Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong lộ trình phát triển, nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân, những năm qua, ngành Y tế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hiện đại vào các hoạt động quản lý, khám chữa bệnh (KCB) một cách toàn diện, tạo sự thay đổi tích cực trong các hoạt động của hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở.
Bệnh viện Nhi tỉnh ứng dụng hệ thống quản lý thông tin bệnh viện trong quản lý hoạt động khám, chữa bệnh.
Bác sĩ Trần Trung Kiên, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 15-10-2021 của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 122/KH-UBND, ngày 22-10-2021 của UBND tỉnh về chuyển đổi số của tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Sở Y tế đã ban hành Kế hoạch số 785/KH-SYT ngày 1-4-2022 về việc phát triển chính quyền số, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng. Mục tiêu là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, khám bệnh, chữa bệnh, thanh toán bảo hiểm y tế tại tất cả các đơn vị của ngành Y tế, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước và cải cách hành chính, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. Tăng cường mức độ cung cấp thông tin, dịch vụ y tế trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Phấn đấu 100% cơ sở điều trị trực thuộc Sở ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, khám bệnh, chữa bệnh, thanh toán bảo hiểm y tế; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn triển khai ứng dụng công nghệ thông tin quản lý hồ sơ sức khỏe của người dân và phần mềm quản lý y tế cơ sở. Theo đó, hầu hết các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh đã đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin (như nâng cấp mạng LAN, nâng cấp dung lượng đường truyền internet...), đáp ứng được việc sử dụng phần mềm chạy trên nền tảng điện toán đám mây liên tục thông suốt, kết nối liên thông được dữ liệu 4 cấp từ trạm y tế xã lên đến Bộ Y tế và kết nối liên thông với các đơn vị liên quan. Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở KCB và các đơn vị trực thuộc đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, hướng đến đáp ứng yêu cầu triển khai bệnh án điện tử, xây dựng bệnh viện thông minh, bệnh viện không giấy tờ. Tăng cường triển khai các hoạt động y tế từ xa với các bệnh viện tuyến trên để được hỗ trợ tư vấn KCB…
Sở Y tế duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của nhóm công nghệ thông tin, kịp thời hỗ trợ, giải đáp thắc mắc của các đơn vị trong quá trình triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Các cơ sở y tế, bên cạnh việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đã đầu tư máy móc, trang thiết bị, xây dựng và hoàn thiện hệ thống phần mềm như: Hệ thống quản lý thông tin bệnh viện (HIS), hợp lý hóa, tự động hóa các quy trình thủ tục KCB của người dân, giảm tối đa các thủ tục hành chính rườm rà, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh. Triển khai hệ thống phần mềm HIS, hệ thống phần mềm quản lý hệ thống thông tin xét nghiệm (LIS), hệ thống phần mềm quản lý chẩn đoán hình ảnh (RIS/PACS) tuân thủ các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, đảm bảo khả năng kết nối liên thông, chia sẻ, tích hợp dữ liệu, đồng thời kết nối liên thông tất cả các trang thiết bị trong cơ sở KCB (máy xét nghiệm, máy chẩn đoán hình ảnh, các màn hình tương tác, các thiết bị cầm tay cá nhân...), nâng cao khả năng tự động hóa. Đặc biệt là trong thời gian diễn ra dịch COVID-19, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong KCB được đẩy mạnh, tạo thuận lợi cho người dân và đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý tiêm chủng giúp người dân theo dõi thông tin tiêm chủng trong sổ tiêm chủng điện tử trên điện thoại thông minh truy cập hệ thống tiêm chủng quốc gia.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của ngành Y tế khá toàn diện, nhận được sự đồng thuận, triển khai thực hiện của đội ngũ cán bộ, nhân viên, người lao động trong ngành, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân. Hiện nay, 100% các dịch vụ công trực tuyến do Sở Y tế thực hiện đều được công khai và thực hiện trên Cổng dịch vụ công một cửa điện tử của tỉnh, của Sở. 100% các đơn vị trực thuộc đã triển khai hệ thống mạng chuyên dùng, vận hành ổn định, an toàn, thông suốt. Các đơn vị trực thuộc đã được triển khai hệ thống phần mềm quản lý văn bản và thực hiện ký số khi gửi văn bản điện tử giữa các đơn vị. 100% cơ sở KCB đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện và thanh toán bảo hiểm y tế. 100% các cơ sở tiêm chủng COVID-19 trên địa bàn tỉnh đã được trang bị chữ ký số, đảm bảo ký xác thực hồ sơ “Hộ chiếu vắc-xin” trên hệ thống phần mềm tiêm chủng. Trạm y tế tuyến xã đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối mạng, triển khai ứng dụng phần mềm y tế cơ sở, cơ bản đáp ứng được nhu cầu quản lý KCB và một số lĩnh vực y tế dự phòng và có khả năng kết nối liên thông với các phần mềm khác. Các bệnh viện và cơ sở y tế trong tỉnh đã triển khai phương thức thanh toán bằng phương thức quét mã QR code hoặc ứng dụng Mobile money, thẻ POS liên kết với các ngân hàng thương mại trên địa bàn. Các đơn vị cũng đã chủ động cải cách thủ tục hành chính, triển khai ứng dụng VssID (Bảo hiểm xã hội số) để KCB bảo hiểm y tế. Nhiều cơ sở KCB đã đầu tư hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện, hệ thống lấy số tự động…, giúp bệnh nhân giảm thời gian chờ đợi khi KCB. Thông tin của bệnh nhân được lưu trữ và dễ dàng tra cứu trên hệ thống phần mềm. Người bệnh nhận phiếu, đơn thuốc được in ra rõ ràng, tránh nhầm lẫn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại các đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế còn tồn tại, thời gian tới, ngành Y tế tập trung tuyên truyền, quán triệt các văn bản chỉ đạo của các cấp về ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số và bảo đảm an toàn an ninh thông tin, trong đó có việc ứng dụng công nghệ thông tin áp dụng cho các dịch vụ công trực tuyến. Phát triển nền tảng Chính quyền điện tử; phát triển hạ tầng số, nền tảng số; phát triển dữ liệu số. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai, ứng dụng các dịch vụ, giải pháp phục vụ người dân, doanh nghiệp tiếp cận với các dịch vụ số trong lĩnh vực y tế. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chuyên trách công nghệ thông tin tại các đơn vị y tế, ưu tiên cho các cơ sở KCB, tiếp tục nâng cấp phần mềm HIS, hệ thống thông tin xét nghiệm và hệ thống phần mềm quản lý hình ảnh tập trung đạt mức nâng cao. Các cơ sở KCB đẩy mạnh các hoạt động KCB từ xa, hội chẩn trực tuyến với tuyến xã, tuyến tỉnh, tuyến Trung ương. Tiến tới thực hiện bệnh án điện tử, thanh toán điện tử không dùng tiền mặt, ứng dụng chuyển đổi số nhằm từng bước nâng cao chất lượng KCB, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân./.
Bài và ảnh: Minh Tân
Báo Nam Định