Một nửa dân số thế giới hiện đang sống ở các trung tâm đô thị. Đến năm 2050, con số này sẽ là gần 70%.

            - Từ năm 2022 đến năm 2030, nếu chúng ta chi thêm 79 tỷ USD để giải quyết vấn đề nhu cầu chưa được đáp ứng về kế hoạch hóa gia đình và phòng tránh tử vong bà mẹ có thể sẽ ngăn chặn 400 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn, cứu sống khoảng 1 triệu phụ nữ và tạo ra 660 tỷ USD lợi ích kinh tế.

            - Đối với nỗ lực giảm thiểu tình trạng tảo hôn, nếu đầu tư khoảng 152 tỷ USD từ năm 2022 đến năm 2030, sẽ tránh được khoảng 230 triệu trường hợp, đảm bảo 386 triệu bé gái được đến trường và mang lại 5,1 nghìn tỷ USD lợi ích kinh tế.

              3.2. Thành tựu và khó khăn, thách thức của công tác dân số Việt Nam

              a) Thành tựu của công tác dân số trong 30 năm qua

          Trong thời gian qua, công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

     Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 cho đến nay tiếp tục duy trì xung quanh mức sinh thay thế. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực. Dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh. Từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng.

           Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện. Dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hoá, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

           Công tác tuyên truyền, giáo dục, nhận thức về dân số và kế hoạch hóa gia đình của các cấp, các ngành và toàn dân có bước đột phá. Mỗi cặp vợ chồng có 2 con đã trở thành chuẩn mực, lan tỏa, thấm sâu trong toàn xã hội. Dịch vụ dân số và kế hoạch hóa gia đình được mở rộng, chất lượng ngày càng cao.

    b) Những vấn đề dân số ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của đất nước và từng địa phương.

            Những khó khăn, thách thức của công tác dân số, đó là:

- Chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng, đối tượng và nguy cơ không đạt được mục tiêu duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc;

- Tốc độ già hóa dân số nhanh và sớm trở thành quốc gia dân số già là thách thức lớn cho phát triển kinh tế và an sinh xã hội;

- Tỉ số giới tính khi sinh vẫn luôn ở mức cao; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn chậm khắc phục;

- Chất lượng dân số, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn hạn chế và một số nội dung quan trọng khác sẽ tác động trực tiếp đến đời sống, xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước cả trong hiện tại và tương lai.

c) Một số nội dung truyền thông cho người dân:

- Lợi ích của việc sinh đủ 2 con; chuyển đổi hành vi về giới và bình đẳng giới, không lựa chọn giới tính thai nhi; truyền thông nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, cộng đồng và xã hội;

- Lợi ích và tầm quan trọng của việc tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn cho nam/nữ thanh niên; thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh;

- Phổ biến các quy định của pháp luật về cấm tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội trong việc thực hiện giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống;

- Ý nghĩa, tầm quan trọng của chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi; các nội dung rèn luyện thân thể, phòng các bệnh thường gặp ở người cao tuổi;

- Cung cấp kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục phù hợp với các nhóm đối tượng đặc thù (vị thành niên, thanh niên, người lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất…) góp phần giảm tình trạng mang thai ngoài ý muốn, giảm phá thai, dự phòng vô sinh và nâng cao chất lượng dân số.

 - Ưu tiên truyền thông dành cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương, bao gồm người dân tộc thiểu số, người di cư, người khuyết tật và những người bị ảnh hưởng bởi tác động của biến đổi khí hậu.

4 . KHẨU HIỆU TRUYỀN THÔNG

(1) Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;

(2) Công tác dân số là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân;

(3) Hãy chọn cho mình một biện pháp tránh thai phù hợp để tránh mang thai ngoài ý muốn;

(4) Không mang thai ở tuổi vị thành niên vì sức khỏe, hạnh phúc và tương lai của chính bạn;

(5) Nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức;

(6) Hãy để việc sinh con trai hay gái theo quy luật tự nhiên;

(7) Tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc mỗi cá nhân, gia đình, vì sự phồn vinh của đất nước;

(8) Thực hiện việc tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh tật trước sinh, sơ sinh vì tương lai nòi giống Việt;

(9) Không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống để bảo vệ giống nòi;

(10) Chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi là truyền thống tốt đẹp của dân tộc;

(11) Gia đình, cộng đồng và toàn xã hội hãy chung tay chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi;

(12) Nâng cao chất lượng dân số để phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Lê Ưng – Chi cục Dân số - KHHHGĐ (t/h)

  © Bản quyền thuộc về Sở Y tế Tỉnh Nam Định.
  Địa chỉ: Số 14 Trần Thánh Tông - Thành phố Nam Định - Tỉnh Nam Đinh.
  Điện thoại: (0228) 3631 486 - Fax: (0228) 3631 261 - Email: soyte@namdinh.chinhphu.vn.
  Giấy phép số 02/GP-STTTT ngày 29-07-2019 của Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Nam Định.
  
Chung nhan Tin Nhiem Mang