Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và Bộ Y tế, những năm qua, ngành Y tế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh và thanh toán BHYT ở các cơ sở y tế. Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp tăng cường năng lực hoạt động khám chữa bệnh, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người tham gia BHYT khi khám chữa bệnh.
Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Hưng ứng dụng hệ thống quản lý thông tin bệnh viện trong khám chữa bệnh.
Thực hiện Kế hoạch số 115/KH-UBND, ngày 25-12-2020 của UBND tỉnh về ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính quyền số và Kế hoạch số 120/KH-UBND, ngày 31-12-2020 của UBND tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Sở Y tế đã xây dựng Kế hoạch số 2056/KH-SYT, ngày 31-12-2020 về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số y tế và đảm bảo an toàn thông tin mạng năm 2021 và triển khai trong toàn ngành. Mục tiêu là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, khám bệnh, chữa bệnh, thanh toán BHYT tại tất cả các đơn vị của ngành Y tế, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước và cải cách hành chính, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. Tăng cường mức độ cung cấp thông tin, dịch vụ y tế trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Phấn đấu 100% cơ sở điều trị trực thuộc Sở ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, khám bệnh, chữa bệnh, thanh toán BHYT; trích xuất dữ liệu đầu ra thanh toán BHYT theo phụ lục đính kèm Quyết định số 4210/QĐ-BYT của Bộ Y tế; gửi dữ liệu lên Cổng Giám định BHYT đúng ngày. 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn triển khai ứng dụng công nghệ thông tin quản lý hồ sơ sức khỏe của người dân và phần mềm quản lý y tế cơ sở; phấn đấu 20% người dân trên địa bàn được lập hồ sơ sức khỏe điện tử.
Để thực hiện được mục tiêu đề ra, ngành Y tế đã khảo sát, đánh giá hiện trạng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm, phần cứng trong công tác quản lý khám chữa bệnh và thanh toán BHYT tại các đơn vị trong ngành. Trang bị máy vi tính, các thiết bị công nghệ thông tin đáp ứng việc ứng dụng công nghệ thông tin theo như mục tiêu kế hoạch. Củng cố, nâng cấp hệ thống mạng máy tính của các đơn vị trong toàn ngành. Đảm bảo hệ thống mạng nội bộ LAN, WAN, internet tại các đơn vị hoạt động liên tục, thông suốt. Đồng thời, hợp tác với Tập đoàn VNPT và VNPT Nam Định trong việc đảm bảo chất lượng đường truyền internet về tốc độ, đáp ứng được việc sử dụng phần mềm chạy trên nền tảng điện toán đám mây liên tục thông suốt. Ký hợp tác chiến lược với doanh nghiệp cung cấp phần mềm quản lý khám chữa bệnh và thanh toán BHYT đáp ứng được việc kết xuất dữ liệu theo yêu cầu của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam và kết nối liên thông được dữ liệu 4 tuyến từ trạm y tế xã lên đến Bộ Y tế. Sở Y tế triển khai cung cấp 81 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 (mức độ 3 chiếm 37%, mức độ 4 chiếm 49%); kết nối liên thông với các đơn vị liên quan; triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường sử dụng thư điện tử. Phát triển nền quản trị y tế thông minh, hoàn thiện các ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành điện tử, giao dịch điện tử ở các đơn vị. Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh, Sở Y tế duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của nhóm công nghệ thông tin, kịp thời hỗ trợ, giải đáp thắc mắc của các đơn vị trong quá trình triển khai ứng dụng công nghệ thông tin. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin quản lý trạm y tế, quản lý BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh, trích chuyển dữ liệu, kết nối, liên thông dữ liệu điện tử từ cơ sở khám chữa bệnh đến Cổng tiếp nhận dữ liệu đầy đủ, kịp thời, phục vụ quản lý thông tuyến và giám định điện tử theo quy định. Các cơ sở y tế đã đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện các hệ thống quản lý thông tin bệnh viện (HIS), hợp lý hóa, tự động hóa các quy trình thủ tục khám chữa bệnh của người dân, giảm tối đa các thủ tục hành chính rườm rà, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh. Triển khai hệ thống phần mềm HIS, hệ thống phần mềm quản lý hệ thống thông tin xét nghiệm (LIS), hệ thống phần mềm quản lý chẩn đoán hình ảnh (RIS/PACS) tuân thủ các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, đảm bảo khả năng kết nối liên thông, chia sẻ, tích hợp dữ liệu, đồng thời kết nối liên thông tất cả các trang thiết bị trong cơ sở khám chữa bệnh (máy xét nghiệm, máy chẩn đoán hình ảnh, các màn hình tương tác, các thiết bị cầm tay cá nhân...), nâng cao khả năng tự động hóa.
Bác sĩ Bùi Văn Hiển, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Hưng cho biết: Trung tâm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin từ năm 2014, tuy nhiên chưa được đồng bộ. Từ năm 2020, Trung tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp tục cải tiến quy trình khám chữa bệnh và triển khai bệnh án điện tử, ứng dụng phần mềm khám chữa bệnh từ xa đã đem lại nhiều chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám chữa bệnh. Đến nay, Trung tâm đã thực hiện bệnh án điện tử đạt 70%. Thông tin khám chữa bệnh và thanh toán BHYT được công khai, minh bạch, người tham gia BHYT được đảm bảo quyền lợi hợp pháp khi khám chữa bệnh. Thời gian chờ đợi giải quyết các quy trình, thủ tục hành chính liên quan đến hồ sơ khám chữa bệnh được rút ngắn tạo thuận lợi cho người dân khi khám chữa bệnh. Qua đó, nâng cao năng lực quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khám chữa bệnh. Trung bình mỗi ngày Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Hưng khám cho 300 bệnh nhân, tăng 200% so với năm 2014 (100 bệnh nhân/ngày).
Đồng chí Khương Thành Vinh, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Y tế cho biết: Hầu hết lãnh đạo các đơn vị y tế đều quan tâm đến việc triển khai hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin tại cơ sở khám chữa bệnh. Đến nay, 100% cơ sở khám chữa bệnh đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện và thanh toán BHYT. Các nhà thuốc và trạm y tế xã đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối mạng theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25-10-2017. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực y tế những năm qua đã góp phần làm thay đổi diện mạo ngành Y tế trong công tác quản lý, hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan, việc ứng dụng công nghệ thông tin tại các đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế còn tồn tại, thời gian tới, ngành Y tế huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp các thiết bị tin học, cải tiến hạ tầng đường truyền, phần mềm đồng bộ, kết nối, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Phát triển nguồn nhân lực chuyên trách công nghệ thông tin tại các đơn vị y tế, ưu tiên cho các cơ sở khám chữa bệnh. Các cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục nâng cấp phần mềm quản lý hệ thống thông tin bệnh viện (HIS) đạt mức 4 theo nhóm tiêu chí hệ thống thông tin bệnh viện; hệ thống thông tin xét nghệm và hệ thống phần mềm quản lý hình ảnh tập trung đạt mức nâng cao; triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho quá trình đến khám, chữa bệnh của người dân, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh trên địa bàn./.
baonamdinh.com.vn